Mỹ: Người nhập cư 'ngồi trên đống lửa'

(PLO) - Chính quyền Mỹ có thể âm thầm phủi bỏ khả năng được làm việc hợp pháp tại Mỹ của hàng trăm ngàn người di dân, hầu hết là phụ nữ, buộc họ phải lui về làm nội trợ hay rời khỏi nước Mỹ. Trong khi đó, tháng 5 tới, tòa phúc thẩm số 9 của Mỹ mới nghe điều trần về phán quyết của một thẩm phán Tòa án liên bang Hawaii đình chỉ thực thi sắc lệnh cấm nhập cảnh sửa đổi của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump...
Mỹ chưa cải cách được hệ thống thẻ xanh có nhiều khuyết điểm
Mỹ chưa cải cách được hệ thống thẻ xanh có nhiều khuyết điểm

Những người di dân này là vợ của những người đến Mỹ làm việc theo visa cấp cho lao động tay nghề cao, mà chính các bà vợ này cũng là lực lượng lao động có kỹ năng cao. Nhiều người trong số họ đã mở các công việc kinh doanh mang lại việc làm cho công dân Mỹ. 

Lo lắng “tiền hậu bất nhất”

Trường hợp của doanh nhân Keerthi Ranjith, 37 tuổi, đang cư trú tại South Riding, Virginia, là một đơn cử. Bà Ranjith đến Mỹ năm 2004, theo diện theo chồng, một kỹ sư phần mềm máy vi tính đến Mỹ bằng visa H-1B. Là một giáo viên, bà Ranjith hiểu rõ nếu sang Mỹ với chồng, ít nhất trong tạm thời, bà phải hy sinh sự nghiệp của mình vì theo quy định, vợ của các lao động nhập cư H-1B không được làm việc ăn lương.

Tuy nhiên, công ty của chồng bà hứa bảo lãnh để ông có được thẻ xanh, có nghĩa là trong vòng một vài năm, cả hai vợ chồng họ đều có công ăn việc làm ở Mỹ. Khi đó, bà có thể dùng kỹ năng chuyên môn của mình kiếm thêm thu nhập cho gia đình đang gia tăng thành viên. 

Theo luật hiện hành, có một hạn ngạch hàng năm về số thẻ xanh đối với mỗi quốc gia và số này đồng đều cho các nước, dù nước đó đông hay ít dân. Cho nên, những người thuộc một nước nhỏ như Lichtenstein có thể nhận được thẻ xanh hầu như ngay lập tức sau khi tiến trình bảo trợ và rà soát hoàn tất, trong khi những người từ các quốc gia đông dân như Ấn Độ và Trung Quốc có thể phải chờ nhiều chục năm.

Bà Ranjith đã chờ đợi mòn mỏi. Ở nhà thì bồn chồn, nhưng không được đi làm, bà tới tình nguyện tại trường học của các con và ấp ủ giấc mơ một ngày nào đó có thể mở một dịch vụ riêng là một trung tâm dạy kèm. Bà chuyển tiếp văn bằng tại Ấn và được cấp giấy dạy học của tiểu bang Virginia. Bà nghiên cứu sách vở và chương trình học, cũng như đi tìm địa điểm. 

Nhiều năm trôi qua, Quốc hội Mỹ đã một vài lần nỗ lực bất thành khi chưa cải cách được hệ thống thẻ xanh có nhiều khuyết điểm. Cuối cùng, chính quyền Obama đưa ra một biện pháp “chữa cháy”: Bắt đầu từ tháng 5/2015, chính quyền loan báo vợ hay chồng của những công nhân có kỹ năng cao, trong thời gian chờ thẻ xanh, sẽ được phép đi làm.

Nhờ đó, sau ngót 11 năm ròng, bà Ranjith được phép làm việc (trong trường hợp của bà, được bắt đầu công việc kinh doanh). Trong vòng một tháng, Ranjith mở Trung tâm giáo dục South Riding, hiện có gần 250 học sinh theo học và bà thuê hơn 15 nhân viên. Thế nhưng nay, bà Ranjith và đội ngũ nhân công của bà có thể bị mất việc.

Tân Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions, từ thời còn là Thượng nghị sĩ, ngoài việc chống cải cách thẻ xanh còn cực lực bác bỏ qui định cho phép những người như bà Ranjith mở công việc kinh doanh. Nay trong tư cách Bộ trưởng Tư pháp, ông có thể bỏ qui định này nhanh chóng và dễ dàng hơn nữa. Một vụ kiện thách thức qui định được đệ lên tòa vào năm 2015, và mới đây đã lên đến tòa phúc thẩm liên bang. Chính quyền ông Trump đã yêu cầu tạm ngưng 60 ngày để “cho phép giới chức lãnh đạo mới có đủ thì giờ cứu xét vấn đề” và thời hạn chót của hai tháng tạm ngưng đó đang cận kề.

Xem xét lệnh cấm nhập cảnh sửa đổi

Trong khi đó, tháng 5 tới, tòa phúc thẩm số 9 của Mỹ sẽ tiến hành phiên điều trần về phán quyết của một thẩm phán Tòa án liên bang Hawaii đình chỉ thực thi sắc lệnh cấm nhập cảnh sửa đổi của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump. 

Trong thông báo ngày 3/4, tòa trên cho biết cuộc điều trần sẽ diễn ra trong tháng 5 và người chủ tọa sẽ được công bố sau. Trước đó, tòa phúc thẩm này đã ủng hộ một phán quyết của thẩm phán tại thành phố Seattle phong tỏa sắc lệnh nhập cảnh đầu tiên của Tổng thống Trump. Đây là động thái mới nhất trong cuộc chiến pháp lý tại Mỹ liên quan tới sắc lệnh nhập cảnh của chính quyền Tổng thống Trump với giới tư pháp các bang. 

Ngày 30/3 vừa qua, chính quyền đã đệ đơn kháng cáo lên Tòa án liên bang Hawaii phản đối phán quyết của Thẩm phán Derrick Watson về việc phong tỏa sắc lệnh cấm nhập cảnh sửa đổi. Ngày 15/3, Thẩm phán Watson ra lệnh đình chỉ thực thi sắc lệnh hạn chế nhập cảnh sửa đổi của Tổng thống Trump, chỉ 1 ngày trước khi sắc lệnh có hiệu lực, với lý do sắc lệnh này phân biệt chủng tộc.

Một ngày sau đó, văn kiện trên tiếp tục vấp phải rào cản pháp lý khi Thẩm phán liên bang Mỹ tại bang Maryland cũng đã quyết định chặn một phần văn kiện với lý do phân biệt tôn giáo đối với người theo đạo Hồi. Hiện Tổng thống Trump cũng đang kháng cáo phán quyết của Thẩm phán bang Maryland. 

Sắc lệnh hạn chế nhập cư mới được Tổng thống Trump ký hôm 6/3 với nhiều điều chỉnh so với sắc lệnh cũ công bố hồi cuối tháng 1. Theo đó, hủy bỏ các lệnh hạn chế nhập cư đối với công dân Iraq, một trong 7 quốc gia nằm trong “danh sách đen” cấm nhập cảnh của sắc lệnh trước đây, cũng như những người có quy chế định cư lâu dài tại Mỹ (tức là sở hữu Thẻ xanh) hoặc đang có thị thực hợp lệ.

Ngoài ra, công dân Syria không còn bị cấm vào Mỹ vô thời hạn như sắc lệnh đầu tiên. Tuy nhiên, giới chức tư pháp các bang của Mỹ cho rằng, dù phạm vi điều chỉnh của sắc lệnh mới đã thu hẹp, nhưng về cơ bản văn kiện này vẫn là một thách thức đối với nền tảng Hiến pháp khi có sự phân biệt đối với một tôn giáo nhất định.

Đọc thêm