Mục đích chuyến thăm châu Á của người đứng đầu NATO

0:00 / 0:00
0:00
Ngày 29/1, Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg đã tới Hàn Quốc – điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến công du tới châu Á bao gồm Nhật Bản.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo giới phân tích, chuyến đi của người đứng đầu NATO được thực hiện nhằm mục đích tăng cường quan hệ với các đồng minh châu Á của Mỹ trước bối cảnh cuộc xung đột ở Ukraine đang nổ ra và sự cạnh tranh ngày càng tăng với Trung Quốc.

Theo hãng tin Reuters, tại thủ đô Seoul, ông Stoltenberg đã gặp Ngoại trưởng Hàn Quốc Park Jin và dự kiến gặp Tổng thống Yoon Suk-yeol và Bộ trưởng Quốc phòng Lee Jong-sup.

Trong cuộc họp với Ngoại trưởng Park, người đứng đầu NATO bày tỏ lo ngại về các vụ thử tên lửa và chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, trong khi nhấn mạnh cuộc xung đô ở Ukraine có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với châu Á. Ông Stoltenberg cũng bày tỏ nghi ngờ Triều Tiên đang hỗ trợ quân sự cho Nga.

Cả hai quan chức đều đưa ra "các giá trị chung" giữa các nước NATO và Hàn Quốc.

"Trước những thách thức toàn cầu chưa từng có ngày nay, chúng tôi tin rằng sự đoàn kết giữa các quốc gia chia sẻ các giá trị tự do, dân chủ và pháp quyền là quan trọng hơn bao giờ hết", Ngoại trưởng Park nói trong cuộc họp báo trước cuộc họp.

Bay tới Tokyo vào ngày 30/1, ông Stoltenberg sẽ có các cuộc họp theo lịch trình với Thủ tướng Fumio Kishida và các quan chức Nhật Bản khác.

Trong cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn Yonhap, ông Stoltenberg cho biết trong khi NATO sẽ vẫn ưu tiên tập trung vào châu Âu và Bắc Mỹ, các thành viên của tổ chức này tiếp tục bị ảnh hưởng bởi các vấn đề trên khắp thế giới.

Ông nói: “Chúng ta cần giải quyết các mối đe dọa và thách thức toàn cầu này, bao gồm cả những thách thức đến từ Trung Quốc và một cách để làm điều đó tất nhiên là hợp tác chặt chẽ hơn với các đối tác trong khu vực”.

Tổng thống Yoon và Thủ tướng Kishida đã trở thành những nhà lãnh đạo đầu tiên tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO, tham gia cùng các nhà lãnh đạo liên minh với tư cách quan sát viên vào năm ngoái.

Sau hội nghị thượng đỉnh, Hàn Quốc đã thành lập phái đoàn ngoại giao đầu tiên tại NATO, cam kết tăng cường hợp tác về không phổ biến vũ khí hạt nhân, phòng thủ mạng, chống khủng bố, ứng phó thảm họa và các lĩnh vực an ninh khác.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc đã cảnh báo việc Hàn Quốc và Nhật Bản tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO và chỉ trích quan hệ đối tác ngày càng mở rộng của liên minh này ở châu Á.

Về phần mình, cả Triều Tiên và Nga đều bác bỏ cáo buộc của Mỹ cho rằng Triều Tiên đang cung cấp vũ khí cho xung đột ở Ukraine. Triều Tiên cho rằng sự tham gia của NATO vào khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ ảnh hưởng đến cuộc xung đột đang diễn ra ở châu Âu.

Triều Tiên đã chỉ trích quyết định của Mỹ gửi xe tăng tới Ukraine, gọi đó là "tội ác phi đạo đức" nhằm kéo dài vẫn đề bất ổn của thế giới.

Đọc thêm