Một thế hệ mới “không HIV” ở Thái Lan

(PLO) -Ngày 7/6 vừa qua, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã công nhận Thái Lan trở thành quốc gia đầu tiên ở Châu Á loại bỏ việc lây nhiễm HIV từ mẹ sang con, một bước tiến lớn trong cuộc chiến chống “căn bệnh thế kỷ”. WHO cho rằng: “thành quả của Thái Lan đã chứng minh cho cả thế giới thấy HIV có thể bị đánh bại”. 
Hình minh họa
Hình minh họa

Nỗi kinh hoàng trong quá khứ 

Thông báo này là một cú hích cho các nhân viên sức khỏe ở Thái Lan, những người đã “chuyển hóa” xứ Chùa Vàng từ một trong những nước Châu Á bị HIV tàn phá thành một biểu tượng đối phó thành công HIV.

Thống kê năm 1990, đất nước này có 100.000 ca HIV và ba năm sau nhanh chóng tăng lên thành con số 1 triệu ca. 

Theo Bangkok Post, số trẻ em nhiễm mới HIV/năm tính vào đầu những năm 2000 đến hơn 1.000 bé sơ sinh. Báo cáo của chương trình phòng, chống HIV/AIDS của Liên Hiệp Quốc (UNAIDS) thống kê số ca tử vong liên quan đến HIV/AIDS tại Thái Lan vào năm 2005 lên đến hơn 42.000 người. Trong nhiều thập niên, HIV/AIDS là nỗi kinh hoàng của người dân Thái Lan.

Ban đầu các tổ chức sức khỏe đã rất vất vả để tìm cách thuyết phục chính phủ mạnh tay hành động. Vào cuối những năm 1990, các chương trình toàn quốc nhằm thúc đẩy phân phối miễn phí bao cao su cho những người tham gia vào công nghiệp tình dục và sau đó là chương trình cung cấp rộng rãi ART những năm 2000 cuối cùng cũng giúp Thái Lan thành công rực rỡ, giành được lời ca ngợi của WHO. 

Từ năm 2000, Thái Lan đã là một trong những nước đầu tiên trên thế giới cung cấp miễn phí thuốc ART cho tất cả phụ nữ có thai được chẩn đoán có HIV. Theo thống kê của chính phủ Thái Lan, số trẻ em nhiễm HIV từ lúc mới sinh đã giảm từ 1.000/2.000 xuống chỉ còn đúng 85/2.000 cuối năm 2015, mức giảm lớn vừa đủ để được WHO công nhận không còn bị lây nhiễm HIV từ mẹ sang con.

Một số lượng nhỏ các trường hợp không thành công đang được xem xét vì điều trị bằng thuốc không đạt 100% hiệu quả. Trên thế giới, ngoài Thái Lan chỉ có thêm Cuba đạt được kết quả này theo tiêu chuẩn của WHO. 

Ngăn chặn từ trong trứng nước

Bangkok Post nhận định: “Tỉ lệ phòng tránh lây nhiễm HIV từ mẹ sang con mà Thái Lan đạt được có thể xem là ngang với các nước phát triển tại Bắc Mỹ và Châu Âu”.

Bà Poonam Khetrapal Singh, Giám đốc khu vực của WHO tại Đông Nam Á, ca ngợi thành quả của Thái Lan chứng minh rằng một quốc gia nằm ngoài nhóm những nước giàu có vẫn có thể đạt được cột mốc quan trọng này trong cuộc chiến chống lại thảm họa toàn cầu HIV/AIDS.

Việc ngăn chặn thành công lây nhiễm HIV từ mẹ sang con thắp lên niềm hy vọng rằng các nỗ lực ngăn ngừa và điều trị HIV trong thế hệ hiện tại sẽ chấm dứt được thảm họa, mở ra tương lai cho một thế hệ trẻ em “không HIV”.

Phân tích về các yếu tố góp phần tạo nên thắng lợi to lớn này cho Thái Lan, bà Poonam Khetrapal Singh chỉ ra ba “chìa khóa” quan trọng. Thứ nhất, Thái Lan đã duy trì được con số ấn tượng trong việc giảm số ca nhiễm mới HIV tại nước này, giúp giảm tỉ lệ phụ nữ trong độ tuổi mang thai bị nhiễm HIV.

Từ năm 2000 đến năm 2014, số ca nhiễm mới HIV ở nữ giới Thái Lan giảm mạnh từ 15.000 xuống còn 1.900 trường hợp được ghi nhận. Tỉ lệ giảm này đạt đến hơn 87%, một con số vượt xa cả nhiều quốc gia giàu có phương Tây.

Thứ hai, Thái Lan đã xây dựng được một hệ thống hỗ trợ chi phí sức khỏe phổ thông toàn quốc vững chắc. Hệ thống này cho phép cả người giàu lẫn người nghèo được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cần thiết để ngăn ngừa và điều trị HIV/AIDS.

Hệ thống này là bệ phóng quan trọng cho chương trình cấp phát miễn phí thuốc ART cho những người nhiễm hội chứng chết người này. Mọi trường hợp người mẹ mang thai hay có con nhỏ bị nhiễm HIV đều được đưa vào chương trình chăm sóc sức khỏe và trẻ em tại các bệnh viện, chi phí chăm sóc đều được chi trả bởi chính phủ. 

Cuối cùng, bà Singh cũng ca ngợi tầm nhìn của chính phủ Thái Lan đã xây dựng một chính sách đối phó HIV/AIDS “bình đẳng” cho cả những người nước ngoài tại Thái Lan. Tương tự các công dân Thái Lan, những người nhập cư tại Thái Lan, mà đặc biệt là những người làm việc trong ngành công nghiệp tình dục, đều được điều trị HIV miễn phí.

“Thuyền trưởng” của cuộc chiến

Theo đánh giá của chương trình UNAIDS châu Á – Thái Bình Dương, cũng như nhiều tổ chức sức khỏe tại Thái Lan, Bác sĩ Praphan Phanuphak có thể được xem là “thuyền trưởng” của cuộc chiến chống cơn đại dịch chết người HIV/AIDS tại Thái Lan. Ông chính là người đã sáng lập Trung tâm Nghiên cứu AIDS – Hội Chữ thập đỏ Thái Lan (TRC – ARC) và giữ cương vị giám đốc từ năm 1989 đến nay.

Ông cũng đồng thời là một chuyên gia nghiên cứu về hệ miễn dịch nổi tiếng tại ĐH Hoàng gia Chulalongkorn (Thái Lan) và là thành viên Ủy ban Chính sách và Chiến lược về HIV của Liên Hiệp Quốc.

Vào giai đoạn 1984 – 1985, Bác sĩ Phanuphak chính là người tiếp nhận và chẩn đoán những ca nhiễm HIV sớm nhất được phát hiện tại Thái Lan. Ông luôn nỗ lực tìm kiếm những giải pháp ít tốn kém nhưng hiệu quả trong cuộc chiến chống lại cơn đại dịch thế kỷ, góp phần đưa Thái Lan trở thành một trong những hình mẫu toàn cầu trong vấn đề ngăn ngừa và điều trị HIV/AIDS.

Bà Tatiana Shoumilina, Giám đốc chương trình UNAIDS tại Thái Lan, nhận định: “Ông ấy luôn đi trước mọi người trong cuộc chiến này. Ông ấy luôn biết sớm hơn mọi người chiến lược nào là câu trả lời đúng đắn nhất trước những thách thức của đại dịch AIDS”.

Cuối những năm 1980, khi các ca nhiễm HIV ngày một nhiều, ông Phanuphak đã cùng TRC – ARC vận động chính phủ xây dựng các cơ sở tư vấn và xét nghiệm trên phạm vi toàn quốc với quy tắc tiên quyết là giữ bí mật tuyệt đối danh tính bệnh nhân để khuyến khích những người có triệu chứng “lộ diện” và nhận được các hỗ trợ thích hợp.

Sự hiệu quả to lớn của các trung tâm này đã thúc đẩy chính phủ xóa cả chính sách bắt người dương tính HIV phải đăng ký danh tính nhằm khuyến khích người dân mạnh dạn xét nghiệm. Tính đến nay, các trung tâm này đã làm việc không mệt mỏi với hơn 25.000 xét nghiệm/ năm, giúp xác định hàng ngàn ca nhiễm HIV mỗi năm.

Ông Praphan Phanuphak cũng là người có công đầu trong việc đưa thuốc kháng virus (ARV) đến với những bệnh nhân Thái Lan thông qua các kênh hợp tác nghiên cứu quốc tế với các trung tâm phương Tây. Trung tâm nghiên cứu của ông cũng đi đầu trong việc ngăn ngừa và điều trị HIV đối với người chuyển giới tại Châu Á. 

Việt Nam nỗ lực đẩy lùi đại dịch thế kỷ

Theo số liệu của Cục Phòng, chống HIV/AIDS thuộc Bộ Y tế, trong năm 2015 đã phát hiện 10.195 trường hợp nhiễm mới HIV. Tính đến cuối năm 2015, cả nước ước tính hiện có 254.000 người nhiễm HIV trong cộng đồng.

So với năm 2014, số trường hợp nhiễm mới cũng đã giảm được gần 13%. Dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam dự hội nghị cấp cao của Liên Hiệp Quốc về phòng, chống HIV/AIDS tại New York ngày 10/6 vừa qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đã đưa ra cam kết đến năm 2020, Việt Nam thực hiện thành công mục tiêu 90 – 90 – 90 (90% số người nhiễm HIV biết được tình trạng HIV của mình; 90% số người được chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị thuốc kháng virus HIV (ARV) và 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng virus ở mức thấp).