Mua hàng hiệu ở chợ Bàn Cờ

(PLO) -Chợ Bàn Cờ nằm ngay giữa 2 đường Nguyễn Thiện Thuật và Cao Thắng thuộc địa bàn phường 3, quận 3, TP. Hồ Chí Minh. Đối diện cổng chính là một cái hẻm khá rộng, ăn thông ra tới đường Nguyễn Thị Minh Khai bằng những đường hẻm nhỏ hơn, rộng bằng khoảng 1,5 m.  
Mua hàng hiệu ở chợ Bàn Cờ

Diện tích chợ Bàn Cờ khá lớn giáp 4 mặt đường: Bàn Cờ, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Thiện Thuật & Điện Biên Phủ. Riêng Nguyễn Thiện Thuật và Bàn Cờ thì có đến 3-4 đường để vào chợ. Đường chính vào chợ là từ đường Nguyễn Đình Chiểu, từ đây nếu đi xuyên vào hết chợ thì sẽ gặp được 3 đường cắt ngang qua. Chính những đường cắt dọc ngang như bàn cờ này mà có tên là chợ Bàn Cờ. 

Chợ Bàn Cờ bán chủ yếu vào buổi sáng với rất nhiều hàng quán ăn uống. Nhưng điều hấp dẫn du khách không chỉ là ẩm thực mà còn là nét đặc biệt của chợ này, đó là khu chợ chuyên bán đồ si. 

Đồ si ở chợ Bàn Cờ có nhiều loại. Từ giỏ xách, giày dép, quần áo tới đồng hồ, mắt kính, đồ chơi thể thao…muôn hình vạn trạng. Người bán, người mua tấp nập nhưng người bán cũng đủ loại người. Nếu người bán là phường chợ búa thì người mua cũng là khách giang hồ. Văn hóa chợ Bàn Cờ là văn hóa “giựt đồ” nhưng là kiểu văn hóa dễ thương nói theo các dì các mẹ đi chợ.

Tầm khoảng 9h sáng ở đây, chứng kiến các chủ sạp bán hàng si cắt kiện, sẽ thấy các chị em lao vào giựt lấy tất cả những thứ mình thích rồi sau lựa lại,bởi vì nếu không giựt trong vòng 5 phút sẽ chẳng còn cái gì để mua hoặc người mua đã “ giựt” hết những món đồ đẹp.  

Một trong những sạp bán đồ si được chị em quan tâm nhiều nhất là sạp của vợ chồng An. Từ Nguyễn Đình Chiểu quẹo vào đường Bàn Cờ quẹo vô hẻm 212, qua bãi giữ xe một tí là chỗ An bán. Thuê một góc nhỏ tầm hơn chục triệu/tháng, cả đại gia đình nhà An gần như chiếm lĩnh khu chợ này bởi hàng hóa đa dạng, giá cả vừa ý. Người mua có thể tìm thấy ở đây từ quần jean, áo sơ mi, đầm, nón đi biển, đồ chơi trẻ em, giỏ xách, đặc biệt là mỹ phẩm hàng hiệu, giày dép, gậy đánh gôn, nệm Kim Đan với giá rẻ bèo.

Áo quần từ 20 – 50 ngàn, giày dép 100-200, giỏ xách 150 – 300, va li kéo…Mỗi một góc nhỏ có một người trông coi hàng hóa. An chuyên bán mỹ phẩm, Uyên, Như, Vân trông coi quần áo, giày dép, Lin (chồng An) thu tiền. Sáu bán đồ chơi, điện thoại, kính mát và đồ gia dụng. nếu nhanh tay và khéo chọn, người mua có thể kiếm ở đây những cái áo hàng hiệu mới toanh tuyệt đẹp với giá chỉ 50k, hay bộ mỹ phẩm Ohui chỉ vài trăm ngàn, hoặc đôi giày Nike chỉ có 300.

Điểm đặc biệt của gia đình này theo nhận xét của khách hàng đó là… sự tử tế. Mua có thể chụp giựt nhưng bán lại rất từ tốn và tin tưởng khách hàng. 9h sáng khui áo quần, mỹ phẩm… ai thích gì cứ nhảy vô … chụp bỏ bao, tới cuối cùng lựa xong ra tính món, tính tiền.

Chẳng may áo mua về bị chật tuy không cho trả nhưng tình thương mến thương có thể đổi cái áo rộng hơn, mỹ phẩm về xức không phù hợp có thể giảm chút tiền khi mua món mới, không như các sạp bán quần áo sida khác, mua cái áo cả 100k nhưng về phát hiện bị rách đem ra đổi được phang ngay gáo nước lạnh: Chị lựa chứ tui đâu có lựa. Thế là khách đành ngậm ngùi ôm quả bồ hòn làm ngọt, đem về làm giẻ rách, trong khi cũng tình huống đó nhưng người mua có thể đón nhận câu nói khác nhẹ nhàng hơn, vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi dù câu nói đó là sự thật.

Cũng chính vì vậy mà khách khi mua ở những hàng này thường “ một đi không trở lại” cho dù quần áo ở hàng ấy có đẹp đến đâu, rẻ đến mấy. Thế mới hay, bán hàng cũng là cả một nghệ thuật. Đừng nghĩ chị em đi chợ mà không cần nét văn hóa bán hàn,g dẫu thuận mua, vừa bán.. 

Nghe kể, hồi đó vợ chồng An khó khăn lắm. Lúc chưa thuê được chỗ này cứ chạy chỗ suốt, nay góc này mai góc khác vì thế mà không có khách ruột. Có người kiếm mua hàng cũng không biết hôm đó ngồi chỗ nào để mà mua. Từ khi thuê được mặt bằng, tuy có tốn tiền chỗ nhiều hơn nhưng bù lại có nhiều khách hàng quen, mối ruột, đồ bán được nhiều hơn, vừa có được việc làm cho em, cháu mà cũng có đồng ra, đồng vô. Người mua biết tính cô chủ dễ chịu nên có khi gom cả những đồ mình thích, tuy không dùng đến nhưng vẫn tha về nhà mà người ta hay gọi là bệnh thích mua sắm.

Có người ngày nào 9h sáng cũng có mặt ở sạp của An lựa lấy lựa để, đến gần trưa quên cả đi chợ, quên cả ăn sáng. Thế mới biết sức hấp dẫn của đồ si mãnh liệt đến mức nào. Một khách hàng quen của An kể rằng: Có khi về nhà soạn ra thấy nhiều quá, xài không hết thế là lại đem đi kiếm người cho và mình lại đi mua cái mới.

Ngoài An, Lin chợ Bàn Cờ cũng có nhiều người bán hàng si khá uy tín như chị Diệu. Chị Diệu chuyên bán đồ mỹ phẩm, cũng hàng hiệu đã qua sử dụng và bán thêm đồ trang sức như vòng tay, vòng cổ, dây chuyền, đồng hồ, nhưng mỗi tuần chỉ khui hàng 2 ngày vào thứ ba, thứ sáu hay thứ ba, chủ nhật. Còn những sạp khác cũng bán theo kiểu “ chạy chợ” nay thuê chỗ này, mai chỗ khác, hàng hóa cũng trôi nổi, vừa bán hàng si vừa trộn đồ xuất khẩu hoặc hàng Quảng Ninh, Trung Quốc. 

Cho nên, nếu có thì giờ và biết cách lựa, bạn có thể tìm được một món hàng độc, lạ, ưng ý, giá rẻ đến không thể rẻ hơn ở chợ Bàn Cờ mà vẫn bảo đảm là hàng xịn, không phải made in China.