7 triệu đồng “bôi trơn” để giải quyết nhanh?
Năm 2002, chị Nguyễn Thị Thu kết hôn với anh Nguyễn Văn Tấn, có hai con chung. Thời gian đầu cuộc hôn nhân êm ấm, sau đó chị thường xuyên bị chồng đánh đập, bạo hành. Không chịu thấu, sau đó chị Thu phải tạm lánh ở nhờ nhà bạn, nghĩ rằng để chồng nguôi giận sẽ trở về. Vậy nhưng khi chị Thu trở lại nhà vì nhớ con, nhớ tổ ấm vợ chồng chung sức gây dựng suốt 12 năm qua thì bị chồng đánh đập, đuổi thẳng chị ra khỏi nhà. Cùng đường, chị đành phải viết đơn xin ly hôn gửi TAND quận Lê Chân (Hải Phòng).
Ngày 10/4/2014, chị Thu gửi đơn ly hôn ra TAND quận Lê Chân (Hải Phòng), thẩm phán Phạm Thị Phong Lan được giao thụ lý vụ kiện. Thẩm phán yêu cầu chị phải cung cấp đầy đủ hồ sơ thì mới xem xét. Do người chồng giữ toàn bộ hồ sơ, chứng từ, tài liệu có liên quan đến tài sản chung, lại đánh đuổi vợ ra khỏi nhà nên chị không thể thực hiện yêu cầu cung cấp chứng cứ nên đành xin tạm đình chỉ vụ án để củng cố chứng cứ.
Đến ngày 26/6/2014, chị tiếp tục gửi đơn ly hôn, lần này TAND quận Lê Chân cử Thẩm phán Phạm Văn Thường thụ lý. Ngày 23/7/2014, Thẩm phán Thường gọi chị lên Tòa án để viết đơn khởi kiện bổ sung. Nội dung đơn là: do anh Tấn không hợp tác, giữ các loại giấy tờ để chị nộp cho Tòa nên chị đề nghị Tòa thu thập các chứng cứ này.
Theo chị Thu trình bày: “Ngày 24/7/2014, Thẩm phán Thường lại gọi tôi lên phòng trực ban để đưa Thông báo đã nhận được đơn. Tại đây, ông Thường nói thẳng với tôi: “Công việc nhanh chậm là do tôi, chứ không phải do Tòa”. Tôi tỏ ra hiểu ý và chấp nhận tuân theo “luật”. Khi tôi về đến ngang đường, ông Thường điện thoại bảo chuẩn bị từ 5 – 7 triệu đồng để giải quyết vụ kiện.” Ngày 18/8/2014, tôi lên gặp ông Thường, ông hỏi “đã chuẩn bị tiền chưa, được mấy triệu rồi”? Tôi trình bày hoàn cảnh bị chồng đánh đuổi, ra đi hai bàn tay trắng nên rất khó khăn và nói thật “em chỉ nhờ bạn vay được 2 triệu”. Ông Thường bảo: “phải đủ 7 triệu mới làm được”. Tôi đành về nhà vay thêm tổng cộng được 4 triệu và điện thoại báo cho ông Thường, ông ấy bực tức chửi đổng: “mẹ con này, dài mồm”!
Thẩm phán trao đổi vụ kiện tại cổng bệnh viện
Ngày 5/9/2014, ông Thường tổ chức hòa giải lần 1 cho vợ chồng chị Thu. Trong buổi hòa giải ông Thường nói: “Lần 1 hai vợ chồng tự thỏa thuận. Nếu sau một tuần không tự thỏa thuận được thì làm đơn lên Tòa”. Do hoà giải không thành nên một tuần sau, chị Thu gửi đơn lên Tòa, nhưng không thấy ông Thường và Tòa án quận Lê Chân không gọi lên để tiến hành các bước tiếp theo. Khi chị hỏi thì ông Thường hẹn chị ngày 29/9 sẽ gặp.
Sau nhiều lần khất lần, khoảng 13h30 ngày 29/9, thẩm phán Thường hẹn gặp đương sự tại cổng Bệnh viện Việt – Tiệp, Hải Phòng. Tại đây ông Thường nói: “Về mặt tình cảm và con cái, tôi xử xong rồi. Phần tài sản Tấn nó không ký”. Chị Thu tá hoả, vì Toà mới tổ chức hòa giải một lần nhưng không thành vì chị Thu không thuận tình ly hôn thì làm sao có thể giải quyết xong về tình cảm và con cái? Thế nhưng không hiểu lý do gì ông Thẩm phán Thường lại ra “đổi trắng thành đen” ra quyết định báo cáo lãnh đạo là hòa giải thành.
Trình bày với PLVN, chị Thu cho biết đã làm đơn tố cáo hành vi ban hành quyết định hoà giải thành trái pháp luật của thẩm phán Phạm Văn Thường gửi TAND TP.Hải Phòng và TAND quận Lê Chân, trong đó trình bày rõ chuỗi hành vi khuất tất của thẩm phán Thường từ khi thụ lý vụ án, “ngã giá” 7 triệu và hẹn gặp đương sự tại cổng bệnh viện để giao quyết định. Trong đơn, chị Thu bức xúc trình bày: “Tôi xin hỏi ông Chánh án, về vụ việc của tôi, ông Quyết định và xử lúc nào, sao ông và anh Thường thẩm phán lại giấu tôi”?.
Thiết nghĩ, ông Chánh án TAND quận Lê Chân cần tuyên huỷ quyết định hoà giải thành trái pháp luật số 267 kể trên và khẩn trương kiểm tra, xác minh, xử lý các việc làm của thẩm phán Thường theo đơn tố cáo của đương sự. Tới đây, khi thụ lý giải quyết lại vụ án, TAND quận Lê Chân cần cử thẩm phán có chuyên môn, có trách nhiệm và đạo đức giải quyết xét xử để bảo đảm công bằng, khách quan, đúng luật (nhất là việc đánh giá tài sản chung mà hai bên tạo lập), đảm bảo quyền lợi và quyền làm mẹ cho chị Thu- người phụ nữ, vốn chịu nhiều cay đắng, thiệt thòi./.