Cả người bệnh lẫn bác sĩ đều lạm dụng
Mặc dù Việt Nam đã có quy định bắt buộc các nhà thuốc chỉ được bán kháng sinh theo toa, bác sĩ chỉ kê toa kháng sinh trong những trường hợp cần thiết, nhưng kháng sinh vẫn được bán một cách bừa bãi.
Khó sản xuất kháng sinh mới
Cùng với đó, trong khi tình trạng kháng thuốc kháng sinh đang gia tăng thì tốc độ sản xuất kháng sinh những năm gần đây lại đang có dấu hiệu chững lại. Theo các chuyên gia y tế, giai đoạn 2008 - 2011, thế giới chỉ nghiên cứu thêm được 2 loại kháng sinh mới; giai đoạn 2011 - 2016 mới có thêm gần chục loại kháng sinh ra đời. Do việc nghiên cứu kháng sinh mới là vô cùng khó khăn, tốn kém và lâu dài nên việc kháng thuốc kháng sinh sẽ rất nguy hiểm cho các bệnh nhân nhiễm khuẩn nặng hay bị sốc nặng vì không có thuốc để điều trị đặc hiệu.
Khảo sát tại chợ thuốc Hapulico ở quận Thanh Xuân (Hà Nội) không chỉ là nơi dành cho các nhà thuốc đến lấy thuốc bán buôn mà rất đông người dân cũng đến đây để mua các loại thuốc.
Với trường hợp của chị Nguyễn Thị Nhung ở huyện Anh Sơn (Nghệ An), do chủ quan và thiếu hiểu biết, với thói quen chỉ cần đến các hiệu thuốc giơ bức ảnh vỏ thuốc đã được lưu sẵn trên điện thoại, giờ chị đã trở thành nạn nhân của tình trạng kháng thuốc. Ban đầu, chị bị viêm họng nhẹ với triệu chứng đau rát cổ họng khi thay đổi thời tiết, chị thường đến hiệu thuốc mua mấy vỉ thuốc kháng sinh Amoxicilin về sử dụng, chỉ sau vài ngày bệnh hoàn toàn khỏi.
Cứ như vậy, trở thành thói quen, mỗi lần viêm họng chị Nhung lại sử dụng Amoxicillin. Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây, bệnh viêm họng của chị trở nên nặng thêm, phải dùng đến loại thuốc kháng sinh nặng hơn mới có thể điều trị bệnh. Còn tại hầu hết các nhà thuốc tư nhân, các loại thuốc kháng sinh được bán nhiều mà không cần kê đơn đa phần là các loại thuốc kháng sinh như Ampicillin, Amoxicillin, Cephalexin, Azithromycin,... các loại kháng sinh này thường được kết hợp với các loại thuốc khác như thuốc giảm đau, giảm ho, vitamin,...
Không chỉ người bệnh, người bán thuốc mà đôi khi cả bác sĩ điều trị cũng lạm dụng kháng sinh đắt tiền, chỉ định kháng sinh không phù hợp để kê đơn cho bệnh nhân. Việc sử dụng thuốc kháng sinh bừa bãi như vậy không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, làm gia tăng tình trạng kháng thuốc của vi khuẩn gây bệnh tạo ra sự khan hiếm, thiếu hụt các thuốc kháng khuẩn mới, đặc biệt thuốc để điều trị cho người bệnh nhiễm vi sinh vật đa kháng. Hơn nữa, điều này làm cho thời gian điều trị kéo dài, nguy cơ tử vong cao cùng chi phí điều trị cao là gánh nặng đối với cá nhân, gia đình và xã hội.
Đáng báo động hơn khi hiện nay kháng sinh đã xâm nhập vào chuỗi thức ăn và môi trường sinh thái do người dân lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản và trồng trọt để điều trị, phòng chống dịch bệnh trên động vật, cũng như cho mục đích sản xuất đã làm cho các vi sinh vật thích nghi với thuốc, tạo điều kiện cho nhiều loại vi khuẩn trở thành kháng thuốc, làm cho thuốc kém hiệu quả hoặc không hiệu quả.
Có luật nhưng nhờn luật
Mặc dù, quy chế về kê đơn và bán thuốc theo đơn đã được Bộ Y tế ban hành, điều chỉnh nhiều lần vào các năm 1995, 2003, 2008. Theo đó, trong các nhóm thuốc phải kê đơn và bán theo đơn có các loại kháng sinh nhằm đảm bảo dùng thuốc an toàn và hợp lý cho người bệnh. Năm 2005, Luật Dược ra đời, quy định việc bán thuốc phải đúng theo đơn, bán thuốc kê đơn không có đơn thuốc là 1 trong 13 hành vi bị nghiêm cấm nhưng luật cấm cứ cấm, cả người mua lẫn người bán vẫn ít người tuân theo.
Hầu hết nhân viên các nhà thuốc vẫn vừa chẩn bệnh, vừa kê toa bán thuốc cho người dân một cách công khai. Thực trạng này là do nhận thức của người dân chưa được nâng cao, cùng với đó là quy chế quản lý bán thuốc kê đơn chưa thực sự chặt dẫn tới tình trạng các nhà thuốc thoải mái bán những loại thuốc kháng sinh để người dân tự dùng dẫn tới tình trạng nhờn thuốc, kháng thuốc ngày càng tăng lên.
Hơn nữa, việc giám sát sử dụng kháng sinh ở trên 1.000 bệnh viện trung ương và tuyến tỉnh, huyện đã và đang được làm rất chặt chẽ, nhưng với hơn 30.000 cơ sở khám chữa bệnh, phòng khám tư nhân, rất khó có thể kiểm soát việc sử dụng kháng sinh ở những cơ sở khám chữa bệnh tư nhân.
Theo ông Cao Hưng Thái - Phó cục Trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế): Hiện nay, Bộ Y tế đã ban hành nhiều chế tài xử phạt với các hành vi dùng thuốc kháng sinh không đúng như cấm các dược sĩ không được bán thuốc kháng sinh cho người dân khi không có đơn của bác sĩ. Theo Điều 40 Nghị định 176 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế quy định cảnh cáo, phạt tiền 200.000 - 500.000 đồng đối với hành vi bán thuốc trong danh mục thuốc bán theo đơn mà không có đơn bác sĩ.
Tuy nhiên, số lượng nhà thuốc bị phạt bởi hành vi này rất ít ỏi, do mức xử phạt rất nhẹ, nên không đủ sức răn đe. “Đối với các cơ sở y tế và bác sĩ trực tiếp kê đơn, Bộ Y tế đã chỉ đạo các cơ sở y tế tuân thủ đúng hướng dẫn chẩn đoán và điều trị. Đến thời điểm này, Bộ Y tế đã ban hành gần 700 hướng dẫn chẩn đoán điều trị các loại bệnh, thầy thuốc sẽ căn cứ vào đó để kê đơn. Trong tương lai, nếu bác sĩ kê thuốc không đúng như hướng dẫn chẩn đoán thì sẽ bị cắt lương, thưởng, thậm chí xem xét lại chứng chỉ hành nghề” - ông Thái nhấn mạnh.
Được biết, Bộ Y tế đang thiết lập hệ thống giám sát kháng thuốc, hiện chỉ có 16 đơn vị làm công việc này, đến năm 2020 phải xây dựng được từ 30 - 32 đơn vị hệ thống giám sát quốc gia. Năm 2016, mục tiêu ưu tiên là thực hiện các giải pháp về chuyên môn kỹ thuật, triển khai thực hiện nghiêm các quy trình, quy chế. Năm 2017 đẩy mạnh trọng tâm vào khu vực nhà thuốc, nhà thuốc bán thuốc không có toa sẽ bị xử phạt nghiêm. Ngoài các hình thức cam kết, tuyên truyền, việc quản lý chặt các hoạt động sử dụng thuốc cũng đang được triển khai thông qua Luật Dược sửa đổi.
Theo một nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đến năm 2050 tình trạng kháng thuốc kháng sinh có thể là nguyên nhân gây tử vong cho 10 triệu người trên toàn cầu, ước tính, cứ 3 giây sẽ có 1 người tử vong do tình trạng kháng thuốc kháng vi sinh vật, cao hơn nhiều so với tỷ lệ tử vong do ung thư hiện nay. Riêng tại Việt Nam, một trong những vấn đề đang khiến các chuyên gia y tế vô cùng lo ngại là gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc. Trong khi đó, WHO đánh giá, dịch tễ lao sẽ còn diễn biến phức tạp tại Việt Nam. Ở Việt Nam đã xuất hiện vi khuẩn kháng đa thuốc, mức độ kháng ngày càng gia tăng.