“Chém gió” mạng ảo, thiệt thân thật

(PLO) - Tự “quảng cáo” quá về mình, khoe mẽ, khoe của… trên facebook đang “nở rộ” trong một bộ phận giới trẻ, tạo nên tư tưởng và lối sống ảo, thực dụng, gây ra nhiều hệ lụy.

Minh họa nguồn internet
Minh họa nguồn internet
“Chém gió”, “chém” nhầm… sếp
“Chém gió” ngoài đời đã khiến không ít người lâm vào cảnh bẽ bàng khi bị “bóc mẽ”. Ví như Hoàng Văn Thiên (sinh viên một trường đại học ở Hà Nội) nói mình là “cậu ấm”, con nhà giàu, chuyên dùng hàng hiệu và đang sở hữu một quán cà phê, có thuê rất nhiều người làm. Bị bạn tố, Thiên xấu hổ, đi đâu cũng cúi mặt khi mọi người biết cậu là con của… “Chúa Chổm”!
Hóa ra Thiên là con nhà nghèo, bố mẹ chuyên chở bún thuê kiếm tiền trang trải cuộc sống và cho cậu ăn học. Cái điện thoại “xịn” Thiên dùng là mượn của người anh họ. Thiên còn vay của bạn bè 2 triệu đồng chưa trả, và mượn xe máy của một bạn gái cùng lớp mang đi cầm lấy tiền chi tiêu… 
Nhiều người trẻ lại thích “chém” trên Facebook. Có rất nhiều kiểu “khoe mẽ” qua mạng xã hội này: Nào là khoe học giỏi, khoe con nhà giàu, nấu ăn ngon, xinh đẹp, khoe sử dụng đồ đắt tiền, người yêu đẹp trai/xinh gái, khoe sử dụng súng, khoe ăn nhà hàng sang trọng…, mà hầu hết là hàng giả, hàng mượn hoặc sử dụng công nghệ cắt dán hình ảnh cốt để người khác tin. 
Có người tự khoe mình là giảng viên đại học, trong khi chỉ là nhân viên công ty đa cấp. Hay có người khoe bằng tiến sĩ, nhưng thực chất là một tấm bằng giả được chỉnh sửa. Đến khi bị cộng đồng phát hiện, người này mới gỡ bằng xuống. 
Còn Hoàng Thanh Huy, vì lỡ “add facebook” của sếp – Trưởng phòng ở công ty rồi quên nên đã vô tình “chém gió” với nhóm bạn trên mạng mình là trưởng phòng. Đến khi sếp gọi đến, hỏi: “Cậu là trưởng phòng nào?”, Huy chẳng còn biết giấu mặt vào đâu. Sau này, Huy lập thêm một tài khoản khác và tâm sự trên đó: “Dân công sở đừng hòng nói xấu sếp hay than thở về áp lực công việc, “chém gió” về các dự án, kế hoạch tương lai, vì thể nào cũng bị đồng nghiệp bủa vây hỏi han và nếu để sếp biết, chắc sẽ bị nhắc nhở”.
Thực tế, không ít bạn trẻ “chém gió” vô tội vạ, tưởng như vô thưởng, vô phạt nhưng cuối cùng phải chịu những hậu quả đau lòng. Có một chàng nói mình đã chinh phục được người yêu… của thằng bạn. Vậy là hôm sau bị “thằng bạn” chặn đường đánh cho một trận nhừ tử. Nhưng thực ra đó chỉ là hiểu lầm. Đến khi đôi bên giải thích được với nhau thì người bị đánh đã phải… nhập viện. 
Hay trường hợp Nghiêm Thùy Trang (30 tuổi) và Vũ Hương Thảo (23 tuổi), trú tại Hà Nội, đã tung lên facebook dòng tin “Việt Nam đã có người nhiễm virus Ebola” khi virus này chưa xuất hiện ở Việt Nam. Nguyễn Khánh Thành (SN 1986, trú tại quận Đống Đa, Hà Nội) cũng đã khiến nhiều người lo ngại khi đăng tải những thông tin về việc thiếu nữ bị kẻ xấu rạch đùi bằng dao lam dính máu HIV lên một trang mạng mà Thành làm quản trị. Những người này đã phải làm việc với cơ quan điều tra. 
Còn những người trẻ lên mạng xã hội hô hào, nói thành lập nhóm “xã hội đen”, có sử dụng súng, một số khác thì tung tin bịa đặt, đã bị công an bắt. 
Suy nghĩ của một bộ phận giới trẻ rất hời hợt?
Có thể nói, sự khoe mẽ, chạy theo lối sống ảo, không thực chất đã ăn sâu vào nhiều bạn trẻ. Họ tự tâng bốc mình và muốn người khác phải… nể phục. Thực trạng này đang gióng lên hồi chuông báo động về một lối sống thực dụng. Nguy hiểm hơn là nó tạo ra một bộ phận giới trẻ thích dựa dẫm vào người khác, thích kết thân với những người giàu có để được chăm sóc, hưởng thụ.
Facebook là tài khoản cá nhân, nhiều người vẫn nghĩ muốn viết, nói gì, phát ngôn thế nào trên đó cũng được. Nhưng thật sự thì không phải thế. Một lời viết trên Facebook được lan truyền rất nhanh, có thể khiến dư luận bị hoang mang, ảnh hưởng. Vậy nên các bạn trẻ cần cân nhắc trước khi phát ngôn, và nhất là phải làm chủ cảm xúc của mình, không nên nói và viết bừa bãi để thiệt đến thân. 
Điều này, theo Giáo sư Văn Như Cương – Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh, là một mặt trái rất đáng nói của mạng xã hội. Và hơn thế, là một trào lưu nguy hiểm. Nó cho thấy suy nghĩ của giới trẻ rất hời hợt, lệ thuộc vào những giá trị không thật. Vấn đề này là trách nhiệm của cả xã hội.
Đồng quan điểm ấy, bà Ngô Thị Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tâm sự: “Các em ngày nay không chỉ thiếu kỹ năng sống trong xã hội thật mà cả trong xã hội ảo. Vấn đề cốt lõi là làm thay đổi nhận thức của các em. Bao năm qua, nhà trường chỉ quan tâm dạy chữ mà lơ là dạy người. Cần phổ biến kiến thức pháp luật cho phù hợp với từng cấp học để các em nhận thức được những tác hại, nguy cơ cũng như hành vi nào bị cấm và không nên làm trên Facebook”.