Thông tin trên do ông Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch thường trực, Phó Trưởng Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn (BCH PCLB & TKCN) tỉnh Quảng Ninh cho biết vào chiều tối 28/7. Quảng Ninh vẫn đang đối diện nguy cơ sạt lở đất từ các khu vực xả thải của khai trường khai thác than.
Tạm dừng đại hội Đảng để cứu hộ, cứu nạn
Ngày 28/7, ông Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh đã chỉ đạo TP Hạ Long, huyện Hải Hà, hai địa phương đang tổ chức đại hội Đảng cấp quận, huyện tạm dừng Đại hội Đảng để tập trung triển khai các biện pháp cứu hộ, cứu nạn. Ông Đọc cũng chỉ đạo các sở, ngành phải dừng tất cả các cuộc họp để tập trung phòng chống, khắc phục hậu quả mưa, lũ.
Theo ghi nhận của Quảng Ninh, rạng sáng 28/7, 5 căn nhà của các hộ dân tại tổ 44, khu 4, phường Cao Thắng, TP Hạ Long đã bị sạt lở khiến 9 người trong gia đình anh Cao Tiến Vỹ bị thiệt mạng. Đến 15h cùng ngày, lực lượng cứu hộ, cứu nạn của TP Hạ Long đã đưa được thi thể chị Đỗ Thị Hiền (37 tuổi) và cháu Cao Thu Hoài (10 tuổi) là vợ và con gái anh Vỹ ra khỏi đống bùn đất. Lực lượng cứu hộ đang tìm kiếm mẹ, vợ chồng anh trai cùng hai người cháu và một người con anh Vỹ.
Cũng trong sáng 28/7, bà Hà Thị Phúc (SN 1957), nhà ở tại tổ 2, khu 5 phường Hồng Hải, TP Hạ Long được xác định là ra cứu giúp con rể bị nước cuốn cũng đã bị nước cuốn trôi. Đến 15h ngày 28/7, lực lượng cứu hộ, cứu nạn của tỉnh Quảng Ninh đã tìm thấy thi thể bà Phúc, cách nơi được xác định bà Phúc mất tích khoảng 300m.
Trực tiếp chỉ huy việc cứu hộ, cứu nạn tại hiện trường vụ sập nhà trên địa bàn phường Cao Thắng, ông Nguyễn Văn Đọc chỉ đạo TP Hạ Long, TP Cẩm Phả, những địa phương được xác định bị thiệt hại nặng nề nhất về người và tài sản trong những cơn mưa lũ vừa qua phải trích ngay ngân sách, hỗ trợ khẩn trương, kịp thời cho các gia đình có người thân bị thiệt mạng do nhà sập, khẩn cấp di dời các hộ dân ở những khu vực bị ngập sâu, những khu vực nguy cơ sạt lở cao đến nơi an toàn.
Ông Đọc (người đứng thứ 2 trong ảnh) chỉ đạo việc tìm kiếm, cứu nạn |
Các công trình thủy lợi như hồ Lòng Dinh (huyện Hải Hà), hồ chứa nước trên đảo Ngọc Vừng, hồ chứa nước Trúc Bài Sơn, hồ nuôi trồng thủy sản, một số tuyến đê sông, đê biển trên địa bàn các huyện Cô Tô, Đầm Hà, Hải Hà, TP Móng Cái bị vỡ đập vai, sạt lở bờ kè. Hệ thống giao thông tại hai thành phố Hạ Long, Cẩm Phả tiếp tục bị tê liệt, bị cô lập trong nước lũ từ nhiều ngày nay.
Ông Đặng Huy Hậu cho biết, theo ước tính sơ bộ, đến chiều 28/7, trận mưa lịch sử đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 16 người, 7 người đang được xác định mất tích, các cơn mưa kết hợp lũ cũng cuốn đi khối tài sản của người dân, của xã hội trị giá khoảng 700 tỷ đồng.
Nhờ Trung ương, lực lượng bộ đội cứu hộ cứu nạn
Không nói thẳng nhưng lãnh đạo TP Cẩm Phả tỏ vẻ lo lắng, hiện bãi xỉ thải của hai DN khai thác than trên những quả đồi của phường Mông Dương như những quả “bom nước, bom bùn” nằm ngay trên đầu ba tổ dân cư của khu 4 phường Mông Dương, chỉ cần thêm trận mưa nặng hạt là có thể “phá tung” bờ kè, chảy tràn nước, than vào nhà dân phía dưới.
Lực lượng cứu hộ tìm kiếm người mất tích |
Ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, trước diễn biến khó lường của thời tiết, trước tình hình khẩn cấp cứu hộ, cứu nạn cho người dân, UBND tỉnh Quảng Ninh đã báo cáo, xin sự giúp đỡ từ Trung ương, từ Bộ Tư lệnh Quân Khu 3, Bộ Tư lệnh Hải quân để tăng cường lực lượng quân đội, đưa xe lội nước tiếp cận, cứu hộ các hộ dân tại các khu vực bị ngập lụt.
Ông Long cho biết thêm, ngay từ sáng 28/7, lữ đoàn 147 Bộ Tư lệnh Hải quân đã điều động 4 xe thiết giáp lội nước cùng một phân đội ứng trực trên địa bàn TP Cẩm Phả.
Theo ông Nguyễn Đức Long, lực lượng quân đội cùng với các ngành y tế, công an tỉnh Quảng Ninh được tập trung tại hiện trường, tiếp cận các khu dân cư bị ngập lụt để làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn, triển khai các biện pháp ứng cứu những khu vực bị thiệt hại do mưa lụt, hướng dẫn điều tiết giao thông, giúp người dân, đặc biệt là người già và trẻ nhỏ, di chuyển đồ đạc, dọn dẹp các ngôi nhà bị sập, sẵn sàng phòng chống mưa, lũ quét, sạt lở đất, sẵn sàng phương án di dân và tiến hành di dân khi có lệnh hoặc thấy diễn biến thời tiết xấu trên địa bàn.
Theo Đài khí tượng thủy văn khu vực tỉnh Quảng Ninh, đây là đợt mưa lớn nhất trong vòng 40 năm qua xảy ra trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Có nơi như TP Hạ Long, lượng mưa đo được lên đến 750 mm. Mưa kéo dài khiến các TP Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí, các huyện Đông Triều, Vân Đồn, Hoàng Bồ của tỉnh Quảng Ninh xảy ra úng lụt cục bộ, nhiều khu vực như phường Quang Hanh, TP Cẩm Phả bị ngập lên tới 2 m.
16h ngày 28/7, UBND huyện Cô Tô cho biết, lực lượng cứu hộ của huyện Cô Tô vừa cứu được môt ngư dân bị chìm tàu tại vùng biển này từ đêm 26/7. Ngư dân được cứu sống cho biết, tàu của anh có 7 người, hiện còn 6 ngư dân đi cùng vẫn bị mất tích trên biển sau những trận mưa dông khiến tàu bị chìm.