Ngày 17/8, tại Tổ đình Từ Đàm, phường Trường An, thành phố Huế, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế long trọng tổ chức Đại lễ Vu lan - Phật lịch 2568.
Đông đảo tăng ni, phật tử đã đến Tổ đình Từ Đàm để tham dự lễ Vu lan. |
Từ sáng sớm, đông đảo tăng ni, phật tử đã đến Tổ đình Từ Đàm để tham dự lễ và được nghe giảng về ý nghĩa ngày lễ Vu Lan báo hiếu, đạo làm người, tinh thần hướng Phật.
Vu lan là dịp để các phật tử trở về chùa nghe nói về đạo hiếu, bổn phận làm con đối với công ơn sinh thành của cha mẹ. |
Lễ Vu Lan báo hiếu là một tục lệ gắn với Phật giáo, hình thành dựa trên truyền thống hiếu nghĩa của người Việt.
Trang nghiêm Đại lễ Vu lan - Phật lịch 2568 tại Thừa Thiên Huế. |
Trong sách Bách khoa thư làng Việt cổ truyền có ghi, nghi lễ được thực hiện tại chùa để tích phước cầu an, cầu mong cho cha mẹ được tăng phúc tăng thọ.
Đại lễ Vu lan diễn ra trang nghiêm. |
Đại lễ Vu lan năm nay được tổ chức tại Tổ đình Từ Đàm với nhiều nghi lễ truyền thống (Lễ Tự tứ, lễ Chính thức và Pháp hội cúng dường trai Tăng...).
Pháp hội cúng dường trai Tăng. |
Mùa Vu lan về cũng mang theo nhiều cảm xúc nhớ nhung cha mẹ, mang theo nhiều mơ ước giản dị của những đứa con trong cuộc sống hiện đại. Đó là mong cầu cho các bậc cha mẹ luôn được khỏe mạnh bên con cháu, mong muốn cho con cháu có lòng hiếu thảo đối với ông bà, cha mẹ, nguyện cầu bình an, hạnh phúc cho những người thân.
Cầu nguyện cho cha mẹ, gia đình luôn được bình an. |
Ở Huế, Vu lan là lễ hội lớn thứ hai sau lễ Phật đản. Ngay trước những ngày diễn ra lễ đại lễ Vu lan, khắp các ngôi cổ tự của Huế như Linh Mụ, Tường Vân hay Tổ đình Từ Đàm, người dân đi lễ Phật tụng kinh để báo hiếu công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ.
Mùa Vu lan về mang theo tình yêu thương và sự hiếu đạo của những người con tri ân tới bậc sinh thành, dưỡng dục. |
Chị Đoan Trang (trú phường Thuỷ Dương, thị xã Hương Thuỷ) chia sẻ: "Mỗi mùa Vu lan gia đình tôi lại cùng nhau lên Tổ đình Từ Đàm để tham dự lễ và cầu nguyện cho các hương linh được siêu thoát; cầu mong cho các bậc sinh thành sức khỏe và gia đình, con cái bình an".
Trong không khí của ngày lễ Vu Lan báo hiếu, bà Kiều My (một Phật tử ở phường An Đông, TP Huế) cho rằng: “Chuyện báo hiếu theo tôi là dành cho tất cả mọi người, dù ở lứa tuổi nào cũng phải báo hiếu. Công cha nghĩa mẹ như trời biển, chúng ta không báo hiếu trong một ngày, mà phải coi ngày nào cũng là ngày Vu Lan báo hiếu”.
Tại Lễ Vu lan, các chùa thường tổ chức cho phật tử cầu an cho những người cha mẹ còn sống được bình an; cầu siêu để vong linh ông bà, cha mẹ đã khuất được siêu sinh tịnh độ. Ngoài ra, các chùa sẽ tổ chức cài hoa hồng cho tất cả Phật tử và du khách đến lễ.
Tại chùa Trường Lưu (huyện Phú Vang) và nhiều ngôi chùa tại Thừa Thiên Huế cũng đã diễn ra nghi lễ cài hoa hồng báo hiếu cha mẹ nhân mùa báo hiếu Vu Lan.
Giây phút cài bông hồng lên ngực áo nhắc nhở mỗi người về lòng hiếu thảo và lòng biết ơn. |
Những người còn mẹ, đã tự tay cài cho mình những đóa hoa hồng màu đỏ lên ngực áo như một lời cảm tạ, báo đáp công sinh thành của mẹ. Có những người đã rơi nước mắt khi cài trên ngực mình một bông hoa trắng, ngậm ngùi tưởng nhớ đến người cha, người mẹ đã vĩnh viễn khuất xa.
Hoa cài trên ngực áo trở thành hình ảnh quen thuộc trong mùa Vu Lan. |
Hoa hồng là biểu tượng của tình yêu, sự cao quý và ngát hương thơm. Chúng ta cài lên ngực bông hoa là tình cảm đẹp nhất, là chữ "Hiếu" mà con cái gửi đến bậc sinh thành. Đó như là sự biết ơn, tri ân đến những người đã sinh ra và nuôi dưỡng chúng ta nên người.