Mục tiêu công vụ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Liên quan đến vụ việc Văn phòng UBND đơn vị ra văn bản “xin” doanh nghiệp tiền đón Tết, lãnh đạo tỉnh này cho biết đã chỉ đạo các cơ quan chức năng và địa phương kiểm điểm trách nhiệm đối với cán bộ ban hành văn bản.

Địa phương này từ trước tới nay không có chủ trương xin doanh nghiệp hỗ trợ kinh phí đón Tết. Mọi công tác chăm lo Tết tỉnh đã có kế hoạch chuẩn bị hằng năm trên tinh thần tiết kiệm nhất, tuyệt đối không vận động tiền từ doanh nghiệp. Mọi chuyện bị phát giác khi mạng xã hội lan truyền văn bản “xin” hỗ trợ mấy trăm triệu đồng.

Câu chuyện có lý do của nó, có “cái khó” của người trong cuộc, ở một đất nước nhiều vấn đề đang được giải quyết “duy tình”. Trường hợp Văn phòng thành phố được báo chí “quan tâm” chắc chắn không phải là duy nhất và là biểu hiện của một thứ “bệnh lý” từ lâu. Nó cho thấy, vấn đề xây dựng chế độ công vụ, đội ngũ công chức đáp ứng yêu cầu của một “Nhà nước phục vụ” đang là vấn đề lớn.

Cách đây hơn một tháng, tại Hà Nội diễn ra Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt triển khai Kết luận và quy định của Trung ương về công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng. Tại Hội nghị này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc lại yêu cầu xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng ta và hệ thống chính trị nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, ngang tầm nhiệm vụ, đủ sức để lãnh đạo xây dựng, phát triển đất nước nhanh và bền vững hơn, trong đó có việc phát huy những tác động tích cực, khắc phục những tác động tiêu cực, mặt trái của kinh tế thị trường, mở cửa, hội nhập quốc tế...

Theo Nghị quyết 03/NQ-CP mà Chính phủ vừa ban hành, Chính phủ thống nhất chủ đề điều hành của năm 2022 là “Đoàn kết, kỷ cương, chủ động thích ứng an toàn, hiệu quả, phục hồi phát triển”. Để thực hiện được các mục tiêu “phục hồi và phát triển” năm 2022, thực hiện được các chương trình xa hơn nữa, chắc chắn ngày càng phải làm tốt hơn nữa “sứ mệnh” phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Phục vụ là sứ mệnh hiển nhiên của nhà nước nhằm thỏa mãn nhu cầu chính đáng của công dân. Nhà nước phải thực thi chức năng, nhiệm vụ của mình vì nhân dân; đồng thời tạo lập đầy đủ khuôn khổ để công dân tự do sáng tạo thỏa mãn nhu cầu, làm những gì pháp luật không cấm. Đồng thời, nhà nước phải có trách nhiệm tạo ra môi trường thuận lợi trong việc cung ứng các loại dịch vụ thay thế và bổ sung để người dân tự quyết định lựa chọn dịch vụ nào phù hợp nhất với nhu cầu thực tế của họ.

Giữa nhà nước – người dân – doanh nghiệp phải có “cơ chế phản hồi”. Cơ chế này góp phần nâng cao tính minh bạch, công khai và ý thức hoàn thiện kết quả phục vụ của từng cá nhân và tổ chức. Từ những kết quả phản hồi đó, các cơ quan cung cấp rút kinh nghiệm và hoàn thiện hoạt động phục vụ nhân dân.

Đọc thêm