Lan tỏa chữ Hiếu tới nhân gian
Trung tuần tháng 7 âm lịch, tại Nhà hát Lớn Hà Nội vừa diễn ra chương trình nghệ thuật “Tứ Ân” mừng Mùa Vu Lan báo hiếu. Chương trình nghệ thuật “Tứ Ân” quy tụ đông đảo nghệ sĩ tham gia như NSƯT Việt Hoàn, NSƯT Đình Cương, ca sĩ Tân Nhàn, Sao mai Tuấn Anh, Sao mai Lê Anh Dũng, Sao mai Lương Nguyệt Anh, Sao mai Bích Hồng, Nguyễn Thu Hằng, nhóm Xẩm Hà thành…
Chương trình nghệ thuật “Tứ ân” cùng khán giả lan toả giá trị chữ Hiếu đến với đông đảo công chúng, cũng là lan toả những điều tốt đẹp cho cuộc đời này, để thấy rằng lời Phật dạy luôn hiện hữu trong đời sống, luôn đi vào đời sống và chiếu toả từ quang đến với mỗi người.
Tiết mục "Mục Kiền Liên cứu mẹ" khá đặc biệt vì tích này thất truyền và vắng bóng trong đời sống người Việt. Tiết mục mở đầu chương trình vô cùng đặc biệt khi gần 15 chư tăng sẽ tụng Chú Đại bi với mong muốn mang nhiều phước lành đến mọi người…
Với xu hướng cân bằng giữa đạo và đời, những năm gần đầy, nhiều nhạc sĩ, nghệ sĩ thể hiện các sản phẩm nhạc Phật đầy xúc cảm. Các tác phẩm nhạc truyền tải những thông điệp đẹp đẽ về đạo Phật như lòng hiếu thảo, sống thiện, sống có ích cho cộng đồng với ca từ gần gũi, tự nhiên vì thế dần đi vào đời sống và trở thành “món ăn tinh thần” được nhiều công chúng tìm nghe.
Bông hồng cài áo, Vu Lan vắng mẹ, Mẹ ơi, Đạo làm con, Ơn nghĩa sinh thành, Công ơn cha mẹ... là những ca khúc được nhiều nghệ sỹ lựa chọn cho mùa Vu Lan. Không chỉ biểu diễn các tiết mục nghệ thuật, nghệ sỹ còn tham gia vào các hoạt động trình diễn các nghi lễ, nguyện cầu quốc thái dân an.
“Từ khi tìm hiểu và hát nhạc Phật giáo, về đạo Hiếu bản thân tôi thấy thay đổi nhiều. Những lời bài hát dạy về cách đối nhân xử thế giúp tôi nghĩ khác và sống cũng khác đi. Tôi thấy mình dịu tính đi nhiều, nhiều việc trước kia có thể găng lên, nổi nóng, nhưng giờ sẽ điềm tĩnh nhìn nhận nó.
Tôi có một cách khác hài hòa hơn để xử lý, tính tình cũng bớt sân si, cảm thấy lòng vị tha nhiều hơn. Đó cũng là những điều mà tôi thấy tốt đẹp khi hát nhạc Phật giáo. Tôi muốn lan tỏa điều này đến với khán giả, đặc biệt là những bạn trẻ.
“Phật ở trong tâm”, nói đến việc mọi người đều cố gắng đi lễ chùa, lễ Phật, nhưng điều đầu tiên chính là cuộc sống cần có cái tâm hướng Phật, cái tâm làm điều thiện trước đã” - nghệ sĩ Quốc Quốc tâm sự.
Hát để thiện nguyện
PGS.TS Cù Lệ Duyên - Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, người nổi tiếng với những tác phẩm nhạc Phật cho biết, âm nhạc Phật giáo khác với dòng nhạc khác, nếu không có sự am hiểu về giáo lý đạo Phật thì sẽ khó thể hiện được trọn vẹn và đúng tinh thần.
Âm nhạc Phật giáo không phải là những giáo điều cao siêu, mà đó là những tư tưởng rất đời thường như sự báo hiếu với cha mẹ, những nghĩa cử nhân văn, tình yêu thương của con người dành cho nhau… Tư tưởng đó được truyển đạt trong giai điệu và lời ca một cách mộc mạc, dung dị để người nghe dễ cảm. Sự gần gũi và tính triết lý của nhạc Phật vì thế đang dần đi vào đời sống, được nhiều nghệ sĩ lựa chọn.
Nghệ sĩ Quang Long – Nhóm Xẩm Hà Thành cho hay: “Các chương trình đều nhấn vào thông điệp của Tứ trọng ân. Đối với người Việt Nam luôn đặt chữ Hiếu lên làm đầu. Trong âm nhạc luôn có những lời ca dành cho các đấng sinh thành. Theo lời Phật dạy, ngày lễ Vu Lan còn bao hàm các giá trị lớn mang ý nghĩa cộng đồng và giá trị tâm linh, tất cả nằm trong Tứ trọng ân đó là: ơn đất nước, ơn tam bảo, ơn cha mẹ, ơn chúng sinh”.
Các ca sĩ đều cảm thấy tâm mình được tĩnh hơn, biết quan tâm, chia sẻ với mọi người và yêu thương cuộc sống này nhiều hơn kể từ khi thấu hiểu những triết lý sâu xa được gửi gắm trong nhạc Phật.
NSND Lệ Thuỷ cho biết, đến chùa hát cũng là phục vụ cho bá tánh và phật tử. Nghệ sỹ cũng làm thiện nguyện, mong cuộc sống phát triển ngày càng tốt đẹp hơn. Còn ekip thực hiện chương trình nghệ thuật “Tứ ân” cho biết, tâm nguyện của những người thực hiện là toàn bộ lợi nhuận của chương trình sẽ được dành cho những mục đích thiện nguyện, san sẻ với những hoàn cảnh của phụ nữ, trẻ em gặp khó khăn, hoạn nạn.