PLVN đã thâm nhập thị trường ví da, dây lưng, đồ dùng cá nhân… nhưng không thấy loại ví này xuất hiện trên thị trường thực tế. Tại các chợ Nhà Xanh (Xuân Thủy, Hà Nội), chợ sinh viên (Dịch Vọng Hậu, Hà Nội), chợ Phùng Khoang (Thanh Xuân, Hà Nội,… các tiểu thương ở đây khi được hỏi đều cho biết không bán những loại ví này.
Tuy nhiên, với cụm từ “ví tiền in hình tiền” được tìm qua google cư dân mạng dễ dàng tìm thấy các trang fanpage, website, các trang cá nhân quảng cáo, rao vặt loại ví này với những tít khá độc đáo như: “ví da may mắn cực độc đáo”; “ví tiền tệ các nước độc đáo”; “ví in hình tiền thiết kế trang nhã, đẹp mắt, giá rẻ”; “Giảm giá sốc ví in hình tiền, nhanh tay kẻo hết”…
Việc buôn bán này còn trở lên bận rộn hơn khi rất nhiều người bình luận đặt hàng và các “chủ shop” không ngần ngại giao hàng tận tay người đặt mua với giá dao động từ 100.000 – 200.000 đồng/ chiếc.
Mặc dù mua bán rầm rộ và công khai như vậy nhưng thực tế nhiều người không biết họ đang vi phạm quy định của Nhà nước. Bởi theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ từ năm 2003, hành vi sao chụp tiền của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam với bất kỳ mục đích nào không có sự chấp thuận trước bằng văn bản của Ngân hàng Nhà nước là hành vi bị nghiêm cấm và coi là trái luật. Các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định này tùy theo mức độ sẽ bị xem xét xử lý.
Liên lạc với các “shop” ví tiền online trên mạng xã hội, các “chủ shop” này cho hay họ không hề biết hành vi buôn bán của mình vi phạm pháp luật và cũng không biết đến Quyết định số 130/2003/QĐ – TTg của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến việc bảo vệ tiền Việt Nam.
Tuy nhiên, một “chủ shop” online ngụ tại Đường Láng khi được hỏi vẫn khăng khăng: “Anh cứ mua đi không sợ gì đâu, không mua nhanh thì hết”. “Chủ shop” online này cũng chia sẻ trên mạng rằng “Ví da độc đáo in hình tờ 500k giá sốc 110k bao freeship toàn quốc gọi điện thoại XXX để được tư vấn trực tiếp”.
Ông chủ những shop như này còn có hẳn một bộ phận gọi là “CSKH (chăm sóc khách hàng)” chuyên phục trách tư vấn, liên hệ để giải đáp, giao hàng cho khách hàng. Không biết có ai chỉ ra sai hay khuyên ngăn dừng lại việc buôn bán này hay không nhưng những “tiểu thương” kinh doanh trên mạng xã hội vẫn cứ làm và bán buôn nhiệt tình.
Việc “tiêu dùng” những loại ví như này sẽ là tiếp tay cho hành vi trái luật. Mặc dù với lời chào mời, tiếp thị hấp dẫn trên các trang mạng xã hội nhưng những người mua ví sẽ làm gia tăng khoản “lợi nhuận” trái phép cho những người bán, “chủ shop” online. Không biết chất lượng đến đâu nhưng về hình thức của những chiếc ví này đã vi phạm quy định của pháp luật.
Quyết định số 130/2003/QĐ – TTg của Thủ tướng Chính phủ về bảo vệ tiền Việt Nam
Điều 3. Những hành vi bị nghiêm cấm: Làm tiền giả, vận chuyển, tàng trữ, lưu hành, mua, bán tiền giả; Hủy hoại tiền Việt Nam bằng bất cứ hình thức nào; Sao chụp tiền Việt Nam với bất kỳ mục đích nào không có sự chấp thuận trước bằng văn bản của Ngân hàng Nhà nước; Từ chối nhận, lưu hành đồng tiền do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành trong lãnh thổ Việt Nam.