Mỹ cấm sử dụng phần mềm chống virus của công ty an ninh mạng Nga

(PLO) - Mỹ đã ban hành lệnh cấm sử dụng phần mềm an ninh mạng của công ty an ninh mạng Kaspersky Lab của Nga vì lo ngại rằng công ty này có liên quan đến các chương trình gián điệp. 
Mỹ cấm sử dụng phần mềm virus của công ty an ninh mạng Nga Kaspersky Lab
Mỹ cấm sử dụng phần mềm virus của công ty an ninh mạng Nga Kaspersky Lab

Ban hành lệnh cấm

Theo tờ Theguardian, Bộ An ninh Nội địa Mỹ (DHS) đã đưa ra một chỉ thị, kêu gọi các phòng ban, các cơ quan xác định lại việc sử dụng phần mềm chống virus của Kaspersky, từ đó lập kế hoạch để loại bỏ, sau đó triển khai thay thế bằng giải pháp khác trong vòng 3 tháng. Động thái này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Nga gia tăng do những cáo buộc Moskva can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016.

Ngoài ra, yêu cầu được ban hành một vài tháng sau khi Cơ quan Quản trị các Dịch vụ Thông dụng (GSA) chịu trách nhiệm việc mua trang thiết bị cho chính phủ đã loại Kaspersky ra khỏi danh sách nhà cung ứng. Lý do GSA đưa ra là những lỗ hổng trong chương trình của Kaspersky có thể giúp điện Kremlin truy cập vào hệ thống được công ty bảo vệ. GSA cho rằng, quyết định nhằm “bảo đảm tính toàn vẹn và an toàn cho hệ thống và mạng lưới trực tuyến của Chính phủ Mỹ”.

“Vụ việc gây quan ngại cho Mỹ, khi Chính phủ Nga có thể yêu cầu phía công ty Kaspersky hỗ trợ cơ quan tình báo do thám theo luật của Nga. Chính phủ Nga, dù tự mình hành động hay phối hợp với Kaspersky, có thể lợi dụng việc truy cập thông qua các sản phẩm của Kaspersky nhằm xâm nhập các hệ thống thông tin và thông tin liên bang trực tiếp tác động đến an ninh quốc gia Mỹ”, bà Elaine Duke, Quyền Bộ trưởng DHS cho hay. 

Theo các viên chức Mỹ, có ít nhất nửa tá cơ quan sử dụng chương trình bảo mật của Kaspersky, và thậm chí có thể còn có một số hệ thống khác nơi Giám đốc an ninh mạng trực tuyến không biết đang dùng Kaspersky. Trong khi đó, các phần mềm của Kaspersky Lab thường có quyền truy cập vào mọi tệp trên máy tính để bảo vệ và thường xuyên gửi những bản cập nhật mới nhất, đây được cho là tính năng điển hình của phần mềm chống virus. Cụ thể hơn, điều này có nghĩa là phần mềm này có thể truy cập từ cửa sau để lấy thông tin nhạy cảm từ các trang mạng của Chính phủ Mỹ. 

Kaspersky Lab phủ nhận cáo buộc

Đặt trụ sở ở Moskva, Kaspersky đã bán phần mềm chống virus của mình ra khắp thế giới trong vòng 2 thập niên qua. Trở thành một trong những công ty phần mềm chống virus lớn nhất và lâu đời nhất trên thế giới với khoảng 400 triệu cá nhân và 270.000 người dùng doanh nghiệp trên toàn cầu. 

Từ trước tới nay, Kaspersky Lab luôn không có mối quan hệ gần gũi với bất kỳ chính phủ nào, đó là lý do tại sao không có bất kỳ bằng chứng đáng tin cậy hay những cáo buộc sai trái từ bất kỳ ai hoặc bất kỳ tổ chức nào đối với công ty này. 

Phía Công ty Kaspersky Lab cũng phủ nhận mọi cáo buộc và khẳng định rằng đang bị lôi vào cuộc chiến địa chính trị  giữa Mỹ và Nga và đang bị đối xử bất công mặc dù công ty chưa bao giờ giúp đỡ cho bất kỳ chính phủ nào trên thế giới thông qua không gian mạng. 

Kaspersky Lab cũng nhấn mạnh rằng hơn 85% doanh thu của công ty đến các nguồn khác nhau chứ không phải Nga. Trong năm 2016, tổng doanh thu của Kaspersky là 644 triệu USD. Vì vậy, chẳng có lý do nào để Kaspersky dính líu tới bất kỳ chính phủ nào, để từ đó tự gây bất lợi cho mình. Nhà sáng lập kiêm CEO Eugene Kaspersky cho biết ông sẵn lòng cho Chính phủ Mỹ trực tiếp kiểm tra mã nguồn phần mềm của Kaspersky và nhiều lần đề nghị điều này, nhưng vẫn chưa được cho cơ hội.

Vẫn bị nghi ngờ

Không chỉ lần này, trước đó hồi tháng 7, Thượng viện Mỹ đang xem xét một đề xuất cấm quân đội nước này sử dụng các phần mềm bảo mật Kaspersky Lab. Các nhà chức trách Mỹ cũng đã cho rằng, việc sử dụng các sản phẩm của công ty phần mềm bảo mật đóng trụ sở tại Moskva có thể khiến họ dễ phải hứng chịu các tác động từ Chính phủ Nga. Đề xuất cấm quân đội Mỹ sử dụng phần mềm Kaspersky được đưa vào dự thảo các quy định ngân sách của Bộ Quốc phòng Mỹ. Tuy nhiên, phía Công ty Kaspersky Lab vẫn khẳng định sẵn sàng hỗ trợ Chính phủ Mỹ điều tra và tin kết quả điều tra kỹ lưỡng sẽ chứng minh các cáo buộc chống lại họ là vô căn cứ.

Dù luôn chứng minh mình không liên quan đến bất kỳ chính phủ nào, nhưng cộng đồng tình báo Mỹ đã từ lâu vẫn luôn cho rằng Kaspersky có quan hệ với Chính phủ Nga. Nhà sáng lập Kaspersky Lab tốt nghiệp từ một trường mật mã được KGB bảo trợ và từng làm việc trong ngành tình báo quân đội Nga. Trong những tháng gần đây, mối quan ngại về sản phẩm bảo mật của Kaspersky được dùng để thu thập thông tin cho cơ quan Mật vụ Nga ngày càng tăng.

An ninh mạng hiện đã trở thành một chủ đề nóng ở Washington. Các lo ngại ngày càng gia tăng sau hàng loạt vụ rò rỉ email trong chiến dịch vận động tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2016, các cáo buộc hacker Nga là thủ phạm cũng như nhiều vụ tấn công của tội phạm công nghệ cao vào các cơ quan chính phủ và doanh nghiệp. Hồi tháng 5 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký một sắc lệnh về an ninh mạng, yêu cầu các cơ quan chính phủ nước này phải hiện đại hóa và tăng sức mạnh cho các hệ thống máy tính của họ.