Theo báo cáo của VEPR, kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng tốt trong quý II/2018, đạt 6,79%. Tuy không cao bằng ba quý trước đó, đây là mức tăng trưởng quý II cao nhất trong 10 năm qua. “Chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm tăng 10,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng chính của cả nền kinh tế với mức chỉ số sản xuất tăng cao 12,7%. Ngành khai khoáng tăng trưởng âm trở lại đặt ra thách thức tái cơ cấu lại ngành từng là ngành công nghiệp chủ đạo của Việt Nam…” - TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VERP phân tích.
Nối tiếp xu hướng trong quý I, lạm phát tiếp tục gia tăng trong quý II/2018. Lạm phát toàn phần tăng dần từ 2,66% trong tháng Ba lên 4,67% vào tháng Sáu. Tính chung 6 tháng đầu năm, CPI bình quân tăng 3,29% so với cùng kỳ năm 2017. Đồng thời, CPI tính đến cuối tháng 6/2018 tăng 2,22% so với cuối tháng 12/2017. Nguyên nhân lạm phát gia tăng được chỉ ra là do giá của nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống, đặc biệt là thực phẩm phục hồi. Nhóm này có quyền số lớn trong rổ hàng hóa CPI (36,12%) và đã tăng giá tới 5,1% (yoy) vào tháng Sáu, mức tăng cao nhất kể từ năm 2014.
“Lạm phát quý II tiếp tục gia tăng trong bối cảnh giá thực phẩm phục hồi mạnh mẽ cùng với sự gia tăng liên tục của giá nhiên liệu. Trong khi đó, lạm phát lõi trở lại ổn định sau khi tăng mạnh vào tháng Hai, cho thấy Ngân hàng nhà nước tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ thận trọng…” - TS Thành nhận định.
|
Theo chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Thế Anh, thành viên Hội đồng sáng lập VERP, “bức tranh” đẹp của kinh tế 6 tháng đầu năm dựa vào quý I chứ không phải quý 2. “Nếu so sánh số DN mới thành lập với số DN giải thể, ngừng hoạt động thì tương đương nhưng ai cũng biết, DN mới thành lập thì phải có một độ trễ thời gian mới có doanh thu, lợi nhuận…” - chuyên gia này phân tích.
Vị chuyên gia này cũng tỏ ra lo ngại khi tăng trường phụ thuộc và lĩnh vực chế biến chế tạo và cho rằng điều này là bất ổn. Trong khi đó, cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã khơi mào mà kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn là cơ hội. Đặc biệt, chuyên gia này cũng cho rằng chỉ tiêu lạm phát năm nay không đạt được mục tiêu là hiện hữu khi trên thế giới, giá dầu không có dấu hiệu giảm, trong nước là diễn biến thiên tai bất thường, ảnh hưởng mạnh đến giá thực phẩm…
“Thương mại Việt Nam vẫn trên đà tăng trưởng tích cực trong bối cảnh tương đối thuận lợi của thương mại toàn cầu. Tuy nhiên, độ mở của nền kinh tế lớn ở mức trên 190% như hiện tại cũng đặt Việt Nam dưới nhiều rủi ro, thách thức nếu nền kinh tế toàn cầu bước vào thời kỳ suy giảm vì các cuộc chiến thương mại” - Viện trưởng VERP, TS Nguyễn Đức Thành phân tích.
Trong bối cảnh đó,VERP đưa ra dự báo: tăng trưởng GDP quý III đạt 6,65%, lạm phát đạt 4,65%; tăng trưởng GDP quý IV đạt 6,55%, lạm phát đạt 4,13%. GDP cả năm 2018 đạt 6,8%.
“Với mức tăng trưởng tích cực 6,79% của quý II và dù triển vọng kinh tế nửa sau cuối năm có thể sâu hơn, chúng tôi vẫn cho rằng mục tiêu tăng trưởng 6,5-6,7% của năm 2018 là khả thi. Những tính toán mới của VEPR không sai biệt nhiều so với lần dự báo gần đây nhất (cuối tháng 4/2018), cho thấy tăng trưởng cả năm 2018 đạt 6,8%. Bên cạnh đó, trong bối cảnh giá thực phẩm và nhiên liệu không ngừng gia tăng, chúng tôi cho rằng để đạt được mức lạm phát bình quân năm 4% cần nỗ lực hết sức của các cấp và đặc biệt là chính sách tiền tệ chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước…” - TS Thành khẳng định.
TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VERP:
“Chính phủ cần nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong thu - chi ngân sách để thuyết phục người dân trước khi tăng thuế…”
Cán cân ngân sách của Việt Nam thâm hụt trở lại vào quý II, cho thấy thặng dư trong quý I chỉ mang tính tạm thời và Việt Nam còn phải đối mặt với nhiều thách thức trong ổn định kinh tế vĩ mô. Hiện nay, nguồn thu của Việt Nam ngày càng phụ thuộc vào các loại thuế tiêu dùng. Bất kỳ đề xuất tăng các khoản thuế tiêu dùng nào (VAT, TTĐB…) cũng cần được xem xét thận trọng vì thuế tiêu dùng tuy hiệu quả về hành thu nhưng được xem là không có tác động tốt đến công bằng trong chi tiêu.
Thay vào đó, Chính phủ nên nghĩ tới việc cải cách lại các loại thuế tài sản vì hiện nay tỷ trọng đóng góp của các loại thuế này vào ngân sách còn khiêm tốn. Tuy nhiên, do các loại thuế trực thu dễ gây cảm giác “đau đớn” cho người nộp thuế, trước khi tăng thuế, Chính phủ cần nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong thu - chi ngân sách để có thể thuyết phục người dân.