Cuộc tẩu thoát của người đàn bà bị lừa bán xuyên quốc gia

Sau 18 năm lưu lạc, đặt chân về quê nhà, chị Lam nghẹn ngào nước mắt khi hay tin bố đã qua đời vì đau yếu, mẹ thì mắc bệnh tâm thần vì nhớ thương con… Một người em gái của chị cũng là nạn nhân của nạn buôn bán người sang Trung Quốc, đến giờ vẫn bặt vô âm tín.

Một ngày cuối tháng 4/2013, chị Lam không thể cầm nổi nước mắt khi được đặt chân lên mảnh đất quê hương sau 18 năm lưu lạc. Chị nghẹn ngào nước mắt khi hay tin bố đã qua đời vì đau yếu, mẹ thì mắc bệnh tâm thần vì nhớ thương con… Một người em gái của chị cũng là nạn nhân của nạn buôn bán người sang Trung Quốc, đến giờ vẫn bặt vô âm tín.

Chị Trần Thị Lam chăm người mẹ già bù đắp những tháng ngày xa cách.
Hàng ngày ngoài việc đồng áng chị Lam còn mò cua bắt ốc nuôi gia đình

Nghe lời rủ rê lên biên giới “chăn ngỗng”, hai thiếu nữ sập bẫy mẹ mìn

Chị Trần Thị Lam (SN 1978, ngụ xã Hợp Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An) sinh ra trong một gia đình nghèo, cotới bảy anh chị em. Gia đình đông con nên việc đủ cơm ăn, đủ áo mặc đã khó khăn lắm, vì thế hầu hết chị em chị Lam chỉ được học cho biết mặt chữ, biết con số. Học hết lớp 2, Lam cũng đành từ bỏ đèn sách để ở nhà phụ giúp gia đình mưu sinh.

Em gái chị là Trần Thị Quỳnh (SN 1980), cũng chỉ học đến lớp 3 rồi bỏ đi xách hồ thuê theo bố mẹ. Biết được sự khó khăn của gia đình đông người, không có việc gì làm, một kẻ vờ nhân nghĩa trong xã đã lập kế hoạch để lừa bán sang Trung Quốc hai cô con gái xinh đẹp của gia đình này. Đối tượng vẽ ra như một bức tranh đẹp về một miền đất mới nơi có công việc nhẹ nhàng nhưng mang lại thu nhập cao. Ngỡ rằng đấy là sự thật, gia đình đồng‎ ý.

Em gái chị Lam đi được vài tháng, lại với những lời đường mật, mụ “cò mồi” biến Trần Thị Lam trở thành nạn nhân tiếp theo.

Chị Lam gạt nước mắt nhớ lại: “Mụ cò mồi ấy nói ra Lạng Sơn chăn ngỗng với mụ ta, một tháng sẽ có 500 nghìn gửi về cho bố mẹ, ăn uống đã có chủ lo, ngoài ra không phải lo bất cứ thứ chi. Thời điểm đó, số tiền đó là quá lớn đối với gia đình tui. Cũng nghĩ là người ta tốt bụng với người nghèo khó như mình, tui đồng ý đi làm cùng. Rồi giờ ra nông nỗi như ri…”,

Cái gật đầu trong giây phút ấy đã đẩy cuộc đời chị vào con đường tối đầy những cạm bẫy. Chị Lam cùng một người bạn gái trong xóm khăn gói ra Bắc “nuôi ngỗng” đến gần… 20 năm sau không thấy tin tức gì về.

Chỉ vài tháng sau khi con đi, thấy nóng lòng như lửa đốt, cha mẹ chị Lam trình báo sự việc lên cơ quan công an nhờ giúp đỡ. Nhưng hai ông bà đợi đỏ mắt vẫn không thấy tin con. Hơn 10 năm trời không tìm được hai đứa con gái đứt ruột đẻ ra, ông bố chị Lam sinh ra bệnh tật, khiến cuộc sống gia đình thêm đảo lộn.

Bà mẹ một vài năm sau cũng hóa điên với nỗi đau mất con, bà đi khắp làng chửi bới kẻ đưa con bà đi và kêu gào tên hai con đến khản cổ… Gần đây, người cha ra đi sau một cơn bệnh. Đến lúc chết ông vẫn chưa được gặp hai đứa con gái mà ông mong mỏi mấy chục năm qua.

Chị Lam nhớ lại, theo lời mụ cò mồi, khi đến nơi làm việc sẽ có quần áo mới. Vì thế người thôn nữ chỉ mang theo hai bộ quần áo đã cũ để mặc thay đổi trên đường đi, còn quần áo lành chị để lại cho các em.

Chị Trần Thị Lam chăm người mẹ già bù đắp những tháng ngày xa cách.
Chị Trần Thị Lam chăm người mẹ già bù đắp những tháng ngày xa cách.

Lần đầu tiên ra khỏi nhà, đến mảnh đất Lạng Sơn, Lam không thấy trại ngỗng nào. Sáng hôm sau, đoàn người tiếp tục cho chị lên một chiếc xe ô tô khác đi lên hướng biên giới. Tiếp đó, Lam phải đi bộ hơn một ngày trời đường rừng. Đến một ngôi nhà hoang trên đất Trung Quốc, lúc này mụ hàng xóm của Lam mới lộ rõ bộ mặt thật của kẻ buôn người. Bỏ mặc Lam ngơ ngác, hoảng loạn cho mấy tên bặm trợn cai quản, mụ ra về, không quên quay lại dặn Lam “phải ngoan ngoãn và biết nghe lời”.

Hai lần làm vợ, hai lần bị giam cầm

Nhận ra mình đã bị bán sang Trung Quốc thì đã quá muộn, Lam khóc lóc, van xin nhưng không ích gì. Lam bị nhốt trong ngôi nhà hoang vài ngày, sau đó có một đám đàn ông đứng tuổi đến đây để xem mặt và “mua” vợ. Vì khá trẻ trung, xinh đẹp lại có ngoại hình ưa nhìn nên Lam được một người đàn ông “mua” về với giá 20 triệu đồng tiền Việt Nam.

Đây cũng chính là những ngày tháng đen tối nhất của cuộc đời chị. Chị Lam chua xót kể lại: “Nói là làm vợ nhưng tui bị đối xử chẳng khác gì một đứa ở họ bỏ tiền ra mua về. Mọi việc trong nhà một tay tui làm hết, đi mô cũng có người kè kè theo dõi, kể cả đi… vệ sinh.

Sợ tui bỏ trốn, có khi cả tháng trời hắn không cho tui ra khỏi nhà. Nếu muốn ra ngoài thì hắn đều cho người theo dõi. Có lần tình cờ gặp một người Việt Nam tui mừng lắm, đứng lại hỏi thăm vài ba câu thì về nhà bị hắn đánh cho thừa sống thiếu chết… Rồi từ đó, tui nung nấu cái ý định phải bằng mọi cách trốn thoát khỏi đây…”.

Nhưng cơ hội trốn thoát không nhiều. Chờ mãi đến một lần lão chồng đê tiện rủ bạn về nhà nhậu, hắn say bí tỉ không biết gì, chị Lam mở cửa và chạy trốn. Mừng vì trốn được kẻ hung ác tàn bạo đó, nhưng chị cũng chẳng biết đi đâu khi chỉ có một thân một mình giữa nơi rừng hoang và không một xu dính túi.

Trong lúc đang sắp lả đi vì đói khát, chị gặp một người đàn ông làm nghề đào giếng. Người này đã ly dị vợ, nhận cưu mang chị nhưng với điều kiện chị phải phục vụ và chăm sóc cho ông ta cùng hai đứa con riêng. Không có chọn lựa nào hơn nữa, chị đành nhắm mắt đưa chân tiếp tục cái “kiếp làm dâu xứ người”.

Lần làm “vợ” này, cuộc sống của chị đỡ phải chịu những trận đòn roi hơn nhưng chị cũng phải làm việc quần quật cả ngày, không được đi đâu và làm gì cũng dưới sự giám sát. Rồi chị sinh cho người chồng thứ hai một đứa con nên đỡ bị quản lý hơn.

Chị bảo: “Lão biết không có bà mẹ nào bỏ con cái. Quả thật đã có lúc tôi quên đi cái ý định bỏ trốn về nước vì đứa con chung với chồng. Nhưng khi đêm về lại nhớ bố, nhớ mẹ, nhớ quê hương”…

Trong một lần đi rửa bát thuê ở nhà hàng gần nhà, chị đã gặp được một người phụ nữ tên Hòa (quê ở TP. Vinh, Nghệ An). Vui mừng khôn xiết, chị vừa khóc vừa hỏi thăm cách thức để trở về. Sau khi được người bạn đồng hương giúp đỡ, chị đã dốc toàn bộ số tiền tích cóp được để lén lút trở về quê …

Trở về sau gần 20 năm lưu lạc, chị Lam gần như quỵ ngã khi biết tin bố đã mất hơn chục năm nay, người mẹ đau ốm vì thương nhớ chị và cô em đến mức không còn đủ tỉnh táo để nhận ra con. Mẹ nhìn chị với đôi mắt vô hồn, hoang dại của người điên, mặc cho chị rúc đầu vào ngực mẹ khóc nức nở.

Kẻ lừa bán chị cũng đã bỏ xứ trốn biệt tăm từ thuở nào. Bây giờ, chị sống cùng mẹ và người em trai, cả ngày ngoài làm ruộng, mò cua bắt ốc, chị dồn thời gian chăm sóc mẹ già mong bù đắp được những năm tháng xa cách. Nỗi đau lớn nhất với chị lúc này là cô em gái kém chị hai tuổi đến nay vẫn chưa có chút thông tin nào về cho gia đình kể từ khi bị lừa bán.

Từ ngày trở về, người ta vẫn hiếm thấy được một nụ cười tươi trên khuôn mặt chị. Một gia đình hạnh phúc đối với chị giờ đây vẫn là điều xa vời. Gạt những giọt nước mắt mặn chát, chị Lam nghẹn ngào: “Nếu như trước đây tui tỉnh táo hơn một chút...”.

Theo Xa lộ pháp luật

Đọc thêm