Theo Reuters, tuyên bố trên được ông Carter đưa ra tại cuộc họp báo chung sau hội đàm với người đồng cấp Ấn Độ Manohar Parrikar nhân chuyến thăm của ông tới New Delhi. “Chúng tôi đã nhất trí về nguyên tắc rằng tất cả các vấn đề sẽ được giải quyết. Hiện giờ, chúng tôi cần phải hoàn tất bản dự thảo thỏa thuận” – Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho biết. Theo ông Carter, dự thảo thỏa thuận dự kiến sẽ hoàn tất trong ít tuần nữa.
Thỏa thuận hỗ trợ hậu cần nói trên cho phép quân đội Mỹ và Ấn Độ sử dụng các căn cứ không quân, hải quân và trên đất liền của nhau để thực hiện các hoạt động tiếp nhiên liệu, sửa chữa và nghỉ ngơi. AP dẫn lời các quan chức quốc phòng Mỹ nói rằng thỏa thuận này khi được ký kết sẽ giúp quân đội Mỹ và Ấn Độ phối hợp tốt hơn trong các cuộc tập trận, đối phó với thiên tai và các tình huống khẩn cấp khác cũng như cho phép Mỹ dễ dàng bán nhiên liệu hay cung cấp các thiết bị, phụ tùng quân sự cho Ấn Độ.
Ngoài thỏa thuận nói trên, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Carter cho biết thêm rằng nước này và Ấn Độ cũng sẽ sớm hoàn tất một thỏa thuận thứ 2 nhằm cải thiện việc trao đổi thông tin về hoạt động của các tàu thương mại nhằm tăng cường an ninh trên biển. Tuy nhiên, Ấn Độ và Mỹ vẫn chưa đạt được nhiều tiến bộ trong các chương trình khác như hợp tác để phát triển động cơ máy bay và công nghệ tàu sân bay.
Trong chuyến thăm Ấn Độ diễn ra tháng 6 năm ngoái, ông Carter và ông Parrikar đã ký một thỏa thuận quốc phòng nhằm thúc đẩy nỗ lực cải thiện quan hệ trên mọi mặt giữa 2 nước. Ngoài ra, cũng trong chuyến thăm này, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng đã loan báo một chương trình nghiên cứu chung trị giá 1 triệu USD nhằm thực hiện các dự án được xem là nền móng của việc hợp tác giữa 2 nước trong tương lai.
Các chuyến thăm liên tiếp của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tới Ấn Độ diễn ra trong lúc Washington đang đẩy mạnh chính sách chuyển trọng tâm chiến lược tới khu vực châu Á và tìm cách đối trọng với Trung Quốc. Mỹ hiện mong muốn Ấn Độ đóng một vai trò lớn hơn trong mạng lưới các liên minh quốc phòng của Mỹ với khu vực.
Về phía Ấn Độ, theo Reuters, chính quyền của Thủ tướng Narendra Modi cũng muốn tiếp cận công nghệ của Mỹ nhằm phục vụ chiến lược “Make in India” do ông Modi khởi xướng, phục vụ mục đích xây dựng một cơ sở công nghiệp quốc phòng nội địa cũng như cắt giảm các chi phí nhập khẩu vũ khí tốn kém.
Ấn Độ trong thời gian qua cũng đã có những chỉ dấu cho thấy mong muốn xích lại gần hơn với Mỹ trong bối cảnh nước này phải đối mặt với việc Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng ở biển Đông và Ấn Độ Dương thể hiện qua các động thái đẩy mạnh các hoạt động xây dựng phi pháp ở biển Đông và vung tiền “ve vãn” các nước ở khu vực Ấn Độ Dương như Maldives hay Sri Lanka. Bản thân ông Modi cũng đã công khai chỉ trích “tư tưởng bành trướng” của Trung Quốc.