Tải sản đã giải chấp, thẩm phán vẫn cố giữ, vì sao?

(PLO) -Mặc ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam thịnh vượng (VPbank ) – nguyên đơn - đã có đơn rút một phần yêu cầu khởi kiện, giải chấp cho một mảnh đất trước đó bị coi là tài sản đảm bảo cho một khoản vay, tuy nhiên, Tòa án Nhân dân quận Cầu Giấy, một mực "làm ngơ" gây khó khăn cho công dân.
Tải sản đã giải chấp, thẩm phán vẫn cố giữ, vì sao?
Theo đơn kêu cứu khẩn cấp của ông Trần Xuân Bình (SCMND 012594... Cấp ngày 7/7/2010 tại CA. Tp Hà Nội) gửi báo PLVN cho biết, công ty Cổ phần kinh doanh dịch vụ Vạn Lộc (có trụ sở tại SN 68, tổ 43, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội) do ông Lê Thành Dũng- giám đốc Cty -  vay vốn tại VPBank theo Hợp đồng tín dụng số LD1125800097 ngày 15/9/2011 với tổng số tiền 28 tỷ 100 triệu đồng. 
Vì mối quan hệ riêng, ông Bình đã cho Vạn Lộc mượn thửa đất C3 khu nhà ở Mai Dịch (số 170 Lê Đức Thọ kéo dài, phường Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội) để thế chấp. Mảnh đất này thuộc quyền sử dụng của ông Trần Xuân Bình.

Sau đó, do công ty Vạn Lộc đã vi phạm nghĩa vụ trả nợ cả gốc lẫn lãi. Sau nhiều lần yêu cầu Vạn Lộc không được, VPBank đã yêu cầu bên bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ trả nợ thay hoặc bàn giao tài sản thế chấp cho ngân hàng xử lý.

Được sự đồng ý của ngân hàng, ông Trần Xuân Bình đã thực hiện trả nợ thay cho công ty Vạn Lộc, nộp 15 tỷ đồng cho VPBank và làm các thủ tục theo yêu cầu, để được ngân hàng giải chấp tài sản mà ông đã mang ra đảm bảo cho khoản vay của Vạn Lộc. 
Chiều ngày 29/5/2014, VPBank đã ký thông báo giải chấp số 1365 gửi Văn phòng đăng ký Đất và Nhà (VPĐKĐ&N) quận Cầu Giấy để xóa đăng ký giao dịch đảm bảo, cho ông Bình được thực hiện các giao dịch liên quan.
Sau khi làm đủ thủ tục với ngân hàng và VPĐKĐ&N quận Cầu Giấy, đúng hẹn, ngày 5/6/2014 ông Bình lên để nhận kết quả theo đúng quy định PL. Tuy nhiên lúc này VPĐKĐ&N quận Cầu Giấy đã đưa từ chối trả kết quả giải chấp bởi trong ngày hôm đó, TAND Cầu Giấy đã có Công văn số 257/CV-TA do thẩm phán Nguyễn Văn Lương ký đúng trong ngày hôm đó, vừa gửi đến VPĐKĐ&N quận Cầu Giấy đề nghị tạm dừng việc xóa thế chấp đối với khối tài sản của ông Trần Xuân Bình. 
Được biết trước đó, do nhận định rằng: Cty Vạn Lộc không thực hiện nghĩa vụ trả nợ, nên khoảng tháng 11/2013 VPBank đã khởi kiện Cty này. Tuy nhiên,  sau khi ông Bình hoàn thành thủ tục trả thay một phần nợ cho công ty Vạn Lộc tương ứng với khối tài sản đảm bảo, ngày 29/5/2014 VPBank đã thực hiện giải chấp đối với tài sản nhà đất của ông Bình, và đã có công văn gửi VPĐKĐ&N quận Cầu Giấy, TAND quận Cầu Giấy. 
Nhưng không hiểu vì lý do gì TAND quận Cầu Giấy đã bỏ qua văn bản bổ sung đơn khởi kiện ngày 30/5/2014 VPBank - yêu cầu TAND quận Cầu Giấy không xem xét đối với tài sản đứng tên ông Bình. 

Trách nhiệm của Thẩm phán…

Để làm minh bạch sự việc trên, PV PLVN đã có buổi làm việc trực tiếp với Thẩm phán Nguyễn Văn Lương (người thụ lý vụ việc này). Ông Lương cho rằng: Vì VPBank chưa nói rõ ý định khởi kiện cho Tòa biết, nên Tòa mới ra văn bản trên là để bảo vệ khối tài sản cho phía nguyên đơn.

Bà Nguyễn Thị Thu Hiền - Chánh án TAND quận Cầu Giấy trao đổi với PV.
 Bà Nguyễn Thị Thu Hiền - Chánh án TAND quận Cầu Giấy trao đổi với PV.

Khi PV hỏi về lá đơn đề nghị rút yêu cầu đối với mảnh đất của ông Bình đã gửi Tòa án, thẩm phán Nguyễn Văn Lương lấy cớ đi hỏi ý kiến Chánh án để lảng tránh câu trả lời.

Theo Điều 3 Bộ luật Tố tụng Dân sự sửa đổi bổ sung năm 2011 quy định: “Tòa án chỉ thụ lý giải quyết vụ việc dân sự khi có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của đương sự và chỉ giải quyết trong phạm vi của đơn khởi kiện, đơn yêu cầu đó” đây là quy định trong phần nguyên tắc cơ bản của Bộ luật Tố tụng Dân sự. 
Bản chất của Công văn số 257 do thẩm phán Nguyễn Văn Lương ký là áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời để dừng việc đăng ký xóa chấp đối với tài sản cùa ông Bình. Trong khi đó, thủ tục áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, theo Khoản 1 Điều 117 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2011) chỉ được thực hiện khi “Người yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phải làm đơn gửi đến Tòa án có thẩm quyền…"
Từ những căn cứ trên đây, cho thấy việc ban hành Công văn số 257/CV-TA ngày 05/06/2014 của thẩm phán Nguyễn Văn Lương là vi phạm các quy định của pháp luật, có dấu hiệu vi phạm tố tụng, thiếu khách quan trong quá trình giải quyết vụ án. Việc làm trên đã xâm phạm nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của ông Bình.
Không những thế, Công văn số 257/CV-TA ngày 05/06/2014 của thẩm phán Nguyễn Văn Lương còn được soạn thảo một cách vội vàng, cẩu thả, sai từ thể thức văn bản đến nội dung (Nguyên đơn là ông Ngô Trí Dũng đã bị đổi thành một nhân vật lạ hoắc không ai biết là Phan Huy Khang. Phần nội dung văn bản nêu ra các con số có từ ngày 18/3/2014, trong khi thực tế thì phải đến ngày 29/5/2014 ngân hàng mới cung cấp) 

Chiều ngày 9/6, PV đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Thu Hiền- Chánh án TAND quận Cầu Giấy về vấn đề này. Bà  Hiền chỉ nhận định theo quan điểm cá nhân rằng nếu ông Bình đã tự bỏ tiền túi ra để trả thay cho bên vay, được ngân hàng xóa nợ, vậy mà không được xóa thế chấp nên bức xúc cũng là điều dễ hiểu. Chánh án TAND quận Cầu Giấy chưa đưa ra câu trả lời thỏa mãn cho PV về việc ký văn bản gây bức xúc cho đương sự của thuộc cấp, chỉ cho rằng việc làm của thẩm phán để đảm bảo quyền lợi cho nguyên đơn.

Hy vọng lãnh đạo TAND quận Cầu Giấy sớm xem xét lại văn bản do cơ quan mình đã ban hành. Sớm sửa sai, giữ vững sự tôn nghiêm của pháp luật để lấy lại lòng tin cho người dân./.

Đọc thêm