Con nuôi có được quyền biết nguồn gốc của mình?

 Hiện nay, ngày càng có nhiều đôi vợ chồng vì một số nguyên nhân mà không có khả năng sinh con và có nguyện vọng được nhận con nuôi. Để có thể nhận con nuôi, sau khi phải hoàn thành một số thủ tục thì điều làm họ băn khoăn chính là khi đứa trẻ lớn lên, biết được nguồn gốc của mình thì liệu có bỏ họ để tìm về với cha mẹ đẻ không. Trớ trêu rằng, việc được biết về nguồn gốc lại là một trong những quyền của người con nuôi.

Hiện nay, ngày càng có nhiều đôi vợ chồng vì một số nguyên nhân mà không có khả năng sinh con và có nguyện vọng được nhận con nuôi. Để có thể nhận con nuôi, sau khi phải hoàn thành một số thủ tục thì điều làm họ băn khoăn chính là khi đứa trẻ lớn lên, biết được nguồn gốc của mình thì liệu có bỏ họ để tìm về với cha mẹ đẻ không. Trớ trêu rằng, việc được biết về nguồn gốc lại là một trong những quyền của người con nuôi.

Nếu bố mẹ nuôi chăm sóc, nuôi dưỡng con nuôi với trách nhiệm và tình cảm như chính con mình đẻ ra thì khỏi lo đứa trẻ sau này sẽ mặc cảm
Nếu bố mẹ nuôi chăm sóc, nuôi dưỡng con nuôi với trách nhiệm và tình cảm như chính con mình đẻ ra thì khỏi lo đứa trẻ sau này sẽ mặc cảm

Lo từ thủ tục lo đi…

Hai vợ chồng chị Trịnh Minh H. (Bắc Ninh) đã chung sống với nhau được khoảng 10 năm, nhưng do hồi nhỏ chồng chị Hoa mắc một căn bệnh khiến anh không thể có con nên đến nay trong ngôi nhà của hai anh chị vẫn vắng bóng tiếng trẻ thơ. Anh chị rất muốn nhận con nuôi song lại lo không biết pháp luật có thay đổi những quy định nào không khi mới đây Quốc hội đã ban hành Luật Nuôi con nuôi. 

Tìm hiểu, anh chị thấy rằng so với trước đây, Luật Nuôi con nuôi đã quy định rất cụ thể về điều kiện đối với người nhận con nuôi. Luật yêu cầu phải có đủ cả 4 điều kiện, bao gồm có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; hơn con nuôi từ hai mươi tuổi trở lên; có tư cách đạo đức tốt; có điều kiện thực tế bảo đảm việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi. Tự cho mình đảm bảo được các điều kiện trên, anh chị đến Sở Tư pháp để đăng ký nhu cầu nhận con nuôi và ngày ngày hồi hộp đợi “tin vui” từ Sở Tư pháp. Bởi lúc nào có trẻ em thì Sở Tư pháp mới giới thiệu đến UBND cấp xã nơi trẻ em đó thường trú để xem xét, giải quyết cho anh chị.

Cũng có nguyện vọng nhận con nuôi song chị Huỳnh Thị Tr. (Hà Nội) đã “nhanh chân” hơn là đã nộp hồ sơ đăng ký việc nuôi con nuôi tại UBND cấp xã nơi chị đang thường trú. Hồ sơ chị đã hoàn thành hết các loại giấy tờ, từ đơn xin nhận con nuôi; bản sao giấy chứng minh nhân dân; phiếu lý lịch tư pháp; văn bản xác nhận tình trạng hôn nhân; giấy khám sức khỏe; văn bản xác nhận hoàn cảnh gia đình, tình trạng chỗ ở, điều kiện kinh tế do UBND cấp.

Tuy nhiên, nộp hồ sơ xong xuôi đâu đấy, tự dưng không hiểu nghe ai xui khiến giờ chị lại chỉ muốn một mình chồng đứng tên xin con nuôi. Có điều chị không chắc như thế nguyện vọng của chị sẽ được giải quyết ra sao bởi Luật không nêu rõ. Trong khi đó, quy định trước đây là trong đơn xin nhận con nuôi phải có xác nhận của cơ quan đơn vị nơi người nhận nuôi công tác (đối với cán bộ, công chức, người lao động, lực lượng vũ trang) hoặc UBND cấp xã nơi cư trú của người nhận nuôi (đối với nhân dân), nếu có vợ hoặc chồng thì phải có chữ ký của cả vợ và chồng.

Quyền được biết về nguồn gốc

Tuy nhiên, sự lo lắng trên hết của những ông bố, bà mẹ muốn nhận con nuôi lại là sợ rằng đứa trẻ sẽ mặc cảm khi biết mình là con nuôi hoặc tệ nữa là nó sẽ tìm cách quay về với bố mẹ đẻ. Đấy chính là chia sẻ của vợ chồng chị H.

Hay như trường hợp của chị Dương Thị Hải Y. hiện đang sinh sống tại Hải Phòng. Tuổi chị Y. đã tương đối cao và chị muốn nhận một cháu bé từ khoảng 6 tháng tuổi đến 1 tuổi tại Trung tâm Bảo trợ xã hội trẻ em tỉnh Hà Nam. Nhưng chị rất hy vọng cháu sau này được coi như những đứa trẻ khác, không bị mang tiếng là con nuôi nên rất mong hồ sơ của chị phải được giữ kín và đặc biệt là không cho con nuôi biết nguồn gốc của mình.

Về vấn đề bảo mật, các bố mẹ nuôi hãy yên tâm rằng pháp luật luôn khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người nhận nuôi con nuôi. Căn cứ Nghị định số 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch thì trong trường hợp có người nhận trẻ làm con nuôi, cán bộ hộ tịch căn cứ vào quyết định nhận nuôi con nuôi để ghi tên cha, mẹ nuôi vào phần ghi về cha mẹ trong sổ đăng ký khai sinh và giấy khai sinh của con nuôi; trong cột ghi chú của sổ đăng ký khai sinh phải ghi rõ cha, mẹ nuôi, nội dung ghi chú này phải được giữ bí mật, chỉ những người có thẩm quyền mới được tìm hiểu (nghĩa là trong giấy khai sinh, không ghi trẻ là con  nuôi hay con đẻ mà chỉ có phần ghi chú trong sổ do cán bộ hộ tịch giữ mới có thông tin này – PV)

Tuy nhiên, Luật Nuôi con nuôi cũng nhấn mạnh: “Con nuôi có quyền được biết về nguồn gốc của mình”. Trên thực tế, nếu bố mẹ nuôi chăm sóc, nuôi dưỡng con nuôi với trách nhiệm và tình cảm như chính con mình đẻ ra thì khỏi lo đứa trẻ sau này sẽ mặc cảm vì là con nuôi của mình và dân gian cũng có câu “cha sinh không bằng mẹ dưỡng”.

Những người sau đây không được nhận con nuôi:

a) Đang bị hạn chế một số quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên;

b) Đang chấp hành quyết định xử lý hành chính tại cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh;

c) Đang chấp hành hình phạt tù;

d) Chưa được xoá án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của người khác; ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình; dụ dỗ; ép buộc hoặc chứa chấp người chưa thành niên phạm pháp; mua bán; đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em.

(trích Điều 14 Luật Nuôi con nuôi năm 2010)

Bảo đảm quyền được biết về nguồn gốc

1. Con nuôi có quyền được biết về nguồn gốc của mình. Không ai được cản trở con nuôi được biết về nguồn gốc của mình.

2. Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện cho con nuôi là người Việt nam ở nước ngoài về thăm quê hương, đất nước.

(Điều 11 Luật Nuôi con nuôi năm 2010)

Thục Quyên

Đọc thêm