Là mối đe dọa cấp bách
Theo Reuters dẫn lời ông Jim Mattis trong một tuyên bố gửi tới Ủy ban quân vụ Hạ viện Mỹ, hiện nay chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên là một mối nguy hiểm rõ ràng và hiện hữu đối với tất cả các nước. Các hành động khiêu khích, trái với luật pháp quốc tế của Bình Nhưỡng không những không giảm bớt mà ngày càng gia tăng mạnh mẽ bất chấp sự phê bình và trừng phạt của Liên hợp quốc (LHQ). Cho đến nay, Bình Nhưỡng không những vẫn tiếp tục theo đuổi vũ khí hạt nhân mà tốc độ, phạm vi phát triển của nó cũng ngày càng mạnh mẽ.
Phát biểu trước Quốc hội, ông Mattis cũng cảnh báo về những tổn thất tiềm tàng khi xung đột với Triều Tiên, đồng thời cũng cảnh báo về sự quay trở lại của “cuộc cạnh tranh đại sức mạnh”, khi những nước như Nga và Trung Quốc ngày càng quyết đoán về quân sự, khiến trật tự an ninh toàn cầu gặp rủi ro.
Cùng ngày, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Thomas Shannon cho biết chương trình tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) và hạt nhân của Triều Tiên sẽ đưa quốc gia này trở thành một mối đe dọa toàn cầu nếu chương trình này thành công.
Trong những tháng qua, Triều Tiên đã đạt bước tiến vượt bậc trong chương trình tên lửa tầm xa. 4 loại vũ khí mới đã được thử nghiệm, bao gồm cả một tên lửa đạn đạo tầm ngắn siêu chính xác. Loại tên lửa đạn đạo tầm trung mới của Triều Tiên được cho là đủ khả năng đánh trúng căn cứ Mỹ tại Guam, uy lực tên lửa mạnh đến mức xuyên thủng tàu chiến cũ rồi mới phát nổ. Người ta lo ngại rằng, loại siêu tên lửa ICBM này của Triều Tiên sẽ sớm “gõ cửa” nước Mỹ trong tương lai gần.
Không trì hoãn phát triển vũ khí hạt nhân dù bị gây sức ép
Có thể nói, những bình luận trên được đưa ra trong bối cảnh Triều Tiên thời gian gần đây liên tục phóng thử tên lửa đạn đạo. Giới chuyên gia cảnh báo, Triều Tiên đã đạt được bước tiến đáng kể trong chương trình phát triển tên lửa đạn đạo, khiến cho bối cảnh trên bán đảo Triều Tiên ngày càng leo thang căng thẳng.
Trước tình hình trên, Mỹ đã điều động các nhóm tàu chiến tới sát bán đảo Triều Tiên trong một động thái được cho là nhằm phô diễn sức mạnh, gây sức ép với Bình Nhưỡng. Bản thân Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng cảnh báo một “cuộc xung đột lớn” với Triều Tiên hoàn toàn có thể xảy ra, song chính quyền của ông vẫn ủng hộ các giải pháp ngoại giao hòa bình.
Hồi đầu tháng này, Hội đồng Bảo an LHQ đã mở rộng các biện pháp trừng phạt nhằm vào Triều Tiên sau khi nước này nhiều lần tiến hành thử tên lửa, đồng thời thông qua nghị quyết của Mỹ và Trung Quốc về việc trừng phạt mới đối với Triều Tiên, mở rộng “danh sách đen” các cá nhân và tổ chức liên quan đến chương trình hạt nhân và tên lửa của nước này.
Tuy nhiên ngay sau đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Triều Tiên "phản pháo" lại rằng: “Lệnh cấm vận là hành động thù địch với chương trình hạt nhân Triều Tiên, tạo ra cuộc khủng hoảng kinh tế. Dù sức ép và cấm vận lớn đến mức nào, Triều Tiên vẫn kiên định trên con đường xây dựng lực lượng hạt nhân, để bảo vệ chủ quyền và lợi ích của đất nước”.
Có thể nói, dưới thời nhà lãnh đạo Kim Jong-un, Triều Tiên đang tiến hành các vụ thử tên lửa với một tốc độ khó lường trong một nỗ lực nhằm phát triển khả năng tên lửa đạn đạo liên lục địa tấn công Mỹ.