Thực tế vẫn có khoảng 60.000 người được chẩn đoán nhiễm HIV chưa tham gia điều trị ARV. Để đạt được mục tiêu 100% người nhiễm được điều trị ARV, Bộ Y tế đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó có việc kiện toàn và đẩy nhanh việc cấp phát thuốc qua bảo hiểm y tế (BHYT).
Nỗ lực khắc phục khó khăn...
Theo Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế, việc điều trị ARV hiện nay đã được mở rộng tới tất cả các tỉnh, thành phố trong toàn quốc với 429 cơ sở điều trị ARV ở tất cả các tỉnh thành phố và hầu hết các huyện, có tới 652 cơ sở cấp phát thuốc ARV tại trạm y tế xã. Thuốc ARV hiện nay đang được các dự án cấp miễn phí và sẽ được cấp thông qua BHYT trong những năm tới.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Hoàng Long – Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho hay, khó khăn hiện nay là việc đồng chi trả thuốc ARV qua BHYT. Cụ thể, theo quy định tại khoản 1, Điều 22 của Luật BHYT năm 2008, người tham gia BHYT phải đồng chi trả chi phí khám chữa bệnh tùy theo các nhóm đối tượng tham gia BHYT. Do đó, người nhiễm HIV có thẻ BHYT có trách nhiệm cùng chi trả tiền thuốc ARV theo quy định.
Tuy nhiên, việc cùng chi trả là rất khó khăn cho người nhiễm HIV. Hầu hết bệnh nhân HIV/AIDS đều ở mức thu nhập thấp. Trong khi, điều trị ARV là điều trị liên tục và suốt đời. Đây là một thách thức lớn cho bệnh nhân. Bên cạnh đó trong bối cảnh còn nhiều nguồn thuốc hỗ trợ miễn phí và để tiếp cận công bằng giữa các nhóm bệnh nhân có thẻ BHYT và không có thẻ BHYT, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 2188 ngày 15/11/2016 quy định các địa phương đảm bảo các nguồn ngân sách cho hỗ trợ phần cùng chi trả thuốc ARV.
Để hỗ trợ đồng chi trả thuốc ARV BHYT, ông Long cho biết, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã có công văn số 380/AIDS-VP ngày 30/5/2018 hướng dẫn các tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch đảm bảo kinh phí mua thẻ BHYT và hỗ trợ đồng chi trả thuốc ARV giai đoạn 2018-2020. Hiện nay đã có 35/63 tỉnh thành phố được cấp thẩm quyền phê duyệt kế hoạch hỗ trợ mua thẻ (gần 30.000 thẻ đã được mua và cấp cho người nhiễm HIV). 18/63 tỉnh thành phố phê duyệt ngân sách cho hỗ trợ đồng chi trả thuốc ARV. Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã đề xuất và được Quỹ toàn cầu phê duyệt hỗ trợ mua thẻ BHYT và đồng chi trả thuốc ARV cho 32 tỉnh dự án và 16 tỉnh ngoài dự án trong giai đoạn 2019-2020.
|
Ông Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng chống HIV |
Đẩy nhanh việc cấp phát thuốc thông qua BHYT!
Với mong muốn tất cả số người nhiễm được điều trị bằng ARV, lãnh đạo Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho hay, việc đầu tiên cần làm là phải kiện toàn các cơ sở điều trị HIV/AIDS đủ điều kiện ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT. Bộ Y tế đã có 03 văn bản hướng dẫn chuyên môn, tổ chức rất nhiều đoàn hỗ trợ kỹ thuật, đôn đốc, theo dõi, giám sát, đánh giá tiến độ thực hiện tại các tỉnh, thành phố.
Với sự hỗ trợ kỹ thuật của các dự án, đối tác quốc tế, đến nay hơn 90% cơ sở điều trị HIV/AIDS đã kiện toàn để được ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT, khoảng 85% cơ sở điều trị đã thanh toán ít nhất một dịch vụ từ nguồn quỹ BHYT (tính đến 31/10/2018). Trong 190 cơ sở được lựa chọn để cung cấp thuốc ARV nguồn BHYT năm 2019: 186/190 cơ sở đã ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT, sẵn sàng nhận thuốc ARV nguồn BHYT năm 2019. Các cơ sở còn lại đang khẩn trương hoàn thiện công tác kiện toàn ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT trước ngày 1/1/2019.
Ông Nguyễn Hoàng Long cho hay, hiện tỷ lệ bệnh nhân điều trị ARV có thẻ BHYT tăng lên nhanh chóng từ 30% (năm 2015) lên 89% hiện nay. Nhiều tỉnh, thành phố đạt 100% bệnh nhân đang điều trị ARV có thẻ BHYT. Bộ Y tế đã hướng dẫn, phổ biến và hỗ trợ các địa phương vận động nguồn ngân sách địa phương và các nguồn chương trình, dự án cho hỗ trợ mua thẻ BHYT cho người nhiễm HIV. Các cơ sở điều trị cũng rất tích cực tư vấn, truyền thông và hỗ trợ người nhiễm HIV tự nguyện tham gia BHYT. Cơ chế tham gia BHYT cho người nhiễm HIV không có giấy từ tùy thân đã được giải quyết trong Thông tư 27/2018/TT-BYT ngày 26/10/2018 của Bộ Y tế thông qua hình thức phát hành thẻ BHYT có ảnh.
Đối với việc đấu thầu thuốc ARV nguồn BHYT: Bộ Y tế đã lựa chọn Phác đồ bậc 1, với những thuốc thông dụng và có sẵn ở Việt Nam (Tenofovir/Lamivudine/Efavirenz 300/300/600mg và Zidovudine/Lamivudine/ Nevirapine 300/150/200mg). Đồng thời huy động nguồn các chương trình, dự án viện trợ quốc tế để mua phác đồ bậc 2 và thuốc nhi toàn quốc.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng hướng dẫn, đôn đốc các tỉnh tổng hợp, tính toán nhu cầu thuốc ARV BHYT năm 2019, gửi Trung tâm mua sắm tập trung thuốc Quốc gia để mua sắm; Ký Hợp đồng cung ứng thuốc (Trung tâm Giám định BHYT và Thanh toán đa tuyến khu vực phía Bắc đã được Bảo hiểm xã hội Việt Nam chỉ định là đơn vị ký hợp đồng với nhà cung ứng thuốc. Hiện, Trung tâm Giám định BHYT và Thanh toán đa tuyến khu vực phía Bắc đang tiến hành các thủ tục ký hợp đồng với nhà cung ứng).
Cùng với đó, Bộ Y tế đã có công văn số 5789/AIDS-BYT ngày 1/10/2018 hướng dẫn các cơ sở điều trị HIV/AIDS tiếp nhận, quản lý, sử dụng và thanh toán thuốc ARV từ nguồn BHYT; Phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam xây dựng cơ sở dữ liệu bệnh nhân điều trị ARV phục vụ cho việc theo dõi thanh toán thuốc ARV nguồn BHYT và thiết lập hệ thống thông tin quản lý đến từng bệnh nhân tham gia điều trị ARV; Đặc biệt là tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để người nhiễm HIV hiểu và chủ động tham gia BHYT./.