Chất lượng không khí được cải thiện trong kỳ nghỉ lễ
Kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 kéo dài 5 ngày, Thủ đô Hà Nội trở nên vắng vẻ hơn thường lệ khi người dân đổ về quê hoặc đi du lịch, kéo theo mật độ giao thông giảm mạnh. Đặc biệt, cơn mưa lớn rạng sáng ngày 1/5 đã góp phần làm sạch bầu không khí, giúp chất lượng không khí tại Hà Nội được cải thiện rõ rệt. Cụ thể, theo dữ liệu từ Trung tâm Quan trắc môi trường miền Bắc, cả 3 trạm đo tại Hà Nội lúc 19h ngày 1/5 đều ghi nhận chỉ số chất lượng không khí (AQI) ở mức tốt - mức màu xanh: tại trạm 556 Nguyễn Văn Cừ, trạm ĐHBK cổng Parabol đường Giải Phóng và Công viên Nhân Chính - Khuất Duy Tiến, chỉ số AQI lần lượt ghi nhận ở mức 42, 34 và 35.
Sự cải thiện này trái ngược hoàn toàn so với chỉ vài ngày trước đó. Vào ngày 29/4, chất lượng không khí tại Hà Nội được đánh giá là “không tốt cho nhóm nhạy cảm” với chỉ số AQI trung bình lên tới 131; thậm chí có khu vực như quận Tây Hồ ghi nhận chỉ số AQI cao nhất là 167. Điều này cho thấy rõ rệt tác động tích cực từ việc giảm lưu lượng xe cộ cũng như hiệu quả tức thì của thời tiết mưa lớn trong việc rửa trôi bụi mịn và các chất ô nhiễm. Tuy nhiên, chuyên gia môi trường cũng nhấn mạnh rằng đây chỉ là sự “tạm lắng”. Sau kỳ nghỉ lễ, khi người dân trở lại làm việc và học tập bình thường, lưu lượng giao thông sẽ tăng cao và ô nhiễm không khí dự kiến sẽ trở lại mức trước đó.
Trong bối cảnh ô nhiễm không khí trở thành thách thức lớn, các biện pháp kiểm soát và cải thiện cần sự phối hợp đồng bộ giữa cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Kỳ nghỉ lễ vừa qua đã cho thấy rõ tác động tích cực của việc giảm phát thải, minh chứng rằng Hà Nội hoàn toàn có khả năng cải thiện chất lượng không khí nếu triển khai một chiến lược bài bản, quyết liệt và duy trì lâu dài.
Hướng đi mới trong kiểm soát ô nhiễm không khí
Trước thực trạng ô nhiễm không khí gia tăng, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp triển khai nhiều nhiệm vụ trọng tâm. Một trong số đó là xây dựng nhiệm vụ, dự án kiểm kê phát thải tại các vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và phía Nam, phục vụ phân tích dữ liệu, mô hình hóa và xây dựng kịch bản dự báo ô nhiễm. Hiện nay, Bộ đang thử nghiệm mô hình dự báo chất lượng không khí 48 giờ tại Trung tâm Quan trắc môi trường miền Bắc.
Đồng thời, Bộ đang hoàn thiện Kế hoạch hành động quốc gia về khắc phục ô nhiễm và quản lý chất lượng không khí, với mục tiêu cụ thể cho năm 2025 và giai đoạn 2026 - 2030. Kế hoạch tập trung vào các nhóm giải pháp chính như năng lượng, nguồn thải, giao thông và xây dựng. Dự thảo bao gồm 9 nhóm giải pháp chủ chốt, nhấn mạnh kiểm soát khí thải công nghiệp, siết chặt tiêu chuẩn khí thải giao thông, áp dụng công nghệ hiện đại như AI, Big Data để phân tích, dự báo chất lượng không khí. Song song, hệ thống quan trắc tự động và cơ sở dữ liệu quốc gia sẽ được tích hợp, giúp địa phương kiểm kê khí thải định kỳ và công khai thông tin minh bạch.
Một số biện pháp cụ thể đang được nghiên cứu gồm: phát triển giao thông công cộng, hỗ trợ chuyển đổi xe máy cũ sang xe điện, thiết lập các vùng phát thải thấp tại nội thành, thí điểm lắp đặt hệ thống lọc không khí tại bệnh viện và trường học. Đặc biệt, vấn đề quản lý bụi từ xây dựng và kiểm soát hành vi đốt rác, đốt rơm rạ cũng được đưa vào kế hoạch. Việc ứng dụng công nghệ giám sát qua vệ tinh và camera sẽ hỗ trợ phát hiện nhanh các “điểm nóng” ô nhiễm để kịp thời xử lý.
Bên cạnh đó, Bộ cũng đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm tiếp thu kinh nghiệm, thu hút đầu tư và nâng cao năng lực kỹ thuật. Các hoạt động phối hợp với tổ chức quốc tế như UNDP, ADB, World Bank, UNEP và các tập đoàn lớn (như VinGroup) đang được triển khai, bao gồm phát triển mạng lưới trạm đo nhanh chất lượng không khí, thúc đẩy chuyển giao công nghệ, giao thông xanh và huy động nguồn lực tài chính, kỹ thuật. Mục tiêu cốt lõi là xây dựng môi trường sống trong lành, an toàn và bền vững cho người dân.