Mỹ, Hàn Quốc tập trận tên lửa 'dằn mặt' Triều Tiên

(PLO) - Mỹ và Hàn Quốc ngày 5/7 đã bắn nhiều tên lửa ra biển Nhật Bản trong một động thái được cho là để phát đi thông điệp cứng rắn tới Bình Nhưỡng sau vụ thử tên lửa được nhà lãnh đạo Kim Jong-Un miêu tả là một món quà cho Mỹ diễn ra 1 ngày trước đó.
Tên lửa chiến thuật MGM-140 của Mỹ được phóng đi từ Hàn Quốc
Tên lửa chiến thuật MGM-140 của Mỹ được phóng đi từ Hàn Quốc

Theo CNN, Triều Tiên ngày 4/7 tuyên bố đã thử thành công một tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) mà theo truyền thông nhà nước nước này thì tên lửa đã đạt độ cao 2.802km, là mức cao nhất mà tên lửa của Bình Nhưỡng từng đạt được. Truyền thông Triều Tiên tuyên bố, với vụ thử thành công vừa qua, Bình Nhưỡng hiện đã có đủ năng lực để tấn công vào nước Mỹ bằng đầu đạn hạt nhân.

Giới chức Mỹ ngày 5/7 cũng xác nhận tên lửa mà Bình Nhưỡng đã thử 1 ngày trước đó là một ICBM. Trong một tuyên bố chung do Nga và Trung Quốc đưa ra sau vụ việc, 2 nước này tiếp tục kêu gọi Triều Tiên dừng các chương trình hạt nhân và tên lửa để đổi lấy việc Mỹ và Hàn Quốc dừng các cuộc tập trận quân sự quy mô lớn chung trong tương lai.

Tuy nhiên, chỉ ít giờ sau tuyên bố nói trên, Mỹ và Hàn Quốc đã thông báo tiến hành cuộc tập trận tên lửa đạn đạo mới để đáp trả những hành động bất hợp pháp và gây bất ổn của Triều Tiên. Hãng tin Yonhap dẫn thông báo của JCS cho biết, trong số các tên lửa Mỹ và Hàn Quốc đã phóng đi có tên lửa Hyunmoo-2 của Hàn Quốc và tên lửa chiến thuật MGM-140 ATACMS của Mỹ. Các tên lửa này được phóng đi từ bờ biển Hàn Quốc về phía biển Nhật Bản.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Dana White trong một tuyên bố nói rằng cuộc tập trận mới nhất của Mỹ và Hàn Quốc được tiến hành nhằm phô diễn sức mạnh tên lửa của 2 nước này. Còn theo Hội đồng tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JCS), vụ thử tên lửa của 2 Mỹ và Hàn Quốc cho thấy năng lực tấn công chính xác vào các cơ quan đầu não của kẻ thù trong trường hợp khẩn cấp.

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson trong một tuyên bố được đưa ra vài giờ trước cuộc tập trận miêu tả vụ thử ICBM của Triều Tiên là một hành động leo thang mới, đồng thời cho rằng cần phải có một hành động mang tính toàn cầu để ngăn chặn Triều Tiên.

CNN cho rằng phản ứng đối lập của Trung Quốc, Nga và Mỹ, Hàn Quốc đã cho thấy sự chia rẽ về mặt ngoại giao trong cách thức đối phó với Triều Tiên của các nước này. Bất đồng về cách đối phó với Triều Tiên được cho là sẽ làm phức tạp thêm các cuộc thảo luận tại LHQ về vấn đề này. 

Ngay trong ngày 5/7, Hội đồng bảo an LHQ tiến hành họp khẩn về vụ thử tên lửa mới nhất của Bình Nhưỡng. Cuộc họp diễn ra 1 ngày sau khi Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres lên án động thái của Triều Tiên là một hành động leo thang nguy hiểm.

Theo AFP, vụ thử tên lửa ngày 4/7 đã đặt một cộc mốc trong nỗ lực phát triển vũ khí có thể tấn công tới Mỹ kéo dài suốt 1 thập kỷ qua của Bình Nhưỡng, đồng thời đặt ra những thách thức to lớn trong chính sách đối ngoại của Tổng thống Mỹ Donald Trump. 

Tổng thống Mỹ hồi tháng 1 vừa qua nói rằng việc Triều Tiên thử tên lửa ICBM sẽ không diễn ra, nhưng các chuyên gia độc lập hiện nay cho rằng với diễn biến mới nhất, việc tên lửa Triều Tiên có thể tới Alaska hay thậm chí tiến vào sâu hơn trong đất liền của Mỹ là điều hoàn toàn có thể xảy ra. 

Còn New York Times nhận định, bước tiến kỹ thuật mới nhất của Triều Tiên đã cho thấy tình trạng tiến thoái lưỡng nan mà ông Trump và đội ngũ an ninh quốc gia của ông phải đối mặt trong tương lai. Theo tờ báo này, việc tên lửa của Triều Tiên có khả năng chạm tới Mỹ như cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ William J. Perry mới đây nhận xét, sẽ thay đổi mọi tính toán.

Lo ngại ở đây không phải là việc Triều Tiên thực hiện một cuộc tấn công phủ đầu vào nước Mỹ vì động thái như vậy chẳng khác nào tự tử mà vấn đề là với việc Triều Tiên có thể tấn công tới Mỹ sẽ định hình mọi quyết định mà ông Trump và những người kế nhiệm có thể đưa ra để bảo vệ các đồng minh của Mỹ trong khu vực. Những lựa chọn của ông Trump tới đây là rất ít và cũng rất mạo hiểm, theo New York Times. 

Đọc thêm