Thể chế về trợ giúp pháp lý ngày càng hoàn thiện, toàn diện và phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước từng thời kỳ và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế
Từ sự ra đời của Quyết định số 734/TTg ngày 06/9/1997 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập tổ chức TGPL của Nhà nước, đến việc Quốc hội khóa XI thông qua Luật TGPL ngày 29/6/2006 và mới đây nhất ngày 20/6/2017, tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV thông qua Luật TGPL (sửa đổi) đã cho thấy thể chế về TGPL có sự thay đổi tương ứng với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong từng thời kỳ. Đặc biệt, Luật TGPL năm 2017 có nhiều nội dung mới nổi bật đã tạo khuôn khổ pháp lý cho sự phát triển bền vững công tác TGPL theo hướng chuyên nghiệp, sử dụng hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước và xã hội nhằm cung cấp kịp thời dịch vụ pháp lý cho người yếu thế không có khả năng chi trả dịch vụ pháp lý và những người thuộc diện chính sách, tạo bước chuyển biến trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ TGPL.
Hệ thống trợ giúp pháp lý được hình thành và củng cố, hiệu quả hoạt động trợ giúp pháp lý rất đáng ghi nhận
Cùng với sự lớn mạnh và trưởng thành của công tác TGPL trong toàn quốc, việc củng cố và kiện toàn tổ chức thực hiện TGPL đã được quan tâm, chú trọng. Tính đến 31/12/2016, toàn quốc có 63 Trung tâm TGPL nhà nước ở 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, 184 Chi nhánh của Trung tâm đặt tại cấp huyện, liên huyện và 357 tổ chức hành nghề luật sư và Trung tâm tư vấn pháp luật đăng ký tham gia TGPL. Trong toàn quốc có 1.326 công chức, viên chức, người lao động làm việc tại Trung tâm và Chi nhánh, trong đó có 605 Trợ giúp viên pháp lý (tất cả đều có trình độ cử nhân luật trở lên và hầu hết trong số họ đều đã trải qua khóa đào tạo nghề luật sư).
Bên cạnh đó, công tác TGPL đã huy động được 6.920 cộng tác viên TGPL, trong đó có 1.021 luật sư. Với đội ngũ người thực hiện TGPL như trên, hoạt động TGPL ngày càng đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. Theo kết quả tổng hợp báo cáo công tác TGPL trong toàn quốc, từ năm 1997 đến hết tháng 6/2017, đã có 2.179.792 lượt người được TGPL trong 2.113.195 vụ việc TGPL (tư vấn pháp luật là 1.913.345 vụ, chiếm 90,54%, tham gia tố tụng là 140.574 vụ, chiếm 6,65%, đại diện ngoài tố tụng là 3.921 vụ, chiếm 0,19%, còn lại là hình thức khác).
Đặc biệt, từ sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đổi mới công tác TGPL ở Việt Nam giai đoạn 2015 - 2025, tỉ lệ vụ việc tham gia tố tụng trên tổng số vụ việc TGPL tăng lên so với năm trước, cụ thể, số vụ việc tham gia tố tụng trên tổng số vụ việc TGPL năm 2015 là 6,92%, năm 2016 là 12,16% và 6 tháng đầu năm 2017 là 21,92%. Tỉ lệ vụ việc tham gia tố tụng do Trợ giúp viên pháp lý thực hiện trên tổng số vụ việc tham gia tố tụng cũng tăng theo từng năm, nếu năm 2014 tỉ lệ này là 43% thì năm 2015 là 49,32% và năm 2016 là 74,24%.
Công tác truyền thông về trợ giúp pháp lý ngày càng được quan tâm
Ngay từ khi triển khai thực hiện chính sách TGPL, Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành, địa phương đã chủ động tăng cường truyền thông về TGPL đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân và người dân, đặc biệt là người thuộc diện được TGPL bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú.
Ở Trung ương, hàng năm, Cục Trợ giúp pháp lý - Bộ Tư pháp đã in ấn nhiều loại tờ gấp pháp luật về các lĩnh vực pháp luật có liên quan đến đời sống hàng ngày của người dân, phát hành cẩm nang pháp luật về các lĩnh vực pháp luật khác nhau cho các Trung tâm TGPL nhà nước để phát miễn phí cho đối tượng TGPL. Ở địa phương, các Trung tâm TGPL nhà nước đã chủ động triển khai nhiều hình thức truyền thông phù hợp với đặc thù của từng vùng, miền. Với những nỗ lực đẩy mạnh truyền thông đó, ngày càng nhiều người dân biết và tìm đến với tổ chức thực hiện TGPL để được giúp đỡ pháp luật.
Tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc giải quyết vướng mắc, tranh chấp pháp luật của người dân
Bộ Tư pháp đã phối hợp với các Bộ, ngành, tổ chức, đoàn thể có liên quan và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vào cuộc, chung tay triển khai thực hiện. Công tác phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong lĩnh vực TGPL được thực hiện qua các nội dung chính như trong xây dựng thể chế, trong hoạt động tố tụng, trong các chương trình giảm nghèo, trong hoạt động giải quyết khiếu nại… Ở địa phương, Sở Tư pháp đã phối hợp với các Sở, ngành có liên quan trong việc kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ làm công tác TGPL; quản lý, kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức thực hiện pháp luật về TGPL, bảo đảm các điều kiện cần thiết cho hoạt động TGPL; với các cơ quan thông tin đại chúng để thông tin, truyền thông về pháp luật TGPL đến với nhân dân…
Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, nâng cao vị thế, vai trò của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới trong việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân, đặc biệt là quyền tiếp cận công lý, bình đẳng trước pháp luật
Giai đoạn trước năm 2010 khi Việt Nam vẫn thuộc nhóm quốc gia nghèo và lạc hậu, công tác hợp tác quốc tế để triển khai các hoạt động TGPL đã được các nhà tài trợ nước ngoài đặc biệt quan tâm. Nhiều chương trình, Dự án hợp tác với các nước trên thế giới, các tổ chức phi Chính phủ nước ngoài đã được thực hiện. Từ năm 2010, Việt Nam chuyển từ nước có thu nhập thấp sang nước có thu nhập trung bình, việc hỗ trợ từ các Chương trình, dự án của các tổ chức quốc tế hầu như chấm dứt, chỉ còn lại số ít hoạt động hợp tác song phương hỗ trợ kỹ thuật cho công tác TGPL. Trong bối cảnh đó, Bộ Tư pháp đã tăng cường mở rộng quan hệ hợp tác với các đối tác, đặc biệt là các tổ chức của Liên Hợp quốc như UNDP, UNODC, UNICEF, UNAIDS, UNWOMEN..., các đại sứ quán (Đại sứ quán Ai-len, Đại sứ quán Israel...), Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ, cộng đồng châu Âu trong lĩnh vực TGPL nhằm huy động hơn nữa các nguồn lực hỗ trợ cho công tác TGPL.
Một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới
Tiếp tục hoàn thiện thể chế về trợ giúp pháp lý
Sau khi Quốc hội khóa XIV thông qua Luật TGPL năm 2017 đòi hỏi các cơ quan có thẩm quyền cần tập trung hoàn thiện một số văn bản để bảo đảm Luật thật sự đi vào cuộc sống như: Nghị định, các Thông tư của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn các vấn đề thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước đối với hoạt động TGPL, Thông tư liên tịch về phối hợp TGPL trong hoạt động tố tụng và các văn bản khác có liên quan.
Tăng cường truyền thông về hoạt động trợ giúp pháp lý
Công tác truyền thông cần được đầu tư quan tâm thỏa đáng bằng những phương thức phù hợp, có hiệu quả. Nội dung của hoạt động truyền thông trong giai đoạn mới cần phải được xác định đúng, bảo đảm giới thiệu các thông tin liên quan về tổ chức và hoạt động TGPL đến với người dân và các cơ quan, tổ chức có liên quan, tránh việc chồng lấn với hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật.
Trong bối cảnh Luật TGPL mới được ban hành, truyền thông trong TGPL cần hướng tới việc giới thiệu những điểm mới, tiến bộ của Luật TGPL năm 2017 so với Luật TGPL năm 2006. Đặc biệt, là việc nâng cao nhận thức của các cơ quan, tổ chức về trách nhiệm của mình đối với hoạt động này, cụ thể: các cơ quan tiến hành tố tụng có trách nhiệm phối hợp tạo điều kiện cho người được TGPL được hưởng quyền TGPL, tạo điều kiện cho người thực hiện TGPL tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật.
Tập trung thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý, đặc biệt là vụ việc tham gia tố tụng
Thực hiện định hướng tại Đề án đổi mới công tác TGPL, các địa phương đều chủ động, tích cực triển khai, các Trợ giúp viên pháp lý đã có nhận thức đầy đủ và đúng đắn về nhiệm vụ trọng tâm của công tác TGPL, tích cực hơn trong việc trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ, đặc biệt là kỹ năng tham gia tố tụng. Để tiếp tục định hướng này, Luật TGPL năm 2017 đã có các quy định cụ thể, yêu cầu Trợ giúp viên pháp lý tập trung thực hiện các vụ việc nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người được TGPL.
Nâng cao chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý
Để thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng, Luật TGPL năm 2017 đã có những quy định cụ thể để chuẩn hóa nâng cao tiêu chuẩn Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư, cộng tác viên. Các tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật cũng phải đáp ứng những tiêu chuẩn cụ thể về năng lực người thực hiện TGPL, các điều kiện bảo đảm cung cấp dịch vụ có chất lượng mới được lựa chọn tham gia TGPL. Ngoài ra, đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý phải thường xuyên nâng cao năng lực về chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp để ngày càng đáp ứng nhu cầu TGPL ngày càng cao của người được TGPL.
Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hoạt động trợ giúp pháp lý
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động TGPL cần được coi là một nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Công nghệ thông tin được sử dụng rộng rãi trên tất cả các mặt của hoạt động này như tiếp nhận, xử lý yêu cầu TGPL của người dân, thông tin chia sẻ giữa các tổ chức thực hiện TGPL, chỉ đạo điều hành, báo cáo thống kê sẽ giúp nâng cao hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, mang lại lợi ích cho cả phía cơ quan quản lý cũng như người dân.
Tăng cường hợp tác quốc tế về trợ giúp pháp lý
Việc hợp tác quốc tế trong lĩnh vực TGPL cần tích cực tham gia các diễn đàn quốc tế cũng như khu vực về TGPL nói riêng và tiếp cận công lý trong hệ thống tư pháp nói chung, dần dần tạo dựng hình ảnh, chia sẻ những thành tựu cũng như đổi mới tích cực của TGPL ở Việt Nam. Đồng thời, tranh thủ hỗ trợ về kỹ thuật trong việc chia sẻ kinh nghiệm, bài học hữu ích từ các nước, kinh phí cho việc nâng cao chất lượng hoạt động, đặc biệt trong việc tăng cường năng lực cho người thực hiện TGPL, qua đó nâng cao chất lượng dịch vụ TGPL cho người dân.