Một vụ án rất “nổi tiếng” ở Hưng Yên kéo dài nhiều năm đến nay vẫn chưa được thi hành dứt điểm là vụ Công ty TNHH Hà Văn. Theo án tuyên, Công ty này phải trả tiếp cho Công ty cho thuê tài chính KEXIM Việt Nam 477.619,02USD. Thi hành bản án trên, Cục Thi hành án dân sự (THADS) tỉnh Hưng Yên đã ra quyết định cưỡng chế thi hành án (THA), kê biên, định giá tài sản kê biên và uỷ quyền cho Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản - Sở Tư pháp tỉnh Hưng Yên tổ chức bán đấu giá toàn bộ tài sản kê biên của Công ty TNHH Hà Văn để đảm bảo THA.
Năm 2010, ông Ngô Quang Vinh là người trúng đấu giá đã nộp toàn bộ số tiền mua tài sản vào tài khoản của Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản tỉnh. Do Công ty TNHH Hà Văn không tự nguyện giao tài sản cho người trúng đấu giá nên Cục Thi hành án dân sự tỉnh Hưng Yên đã xây dựng kế hoạch cưỡng chế. Tuy nhiên, trước khi cưỡng chế, Cục THADS tỉnh Hưng Yên nhận được văn bản của Uỷ ban kiểm tra Trung ương. Và đến nay sau nhiều năm với nhiều chỉ đạo, họp bàn, tài sản vẫn chưa được giao cho người trúng đấu giá.
“Xin” lại cũng khó
Theo phản ánh của nhiều cơ quan THA, tình trạng không giao được tài sản cho người trúng đấu giá không còn là hy hữu. Nhiều khách hàng cho biết tiền mua tài sản là tiền họ phải vay mượn với lãi suất cao, việc mua rồi nhưng thực tế không nhận được tài sản khiến họ thiệt hại lớn về kinh tế.
Thực tế, nhiều khách hàng không đủ kiên nhẫn chờ các cơ quan chức năng “xem xét lại vụ việc” nên liên tục đến cơ quan tư pháp, THA “xin” lại tiền mua tài sản, chấp nhận chịu thiệt thòi do đồng tiền trượt giá. Tuy nhiên, khi tiền này đã được cơ quan THA đem trả cho người được THA thì việc đòi lại là… không tưởng.
Người dân khốn khổ vì tiền mất tật mang, lại phải theo đuổi kiện tụng để đòi quyền lợi thì cơ quan THA cũng mệt mỏi không kém. Tại TP.HCM, những năm qua “rộ” lên các vụ THA bị kiện liên quan đến chuyện bán đấu giá rồi nhưng không giao được tài sản. Cơ quan THA là “người ở giữa”, tự nhiên ra tòa thành bị đơn, bản thân các chấp hành viên cũng bất an và chùn tay khi xử lý các vụ việc tương tự.
Mạnh tay với trường hợp chây ỳ, chống đối
Theo quy định của Nghị định 17/CP về thủ tục bán đấu giá tài sản thì người mua được tài sản bán đấu giá được pháp luật bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp. Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm bảo đảm việc thực hiện quyền, lợi ích hợp pháp của người mua được tài sản bán đấu giá. Việc giao tài sản được áp dụng ngay cả khi bản án, quyết định đã bị hủy, kháng nghị và xét xử theo trình tự giám đốc thẩm. Quy định là vậy, song thực tế việc giao tài sản rất khó khăn, nhất là đối với các vụ án mà vòng quay tố tụng kéo dài.
Một trong những nguyên nhân của tình trạng nói trên là do tài sản THA dù đã được kê biên, định giá nhưng vẫn giao cho chủ sở hữu (là người phải THA) quản lý, sử dụng nên khi đấu giá xong thì người phải THA kiên quyết không giao, còn chống đối, kiện tụng. Trong khi đó, ở nơi này, nơi khác, vì nể nang, ngại động chạm mà cơ quan THA cũng chần chừ, không kiên quyết trong việc cưỡng chế. Chưa kể, nhiều vụ việc không đồng thuận ngay trong chính Ban Chỉ đạo THA hoặc những vụ việc phải chờ đợi để kháng nghị, giám đốc thẩm.
Sửa đổi Luật THADS, nhiều ý kiến cho rằng cần phải quy định rõ ràng và cụ thể hơn để bảo vệ quyền lợi cho người mua được tài sản đấu giá. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến đề xuất để tránh việc người có tài sản cố tình chiếm hữu bất hợp pháp thì cơ quan THA chỉ nên tổ chức đấu giá tài sản khi đã trực tiếp quản lý tài sản và trên tài sản phải có “mặt bằng sạch”. Kiên quyết hơn đối với những trường hợp chây ỳ, chống đối, thậm chí phải xử lý hình sự cũng là giải pháp được đưa ra để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người trúng đấu giá, giúp pháp luật được thực thi nghiêm minh.