Mức thu nên thấp hơn các tuyến BOT

(PLVN) - Đồng tình với đề xuất thu phí cao tốc đầu tư bằng ngân sách, nhưng Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam (VATA) Nguyễn Văn Quyền lưu ý, mức thu  trên những tuyến này không  nên cao hơn phí trên các tuyến đường có sự tham gia của các nhà đầu tư tư nhân, tức các tuyến BOT.

Quan điểm của ông thế nào về việc thu phí đường bộ cao tốc được đầu tư bằng nguồn ngân sách Nhà nước?

- Hiện nay, VATA có 43 Hiệp hội cơ sở cấp tỉnh và khu vực, trên 1.300 doanh nghiệp hội viên, trong đó có gần 700 công ty Cổ phần; hơn 400 hợp tác xã... Với lực lượng hùng hậu của những người làm việc liên quan đến vận tải bằng ô tô, VATA được Bộ GTVT xin ý kiến bằng văn bản về việc thu phí trên đường cao tốc xây dựng từ ngân sách. Mới đây, chúng tôi đã có văn bản cho ý kiến về vấn đề này gửi Bộ GTVT.

Hiệp hội chúng tôi cho rằng, việc thu phí trên một số tuyến cao tốc được đầu tư bằng tiền ngân sách là cần thiết, sẽ giúp hoạt động giao thông hợp lý hơn, đồng thời tăng thêm nguồn thu cho Nhà nước để tiếp tục đầu tư vào hạ tầng.

Ngoài ra, việc thu phí trên cao tốc do Nhà nước đầu tư nếu được thực hiện sẽ có tác dụng điều tiết giao thông, khiến hài hòa lưu lượng giữa các tuyến đường. Thí dụ hiện nay trên tuyến TP Hồ Chí Minh – Trung Lương, khi tạm dừng thu thì lưu lượng xe dồn vào đường này, gây ùn tắc giao thông, giảm hiệu quả đầu tư. Việc lưu thông quá đông trên đường cao tốc cũng có nguy cơ tai nạn cao hơn. Nếu tuyến này thu phí, chắc chắn lượng xe sẽ được phân bổ ra hướng Quốc lộ 1, tạo nên sự hợp lí về lưu lượng, giúp điều tiết giao thông tốt hơn.

Ông Nguyễn Văn Quyền 

Theo ông, nếu thu thì nên thu ở mức nào?

- Tôi cho rằng, việc thu phí ở những tuyến nào cần được cân nhắc kỹ. VATA đề xuất không thu trên những tuyến đường độc đạo, tức phải đảm bảo quyền lựa chọn của người dân. Không thể có đúng một con đường mà anh lại thu phí là không được, người dân sẽ phản ứng mạnh. Thứ hai, mức thu phí trên những tuyến đường này nên thấp hơn nhiều so với trên các tuyến đường có sự tham gia đầu tư của tư nhân, tức các tuyến BOT. Mức phí cụ thể thế nào cần được Bộ GTVT, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan bàn bạc, thống nhất. Ngoài ra, cần cân nhắc việc có nên thu với những tuyến đường chỉ mở rộng thêm hay không? “Anh” chỉ mở rộng đường mà thu thì mức thu bao nhiêu, hay là không không thu,.. đều cần được bàn tính kỹ.

Có một số ý kiến lo ngại, nếu chủ trương này được thông qua sẽ xuất hiện tình trạng phí chồng phí, thưa ông?

- Đúng là hiện nay chủ xe phải nộp một số loại thuế, phí, nhưng hiện nay nguồn lực Nhà nước đang còn hạn chế, việc chủ xe đóng các loại phí này không nhiều so với số tiền nhà nước đã bỏ ra. Đồng thời, có lợi ích là đường sá tốt, rộng hơn với  chủ xe. Tôi cho rằng, nguyên tắc cơ bản nhất là  làm sao hài hòa giữa lợi ích của người dân và Nhà nước.

Thu phí thì nên thu nhưng phải đảm bảo quyền lợi của người dân, xây dựng cơ chế thu làm sao để người dân hài lòng, không làm thêm gánh nặng tài chính trên vai người dân thì sẽ được đông đảo cộng đồng lái xe ủng hộ.

Trân trọng cảm ơn ông!

Bộ Tài Chính nói gì?

Bộ Tài chính vừa có Tờ trình báo cáo Thủ tướng Chính phủ về dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về phí sử dụng đường cao tốc thông qua trạm thu phí trên đường cao tốc do Nhà nước đầu tư. Theo Bộ này, mạng lưới đường bộ Việt Nam đang khai thác dài 668.750 km. Trong đó, đường cao tốc có 16 tuyến dài 968,7 km. 

Theo Quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 1/3/2016 thì mạng đường bộ cao tốc Việt Nam gồm 21 tuyến với tổng chiều dài 6.411 km. Như vậy, tỷ lệ tuyến đường cao tốc hiện có so với quy hoạch mới đạt khoảng 15%.

Hiện nay, suất đầu tư đường cao tốc 4 làn khoảng 130 tỷ đồng/1km, 6 làn khoảng 190 tỷ đồng/1km (theo Quyết định số 1291/QĐ-BXD ngày 12/10/2018 của Bộ Xây dựng công bố suất vốn đầu tư xây dựng công trình và giá xây dựng tổng hợp bộ phận kết cấu công trình). Chi phí bảo trì đường cao tốc khoảng 830 triệu đồng/km/năm, trong khi nguồn vốn ngân sách Nhà nước bố trí cho công tác quản lý, bảo trì hàng năm chỉ đáp ứng khoảng 35 - 40% nhu cầu tối thiểu, dẫn đến tình trạng chất lượng đường xuống cấp nhanh chóng.

Bộ Tài chính cho rằng, đầu tư đường cao tốc đòi hỏi lượng vốn rất lớn (theo Quyết định số 326/QĐ-TTg nhu cầu vốn đầu tư đường cao tốc đến năm 2030 cần 599,1 nghìn tỷ đồng), trong khi nguồn lực Nhà nước còn hạn chế, cần thiết phải huy động mọi nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển đường cao tốc.

Theo Bộ Tài Chính, hệ thống đường cao tốc do Nhà nước đầu tư hiện nay (tổng dài 196 km), nếu thực hiện thu phí dịch vụ đường cao tốc với mức thu là 1.000 đồng/km/xe tiêu chuẩn thì dự kiến hàng năm sẽ thu được khoảng 2.142 tỷ đồng. Đây là nguồn vốn quan trọng bổ sung cho việc đầu tư cải tạo hệ thống đường cao tốc hiện hành, cũng như bổ sung vốn đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc mới.

Đọc thêm