Muốn người dân sử dụng xe buýt: Xe an toàn, người văn minh

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Theo chỉ đạo của Chính phủ, một số thành phố lớn sẽ hướng tới việc hạn chế hoặc dừng hoạt động của xe máy trên một số địa bàn sau năm 2030. Do vậy, việc phát triển hạ tầng công cộng và định hướng cho người dân di chuyển bằng phương tiện công cộng, trong đó có xe buýt là điều tất yếu. Để có được điều này đòi hỏi xe buýt không chỉ thuận tiện mà còn phải đảm bảo an toàn.
Muốn giảm phương tiện cá nhân, cần khuyến khích người dân dùng phương tiện công cộng. (Ảnh minh họa)
Muốn giảm phương tiện cá nhân, cần khuyến khích người dân dùng phương tiện công cộng. (Ảnh minh họa)

Bất cập về tính an toàn

“Hung thần trên đường phố” là cái tên không mấy thiện cảm mà rất nhiều người dân đã dùng để chỉ phương tiện xe buýt khi tham gia giao thông. Bằng chứng là có rất nhiều video, hình ảnh được người dân chia sẻ trên mạng xã hội, hoặc phản ánh đến các cơ quan truyền thông về việc những xe buýt ra vào bến đỗ cẩu thả, đột ngột rẽ hướng, tạt đầu, chèn ép các phương tiện khác, vượt đèn đỏ, phóng nhanh vượt ẩu… Trong khi đó, dường như cơ quan chức năng chưa xử lý triệt để vi phạm của tài xế xe buýt.

Gần đây, ngày 5/5, vụ tai nạn giao thông xảy ra trên đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân, Hà Nội) giữa một xe buýt và một xe máy làm người điều khiển xe máy tử vong khiến cho nhiều người một lần nữa băn khoăn về tính nguy hiểm của xe buýt khi phóng nhanh, chuyển hướng đột ngột trong đô thị…

Ở một phương diện khác, chính hành khách trên xe buýt cũng đứng trước nguy cơ mất an toàn. Chị Trần Phương Thảo (trú tại quận Thanh Xuân, Hà Nội) nêu ý kiến: “Đi xe buýt tôi sợ nhất những tài xế lái nhanh và hay phanh gấp. Mỗi lần xe phanh vào điểm đón hay dừng đèn đỏ, nếu không bám chắc là sẽ bị đổ nhào về phía trước. Những giờ cao điểm, trên xe đông người mà không có đủ chỗ bám thì khách rất dễ mất thăng bằng khi xe thay đổi tốc độ đột ngột”.

Nhiều chuyên gia đã nhận định, theo thiết kế của xe buýt, đa số hành khách sẽ đứng và ghế ngồi không có dây an toàn. Nếu tài xế lái xe nhanh thì nguy cơ mất an toàn cho hành khách ở trên xe là rất lớn, nhất là đối với những tuyến buýt liên tỉnh…

Theo quy định tại Thông tư số 31/2019/TT-BGTVT, tốc độ tối đa cho phép của ô tô buýt trên đường bộ trong khu vực đông dân cư là 60km/h đối với đường đôi (có dải phân cách giữa), đường một chiều có từ 2 xe cơ giới trở lên; Đối với đường hai chiều không có dải phân cách ở giữa, đường một chiều có một làn xe cơ giới là 50km/h. Nếu ở ngoài khu vực đông dân cư, tốc độ tối đa cho phép của ô tô buýt có thể lên tới 70km/h, còn trên đường cao tốc, xe buýt thậm chí có thể được có tốc độ tối đa tới 120km/h.

Với tốc độ cao như vậy, rõ ràng, những mối nguy hiểm từ xe buýt có thể xảy ra bất cứ lúc nào, nếu một trong hai phía, tài xế xe buýt hoặc phương tiện xung quanh không tuân thủ quy tắc đảm bảo an toàn giao thông. Các xe buýt không được trang bị đầy đủ thiết bị an toàn, hành khách sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro. Chính vì thế, đa số ý kiến đang đề xuất rằng, cần có quy định giới hạn tốc độ của loại phương tiện này thấp hơn các loại phương tiện chở khách khác nhằm đảm bảo an toàn cho cả người đi đường và hành khách trên xe.

Đừng xem nhẹ văn hóa xe buýt

Muốn khuyến khích người dân đi xe buýt nhiều hơn để giảm phụ thuộc vào phương tiện cá nhân thì yếu tố an toàn phải được đặt lên hàng đầu. Nhưng yếu tố quan trọng không kém là phải được xây dựng được văn hóa đi xe buýt.

Hiện nay, các chuẩn mực về văn hóa tham gia giao thông bằng xe buýt đều hướng tới xây dựng môi trường an toàn, ứng xử văn minh cho hành khách cũng như nhân viên xe buýt. Trước hết, xe buýt nên hoạt động trên tinh thần hài lòng hành khách. Tài xế không thể biện lý do áp lực, sợ trễ chuyến mà phóng nhanh, vượt ẩu hay có những hành vi thiếu văn hóa với hành khách. Không ít trường hợp hành khách đi xe buýt đã phàn nàn về thái độ thiếu văn minh của phụ xe và lái xe, tạo ấn tượng xấu đối với dư luận về việc di chuyển bằng xe buýt. Để khắc phục điều này, các nhà xe đều có đường dây nóng để hành khách có thể phản ánh những trường hợp có thái độ, hành xử không đúng mực. Dù vậy, hiệu quả xử lý vẫn chưa cao khiến nhiều hành khách không khỏi “ngán ngẩm”.

Tiếp theo đó, để tạo dựng môi trường văn minh, an toàn khi lưu thông bằng xe buýt không chỉ cần sự chỉn chu, chuẩn mực của đội ngũ nhân viên lái xe, phụ xe mà còn phải xuất phát từ chính ý thức, văn hóa của hành khách. Văn hóa giao thông của hành khách ngày nay cũng cần được quan tâm từ việc dừng chờ đúng vị trí, tuân thủ thứ tự và nhường nhịn, giúp đỡ những người khó khăn trên mỗi chuyến đi; hành khách thực hiện nội quy quy định khi đi xe buýt, không làm ảnh hưởng đến hành khách khác…

Đọc thêm