Theo AFP, đại sứ quán của Mỹ tại Havana vốn đã hoạt động với số lượng nhân viên cầm chừng kể từ tháng 9/2017, khi các nhà ngoại giao và các thành viên trong gia đình của họ được lệnh rời đi sau khi nhiều người được cho là gặp phải vấn đề bí ẩn về sức khỏe.
Lệnh rời đi của các nhân viên này lẽ ra sẽ hết hạn vào ngày 3/3. Tuy nhiên, thay vì đưa nhân viên lại với số lượng như trước đây, Bộ Ngoại giao Mỹ đã thông báo tòa đại sứ nay là một “cơ sở không người túc trực”. Điều này có nghĩa là các nhà ngoại giao sẽ không được phép dọn đến ở đó với người nhà của mình.
“Đại sứ quán sẽ tiếp tục hoạt động với số lượng nhân sự tối thiểu cần thiết để thực hiện những chức năng ngoại giao và lãnh sự cơ bản, tương tự với lượng nhân viên khẩn đã được duy trì trong thời gian áp dụng tình trạng rời đi”, Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay.
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đã quyết định tiếp tục duy trì cảnh báo đi lại tới Cuba, theo đó cho rằng du khách Mỹ có thể có nguy cơ bị “tấn công sức khỏe” một cách bí ẩn.
Theo các nhà quan sát, quyết định nói trên của Mỹ sẽ phủ bóng đen lên quan hệ giữa nước này và Cuba.
Bên cạnh đó, quyết định này cũng sẽ gây tổn hại tới các gia đình Mỹ gốc Cuba bị chia cắt bởi Eo biển Florida trong bối cảnh họ đã phải chật vật để xin visa qua lại thăm nhau kể từ khi Mỹ lần đầu cắt giảm nhân viên đại sứ quán vào tháng 9.
Động thái của Mỹ được tiến hành sau “những vụ tấn công” bí ẩn mà theo phía Mỹ đã khiến hơn hai chục nhân viên bị mất thính lực, chóng mặt và mệt mỏi.
Chính quyền Tổng thống Donald Trump hồi năm 2017 cũng đã trục xuất 17 nhà ngoại giao Cuba trú tại Mỹ vì vụ việc này.
Ngược lại, Cuba và một số nhà phân tích nói rằng chính quyền Đảng Cộng hòa của ông Trump đang sử dụng các vụ việc được cho là liên quan tới sức khỏe để biện minh cho việc xóa bỏ chính sách hòa hoãn được khởi sự vào năm 2014 bởi cựu Tổng thống Đảng Dân chủ Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro.