Hiện tại có hai cuộc thi hoa hậu được chính thức cấp phép ở Việt Nam là Hoa hậu Bản sắc Việt toàn cầu và Hoa hậu Biển Việt Nam 2016 đang rầm rộ tuyển chọn người đẹp tham dự cuộc thi. Riêng cuộc thi Hoa hậu Bản sắc Việt Toàn cầu lần đầu tổ chức còn tuyển chọn các thí sinh cả trên thế giới. Tất cả các người đẹp chỉ cần có bố hoặc gốc Việt có thể tham gia. Ngay trong buổi họp báo công bố chính thức cuộc thi này vào tháng 3 vừa qua, ban tổ chức đã có một chút “nhầm lẫn” quy chế thi hoa hậu ở Việt Nam khi cho phép cả thí sinh phẫu thuật thẩm mỹ tham gia. Tuy nhiên, sau đó ban tổ chức Hoa hậu Bản sắc Việt toàn cầu đã phải đính chính lập tức.
Theo đúng Điều 6, Thông tư 03/2013/TT-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thì tại Việt Nam không cho phép các thí sinh thi hoa hậu phẫu thuật thẩm mỹ. Rõ ràng bản thân ban tổ chức còn chưa thực sự nắm rõ quy định này. Tức là tính tới thời điểm này sẽ không có chuyện chấp nhận thí sinh phẫu thuật thẩm mỹ tham gia các cuộc thi hoa hậu trong nước. Tuy nhiên chính cụm từ “không phẫu thuật thẩm mỹ” trong Thông tư 03 lại đang gây ra tranh cãi, hiểu lầm.
Các thí sinh tham gia vòng sơ khảo Hoa hậu Biển Việt Nam 2016 |
Mới đây cũng trong cuộc họp báo chính thức công bố cuộc thi Hoa hậu Biển Việt Nam 2016, tranh luận về vấn đề thí sinh chỉnh sửa sắc đẹp thực sự nóng lên. TS nhân trắc học Thẩm Hoàng Điệp chia sẻ, nhiều năm tham dự chấm hoa hậu, việc xem xét có phẫu thuật thẩm mỹ hay không ngày càng phức tạp hơn do các tiến bộ của ngành này. Chẳng hạn, trước đây, việc phẫu thuật thẩm mỹ được hiểu là dùng dao kéo can thiệp như hút mỡ bụng, nâng mũi… Tuy nhiên, hiện nay các can thiệp thẩm mỹ trở nên đa dạng hơn như dùng các chất làm đầy để tạo hình khuôn mặt… Đặc biệt là việc sử dụng chất làm đầy tự thân như lấy mỡ từ bộ phận này bơm vào bộ phận khác.
Theo wiki, phẫu thuật thẩm mỹ là một ngành được biết đến nhiều nhất trong chuyên khoa phẫu thuật tạo hình. Nó bao gồm tất cả các phẫu thuật, thủ thuật, biện pháp nhằm cải thiện những thiếu xót hay sự chưa hoàn thiện một bộ phận trên một người bình thường, hoặc sửa chữa những dấu ấn do thời gian để lại trên cơ thể như căng da mặt, hút mỡ...
Rõ ràng một khái niệm khá chung chung thế này và lại có quy định không rõ ràng của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong Thông tư 03 dễ dẫn tới “hiểu lầm” và lách luật. Như vậy các thí sinh tiêm chất làm đầy chỉnh sửa sắc đẹp có thuộc diện vi phạm quy chế hay không?
Trao đổi về khái niệm “không phẫu thuật thẩm mỹ” trong Thông tư 03 với phóng viên báo PLVN, Tiến sỹ Khoa học Phan Đình Tân, Chánh văn phòng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: “Không phẫu thuật thẩm mỹ tức là không được can thiệp, tác động làm biến dạng khuôn mặt so với tự nhiên chứ không chỉ là tác động dao kéo chỉnh sửa. Chúng ta có quy định nhưng có những cái không thể nào quy định được nên giữa đúng, giữa sai rất khó rạch ròi. Ban giám khảo và những người có chuyên môn sẽ có trách nhiệm làm rõ chuyện vấn đề này”.
TS Phan Đình Tân trả lời phỏng vấn |
Trả lời cho khúc mắc về việc có những trường hợp thí sinh dùng chất làm đầy chỉnh sửa mà không thể phát hiện, TS Phan Đình Tân đưa quan điểm: “Mọi hành vi gian dối đều có sự xem xét của xã hội và chính bản thân con người đó. Tới lúc nào đó mọi gian dối sẽ bộc lộ. Thí sinh gian dối sẽ phải trả giá. Còn bây giờ chúng ta đòi hỏi quyết liệt rạch ròi ngay lập tức rất khó. Chúng ta không nên quá kỳ vọng vào một vài văn bản để lập lại trật tự ngay lập tức”.
Thực sự nếu không kiểm soát hết được có nên chăng cần thay đổi quy định này? Thay đổi này sẽ giúp ban tổ chức các cuộc thi hoa hậu ở Việt Nam dễ kiểm soát hơn. Trên thế giới, hiện nhiều cuộc thi người đẹp cũng chấp nhận thí sinh phẫu thuật thẩm mỹ. Và thí sinh Việt Nam sẽ bất lợi nếu mang vẻ đẹp hoàn toàn tự nhiên đi đấu với vẻ đẹp có chỉnh sửa hoàn hảo?