Theo Reuters, Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược (START) mới được ký năm 2010, giới hạn số lượng đầu đạn hạt nhân chiến lược, tên lửa và máy bay ném bom mà Nga và Mỹ có thể triển khai.
Việc không gia hạn hiệp ước này sẽ xóa bỏ mọi ràng buộc đối với việc triển khai vũ khí hạt nhân chiến lược của Mỹ và Nga cũng như các hệ thống triển khai các vũ khí này, thúc đẩy cuộc chạy đua vũ trang thời hậu Chiến tranh Lạnh và căng thẳng giữa Moscow và Washington.
Phát biểu tại cuộc họp trực tuyến với Hội đồng an ninh Nga được phát trên kênh truyền hình nhà nước, Tổng thống Nga Putin cho rằng hiệp ước nói trên cho đến thời điểm hiện tại đã hoạt động hiệu quả và sẽ “vô cùng đáng buồn” nếu nó ngừng hoạt động.
“Về vấn đề này, tôi đề xuất... gia hạn hiệp ước hiện tại mà không có bất kỳ điều kiện nào trong ít nhất 1 năm để các cuộc đàm phán có ý nghĩa có thể được tiến hành trên tất cả các mặt của các vấn đề...”, ông Putin nói.
Tuy nhiên, theo tờ China Daily, ngay trong ngày 16/10, Nhà Trắng đã từ chối đề xuất của Tổng thống Nga.
Cố vấn An ninh Quốc gia Robert O'Brien của Tổng thống Mỹ Donald Trump trên Twitter cho rằng đề xuất nhằm gia hạn hiệp ước New START mà không đóng băng các đầu đạn hạt nhân mà Tổng thống Nga Putin đưa ra là ý tưởng không có cơ hội thành công.
Ông O'Brien nhắc lại đề xuất của Mỹ về việc gia hạn hiệp ước START mới trong 1 năm, trong đó cả hai nước giới hạn tất cả các đầu đạn hạt nhân, bao gồm cả chiến lược và chiến thuật.
“Chúng tôi hy vọng rằng Nga sẽ đánh giá lại lập trưởng của họ trước khi một cuộc chạy đua vũ trang tốn kém xảy ra”, ông nói thêm.
Nga và Mỹ đã tỏ ra mâu thuẫn trong việc gia hạn hiệp ước mặc dù đã đàm phán vài tháng. Hai nước này cũng đã kêu gọi đưa Trung Quốc vào hiệp ước kiểm soát vũ khí nói trên.
Ngày 14/10, Nga bác bỏ khẳng định của Mỹ rằng hai bên đã đạt được thỏa thuận về nguyên tắc đối với việc gia hạn hiệp ước.