Bình Thuận: Cát đỏ, bùn nhão phủ kín nhiều khu vực
Ngày 3/10, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (BCH PCTT&TKCN) tỉnh Bình Thuận đã có thông tin thiệt hại do mưa lớn xảy ra trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tổng diện tích bị ngập là 1.172 ha gồm 43 ha thanh long, 3 ha cây ăn quả lâu năm và 738 ha lúa vụ mùa. Ngoài ra, mưa lũ làm sạt lở 300 m đường giao thông nội đồng tại tổ 3 thôn Dốc Lăng, xã Thuận Minh… Ước tổng giá trị thiệt hại khoảng 5 tỷ đồng.
Tại huyện Hàm Thuận Bắc, mưa lớn liên tục trong nhiều ngày khiến lượng nước từ thượng nguồn đổ về các sông, suối, kênh mương nội đồng, đã làm ngập lụt nhiều diện tích cây trồng của nhân dân tại các xã Hàm Phú, Hồng Sơn, Thuận Minh, Hồng Liêm, Thuận Hòa ...
Cơ quan chức năng tỉnh Bình Thuận giúp dân dọn cát đỏ, bùn nhão |
UBND các xã, thị trấn đã huy động lực lượng sẵn sàng để hỗ trợ các hộ dân. Nhưng do lượng mưa nhiều, nước đổ về rất lớn khiến hệ thống mương thủy lợi thoát không kịp gây ngập úng nhiều diện tích lúa vụ mùa của nhân dân trong khu vực. Các địa phương đã kiểm tra, huy động lực lượng và phương tiện nạo vét các tuyến kênh và rêu rác tấp về tại các vị trí các cống thoát nước trong nhằm khơi thông dòng chảy để nước rút nhanh, hạn chế thời gian ngập úng.
Tại TP Phan Thiết, mưa lớn đã gây ra tình trạng sạt lở cát, cát tràn xuống đường, bị ảnh hưởng nặng là đường ĐT 719 thuộc thôn Tiến Phú và Tiến Hải, xã Tiến Thành. Nguyên nhân ban đầu được cơ quan chức năng xác định cát tràn xuống đường là do mưa lớn nhiều ngày qua, nên cát từ phía đồi cao tràn xuống đường ĐT.719 đã gây hư hỏng mái taluy, làm sụp thân cống phía hạ lưu, loại cống bản dài 6m rộng 10m tại Km12+280.
Tại khu vực thôn Tiến Phú lượng cát và nước từ phía đồi đổ xuống rất lớn tràn vào nhà dân trong khu vực dọc tuyến đường ĐT 719 và gần 20 hộ dân bị ảnh hưởng, hư hỏng tài sản, vật dụng trong gia đình.
Cơ quan chức năng tỉnh Bình Thuận giúp người dân dọn cát đỏ, bùn nhão |
Nhiều khu vực lượng cát tràn với độ cát, bùn, sình cao khoảng 1m, gây ách tắc giao thông. Ngoài ra, một cây cầu tại thôn Tiến Hải bị sập mố, bên chân cầu có một số công trình xây dựng bị ảnh hưởng…
Đồng Nai: Lũ lên mức báo động 2
Tin từ Đài Khí tượng thủy văn Đồng Nai, mực nước đỉnh triều cường tại trạm Biên Hòa (hạ lưu sông Đồng Nai) là 2,09m, trên mức báo động 2 (0,09m), thấp hơn 0,1m so với mực nước của trận lũ lịch sử là 2,19m (quan trắc vào ngày 15/10/2000).
Cảnh báo các vùng thấp ven sông ở hạ lưu sông Đồng Nai tại các phường, xã thuộc TP Biên Hòa và các huyện: Vĩnh Cửu, Long Thành, Nhơn Trạch; huyện Bắc Tân Uyên, TP.Tân Uyên (tỉnh Bình Dương) và TP.Thủ Đức (TP.HCM) có nguy cơ bị ngập lụt do lũ (triều cường ở hạ lưu).
Hiện tại mực nước trên các sông, suối trên hệ thống sông Đồng Nai ở mức khá cao. Tại trạm Tà Lài (sông Đồng Nai) ở mức 112,07m, trên mức báo động 1 (0,07m), dưới mức báo động 2 (0,43m), thấp hơn 2,24m so với mực nước của trận lũ lịch sử là 114,31m (quan trắc được vào ngày 22-8-1987).
Tại trạm Phú Hiệp (sông La Ngà) ở mức 105,27m, trên mức báo động 1 (0,77m); dưới mức báo động 2 (0,23m); thấp hơn 2,54m so với mực nước của trận lũ lịch sử là 107,81m (quan trắc được vào ngày 1/8/1999).
Người dân cần đề phòng khả năng mưa lớn kết hợp với lũ gây ngập lụt các khu vực trũng thấp ven sông, suối, ảnh hưởng bất lợi đến các hoạt động giao thông thủy, nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp.
Ngày 3/10, Điện Lực Định Quán cho biết đã đấu nối, cấp điện cho hơn 1100 hộ dân bị mưa lớn và gió giật gây mất điện. Trong đó có 23 căn nhà bị tốc mái. Trước đó khoảng 16 giờ 30 ngày 1/10, tại khu vực 2 xã Phú Túc và Túc Trưng có mưa lớn, gió giật mạnh đã khiến một mái tôn nhà dân bị cuốn bay lên đường dây trung thế. Ngoài ra, tại khu vực 2 xã trên có khoảng 3 cây xanh cao khoảng 8m đổ ập vào đường điện đi qua các khu dân cư. Hậu quả khiến hơn 1,1 ngàn hộ dân tại các xã trên bị mất điện.
Bình Phước: 100 ha cây trồng ngập sâu
Mưa lớn kéo những ngày qua, khiến hơn 100 ha cây trồng tại xã Quang Minh và thị xã Chơn Thành (tỉnh Bình Phước) ngập sâu trong nước. Nước lên nhanh và rút rất chậm nên người dân lo ngại cây trồng có nguy cơ chết rất cao.
Đặc biệt nước từ các lô cao su thuộc ấp Tranh 3, xã Tân Quan, huyện Hớn Quản đổ dồn về nhưng không có lối thoát, nên ngoài cây cao su, có hơn 50 ha cây ăn trái các loại như sầu riêng, vú sữa, mít, ổi vừa xuống giống và đang khai thác đã bị ngập nặng. Một số cây trồng bị nước cuốn trôi, số khác thất thu do ngập nước, thối bông, thối trái. 2 trại gà và 1 trại heo cũng bị ảnh hưởng nặng.