Lưu lạc vì nạn đói
Bà Nguyễn Thị Cháu (72 tuổi, ngụ xóm 8, xã Nam Xuân, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An) bồi hồi kể: Bà lạc mất gia đình ruột thịt từ khi hai tuổi, sau đó được một gia đình ở Nam Đàn nhận làm con nuôi. Lúc ấy còn quá nhỏ, bà không thể nhớ được tên tuổi bố mẹ đẻ và quê hương, cũng không nhớ vì sao đi lạc, cho đến khi gặp lại người thân.
Bà Cháu tâm sự: “Tôi vô cùng xúc động, lưu lạc 44 năm trời cuối cùng cũng tìm về được với gia đình. Khi ấy bố tôi còn sống nhưng mẹ thì đã mất từ lâu, nhìn bàn thờ mẹ mà tôi khóc nức nở như đứa trẻ. Tìm được gốc tích mới hay ngày xưa tôi được bố mẹ đặt tên là Em, và trong nạn đói năm 1945, không chỉ tôi mà các anh chị đều phải chia lìa bố mẹ”.
Câu chuyện bắt đầu từ năm 1945. Bà Cháu là con út trong gia đình có sáu người con ở Cửa Hội (thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An). Người cha thường đi biển đánh cá biền biệt cả tháng trời mới về. Người mẹ ở nhà một mình chăm đàn con thơ. Trong nạn đói 1945, gia đình không có cái ăn, nhìn các con nheo nhóc đói lay lắt, người mẹ vô cùng đau xót. Chị cả của bà Cháu năm đó 25 tuổi, mơ ước có một bơ gạo nấu cháo để tổ chức đám cưới nhưng chưa kịp có gạo, chị và người yêu đều chết vì đói.
Cuộc sống càng ngột ngạt bởi sưu cao, thuế nặng và dịch bệnh hoành hành. Không nỡ nhìn những các con tiếp tục chết đói, người mẹ đành nuốt nước mắt, dắt bốn đứa con sàn sàn nhau ra chợ Quán cho người khác mang về nuôi, với mong muốn con mình được sống sót, chỉ giữ lại đứa con thứ năm.
Ngày ngày người cha ra biển đánh cá chỉ đủ đóng tô thuế. Quá đói, ông bà đi đào củ chuối, nhặt đồ rơi vãi, xin cơm ăn, sống lay lắt. Sau đó họ sinh thêm một người con và bắt đầu tìm lại bốn người con đã mang cho.
Bố mẹ bà Cháu nay đều đã qua đời. Người con duy nhất được giữ lại nuôi trong năm 1945 là ông Nguyễn Hữu Liên (73 tuổi, anh giáp bà Liên) tâm sự: “Ngày còn sống, mẹ tôi luôn đau đáu trong lòng không biết các con có còn sống sót qua nạn đói không. Sau những chuyến bố ra khơi trở về, gom góp được ít tiền từ việc bán cá, bố mẹ tôi lại lặn lội đi tìm các con dọc các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, ai chỉ đâu bố mẹ tôi đến đó.
Năm 1952, bố mẹ đi tìm, đưa được anh Nguyễn Hữu Hiền (thứ hai) từ một gia đình ở huyện Yên Thành về nhà. Nhưng đến năm 1972, anh mất trên biển khi đang đánh cá. Năm 1958 bố mẹ lại đi vào Quảng Bình tìm được người con thứ ba là chị Nguyễn Thị Vinh lúc ấy đã lấy chồng”.
Về người con thứ tư là ông Nguyễn Hữu Quýnh (75 tuổi) được một gia đình ở huyện Nam Đàn nuôi, trên đường họ dẫn ông về, người chết đói la liệt. Mặc dù gia đình bố mẹ nuôi cũng đói kém, nhiều bữa cả nhà phải nhịn đói nhưng ông Quýnh may mắn sống sót, lớn lên đi thanh niên xung phong rồi vào quân ngũ.
Nỗi niềm tìm lại nguồn cội vẫn luôn đau đáu trong lòng. Khi được cho đi, ông Quýnh cũng mới năm tuổi, không nhớ gì về tên tuổi quê hương, chỉ nhớ là miền biển. Hễ gặp đồng đội người Cửa Lò, Cửa Hội hoặc bất kỳ người miền biển nào, ông đều dò hỏi mong tìm ra tung tích mẹ cha.
Sau hơn chục năm tìm kiếm, xâu chuỗi các chi tiết, ông Quýnh tìm được quê mình. Về quê hương nhưng không ai nhận ra vì ông quá khác xưa, ngày ra đi là một cậu bé gầy gò ốm yếu, giờ đây đã là một sĩ quan quân đội cao lớn vạm vỡ. Bố mẹ và anh chị em trong nhà không ai cầm được nước mắt vì quá vui sướng.
Như vậy, 3 trong số bốn người con được mang cho đã trở về. Chỉ còn cô em út Nguyễn Thị Em (tức bà Cháu) vẫn chưa tìm thấy. Anh em trong nhà lại tiếp tục hành trình đi tìm em gái theo tâm nguyện của cha mẹ.
Ngày đoàn tụ kỳ diệu
Cô út lúc ấy mới hai tuổi, không ai còn nhớ hình dáng cũng như địa chỉ người nhận nuôi để tìm kiếm. Mấy anh em ông Liên đi khắp nơi vẫn không có bất cứ thông tin nào, không biết em gái có sống sót qua nạn đói không?.
Sau đó họ đi coi bói, thầy phán cô em vẫn còn sống, muốn tìm hãy đi về hướng Đông. Từ Cửa Hội nếu đi về phía Đông chỉ có vùng Nam Đàn nên họ theo lời thầy lặn lội lên Nam Đàn thử tìm.
Những lần nghỉ phép, ông Quýnh lại đạp xe đi tìm kiếm. Ông Liên đi bộ đội, lái xe ở Nam Đàn cũng dò hỏi thông tin về đứa em gái thất lạc, nhưng vẫn bặt vô âm tín.
Những ngày tháng ấy ở xóm 8 (xã Nam Xuân, huyện Nam Đàn), bà Cháu vẫn luôn day dứt vì chưa tìm lại được gia đình ruột thịt. Bà kể trong nước mắt: “Cha mẹ nuôi hiếm muộn nên đưa tôi về, sau đó cha mẹ sinh con, muốn trả tôi về nhà nhưng không biết gốc tích, chỉ biết gia đình tôi ở một vùng miền biển.
Lớn lên, những lúc gánh chè xanh đi bán, hễ gặp người miền biển là tôi dò hỏi. Năm 16 tuổi, tôi được gả chồng và thuyết phục chồng cùng đi tìm quê. Vợ chồng đều nghèo, dành dụm được chút tiền đều đi về miền biển tìm quê ngoại, nhưng không tìm được bởi chẳng có lấy một địa chỉ hay cái tên cụ thể nào. Tuy nhiên tôi không bao giờ tuyệt vọng. Đến khi các con trai lớn lên, đi bộ đội, tôi cũng dặn con hỏi tìm quê ngoại nhưng cũng không thể tìm được”.
Thấm thoát mấy chục năm trôi qua, những tưởng ước mong tìm lại nguồn cội của bà Cháu không còn hi vọng thì điều kì diệu xảy ra. Năm 1989, người anh thứ năm là ông Liên đưa cháu đến Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An chữa bệnh, đúng lúc một người hàng xóm của bà vào đây điều trị, nằm cùng phòng.
Sau đó người chị thứ ba đến thăm cháu tại bệnh viện. Trong lúc trò chuyện, người cùng phòng cứ tấm tắc khen bà này rất giống bà Cháu hàng xóm ở Nam Đàn. Lúc này chị em ông Liên mới ngạc nhiên hỏi thăm và trải lòng về chuyện gia đình, cho biết mình ở phường Nghi Hải (thị xã Cửa Lò) cũng đang đi tìm một người em gái mất tích mấy chục năm. Sau đó hai bên trao đổi địa chỉ.
Về nhà người hàng xóm liền nói lại chuyện với bà Cháu. Vợ chồng bà vô cùng mừng rỡ, sắp xếp cùng nhau xuống phường Nghi Hải. Vừa đến nơi, mọi người đều cảm nhận họ là ruột thịt của nhau nhưng để chắc chắn hơn, bố bà Cháu lúc ấy còn sống nói: “Sau lưng con Em (tên thật bà Cháu) có một nốt ruồi đen phía trên vai”. Mọi người vén áo bà Cháu, quả thật có nốt ruồi đen. Cả nhà ôm chầm lấy nhau khóc nức nở.
Những người dân xung quanh biết tin kéo đến rất đông. Ai cũng bất ngờ. Bốn anh em được người khác nhặt về nuôi thoát chết, nay con cháu đề huề, tìm được nhau trong niềm vui khôn xiết.
Lần đoàn tụ ấy đã diễn ra cách đây 25 năm. Giờ mấy anh em bà Cháu đều tuổi cao sức yếu nhưng vẫn thường xuyên qua lại thăm hỏi nhau. Đối với họ, được tìm lại gia đình sau mấy chục năm xa cách giống như cái kết có hậu của một câu chuyện cổ tích, nhiều lúc ngẫm lại, nước mắt vẫn rơi, vừa thương một thời đói khổ, vừa xúc động với tình ruột thịt không gì chia cắt.