Mỹ: Lãnh đạo quân đội Myanmar phải chịu trách nhiệm với cuộc khủng hoảng Rohingya

(PLO) - Kể từ hôm 25/8, hơn 1 nửa triệu người Rohingya lại tiếp tục chạy trốn khỏi bang Rakhine sang Bangladesh. Tình trạng hỗn loạn khi một số phần tử Hồi giáo người Rohingya tấn công các trụ sở cảnh sát Myanmar, từ đó gây ra các cuộc xung đột làm ít nhất 110 người thiệt mạng.
Người Rohingya vượt biên giới qua sông Naf tại Teknaf, Bangladesh. Ảnh: Reuters

Bạo lực đã khiến hàng chục nghìn người Rohingya, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, tìm cách vượt biên sơ tán sang lãnh thổ nước láng giềng Bangladesh. Những người chạy trốn cáo buộc các lực lượng quân đội đã đốt phá làng mạc, giết người và hãm hiếp. Trước tình hình trên, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cho biết, Mỹ yêu cầu lãnh đạo quân đội của Myanmar phải có trách nhiệm trước cuộc khủng hoảng người tị nạn Rohingya. 

Theo AFP dẫn lời ông Tillerson, “chúng tôi cực kỳ quan tâm đến những gì đang xảy ra đối với người Rohingya và yêu cầu lãnh đạo quân đội nước này phải chịu trách nhiệm với những gì đang diễn ra. Thế giới sẽ không đứng yên và sẽ là nhân chứng cho những hành động tàn ác đang xảy ra đối với người Rohingya”.

Ông Tillerson nói rằng Washington hiểu rằng Myanmar đang phải đối mặt với những phần tử khủng bố nghiêm trọng ở Rakhine, nhưng quân đội cũng phải theo kỷ luật và phải “kiềm chế” những hành động của mình. Không những thế, Chính phủ Myanmar và các lực lượng chức năng cần phải tiếp cận đầy đủ hơn để trợ giúp dân thường và cho thế giới nhìn thấy “một bức tranh toàn cảnh đầy đủ về những gì đang diễn ra”.

Trong diễn biến có liên quan, ngày 16/10, Liên minh châu Âu (EU) khẳng định những đối tượng gây ra tội ác nhằm vào người Hồi giáo Rohingya ở Mynamar phải được đưa ra trước công lý, đồng thời cho biết EU đang xem xét lại việc hợp tác quốc phòng với Myanmar do tình trạng bạo lực này. Các ngoại trưởng EU nêu rõ: “Các lời cáo buộc đáng tin cậy về hành vi vi phạm nhân quyền và các vụ lạm dụng nghiêm trọng, trong đó có các vụ tấn công tàn bạo nhằm vào trẻ em phải được điều tra kỹ lưỡng”. 

Được biết, mới đây Chính phủ Myanmar đã triển khai một dự án nhằm tái thiết các cơ sở hạ tầng bị phá hủy ở khu vực phía Bắc bang Rakhine theo cơ chế của Liên minh Hỗ trợ nhân đạo, tái thiết và phát triển (UEHRD). Dự án UEHRD do bà Aung San Suu Kyi đứng đầu với sự tham gia của các tổ chức tư nhân, các tổ chức phi chính phủ trong nước và các quốc gia láng giềng cùng một số cơ quan của Liên Hợp quốc nhằm hỗ trợ trong mọi lĩnh vực và mọi tầng lớp dân cư trong xã hội. 

Đọc thêm