Múa lân sư rồng là hình thức sinh hoạt văn hóa nghệ thuật dân gian trong cộng đồng người Việt ở khắp mọi miền đất nước. Dù có từ rất lâu đời song đến ngày nay, múa lân sư rồng vẫn giữ được sức sống lâu bền, nhận được sự quan tâm, trân trọng của đông đảo nhân dân đối với nét đẹp văn hóa truyền thống. Các đội múa lân thường chắt lọc các tinh hoa văn hóa gốc, kết hợp với võ cổ truyền, múa dân gian, múa dân tộc tạo thành các bài biểu diễn độc đáo.
Bộ môn lân sư rồng mang đậm tính biểu diễn nên đòi hỏi rất cao về nghệ thuật trong từng động tác. Vì vậy, người múa phải có niềm đam mê và trải qua quá trình luyện tập công phu nhiều năm mới có thể hoàn thành bài múa đẹp mắt. Người múa phải truyền tải được “cái hồn”, mô phỏng cho đúng điệu bộ, dáng dấp của con lân, sư, rồng song cũng phải thể hiện được niềm vui tươi, mang đến niềm hân hoan cho người xem.
Võ sư Bùi Văn Thành - Trưởng đoàn Lân sư rồng Thành Linh Đường (TP Hạ Long) cho biết: “tôi rất thích thú với bộ môn lân sư rồng, từ nhỏ tôi đã xin theo các đội đi tập rồi đam mê từ lúc nào không hay, khi tròn 18 tuổi với ước mơ xây dựng một đoàn múa lân sư rồng bài bản, chuyên nghiệp, tôi quyết định vào TP Hồ Chí Minh để học hỏi một số đoàn múa lân sư rồng nổi tiếng, sau đó sang đến Quảng Tây (Trung Quốc). Suốt hơn 10 năm tầm sư học đạo, vừa học, vừa làm, đúc kết kinh nghiệm, tập hợp, truyền dạy kỹ năng cho các thành viên, đến năm 2010, câu lạc bộ Thành Linh Đường chính thức thành lập và đi vào hoạt động.
Biểu diễn múa lân sư rồng tại lễ hội đền Cửa Ông (TP Cẩm Phả) năm 2023. |
Đến nay, Thành Linh Đường hiện có 60 thành viên tập hợp của đủ lứa tuổi, nghề nghiệp. Thành viên nhỏ nhất đang theo học trung học cũng chính là con trai tôi, lớn tuổi nhất là tôi, dù bận rộn với công việc, học tập, song ai cũng rất nhiệt thành, dành tình yêu đặc biệt cho múa lân sư rồng. Bởi vậy, khi có lịch trình tập luyện, biểu diễn, thi đấu, anh em đều chủ động sắp xếp thời gian tập luyện nghiêm túc. Tâm huyết dành cho môn nghệ thuật truyền thống chính là sợi dây kết nối các thành viên, để niềm đam mê cứ thế nối dài đến lớp hậu bối sau này”.
Trưởng đoàn Lân sư rồng Thành Linh Đường (TP Hạ Long) đã gặt hái được nhiều thành công, đồng thời không ngừng góp sức, gìn giữ, phát triển, truyền dạy bộ môn này tới thế hệ trẻ, với mong muốn đưa nghệ thuật biểu diễn lân sư rồng của Quảng Ninh nói riêng và Việt Nam nói chung ngày càng vươn tầm cao mới.
Bộ môn lân sư rồng lần đầu tiên được tổ chức thi đấu tại Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc lần thứ IX năm 2022, Đoàn Quảng Ninh dưới sự dẫn dắt của HLV trưởng Bùi Văn Thành đã xuất sắc đoạt 2 huy chương vàng và đứng thứ 3 toàn đoàn trong số 14 đội tham gia dự thi.
Đoàn múa lân sư rồng biểu diễn tại lễ hội Bạch Đằng (TX Quảng Yên) năm 2023. |
Hiện nay, chỉ riêng trên địa bàn TP Hạ Long có 4 đoàn lân sư rồng, hoạt động chủ yếu của các đoàn là biểu diễn theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp, cơ quan nhân dịp khai trương, khánh thành, động thổ, đón tiếp đại biểu, đám hỏi, ăn cưới, tri ân khách hàng, lễ mừng thọ và phục vụ các chương trình lễ hội, văn hóa, cộng đồng... Bên cạnh việc chú trọng những kỹ thuật hiện đại, điêu luyện, các đoàn đi vào khai thác những nhân vật truyền thuyết dân gian như: Rồng, phượng, Tôn Ngộ Không, chú Tễu, ông Địa, thằng Bờm...
Các đoàn biểu diễn ở nhiều sự kiện văn hóa lớn như: Carnaval Hạ Long, hội xuân Yên Tử, hội đền Cửa Ông, lễ tế đền Xã Tắc; tham gia nhiều sự kiện ở ngoài tỉnh như: Lễ hội Hoa Phượng Đỏ (Hải Phòng), Lễ hội Đền Hùng (Phú Thọ), Lễ hội đền Côn Sơn - Kiếp Bạc (Hải Dương), đền Phủ Giầy (Nam Định)...
Cùng với các sự kiện văn hóa, vào mỗi dịp trước, trong, và sau Tết, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có rất nhiều hoạt động vui chơi, giải trí được tổ chức, nhưng múa lân sư rồng vẫn có sức hút riêng bởi nó không chỉ mang vẻ đẹp của nét văn hóa truyền thống mà còn phù hợp với mọi tầng lớp, lứa tuổi, góp phần làm phong phú đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân.