Theo AFP, cuộc tập trận Balikatan (Vai kề vai) kéo dài trong vòng 10 ngày tại Philippines là hoạt động quân sự thường niên giữa 2 nước đồng minh lâu năm Mỹ - Philippines. Tuy nhiên, việc cuộc tập trận năm nay có sự tham gia của 12.000 binh sỹ từ cả 2 nước, nhiều gấp đôi so với năm ngoái, được xem là dấu hiệu cho thấy sự mở rộng quan hệ đối tác quân sự giữa 2 nước này.
Ngay sau khi cuộc tập trận Balikatan khai mạc, lực lượng thủy quân lục chiến 2 nước cũng sẽ tiến hành cuộc tập trận đổ bộ tại bãi biển từ một căn cứ hải quân chỉ cách bãi cạn Scarborough mà Philippines có tuyên bố chủ quyền nhưng Trung Quốc (TQ) đã kiểm soát từ năm 2012 khoảng 220km. Cùng với hoạt động tại căn cứ hải quân này, các cuộc tập trận bắn đạn thật và diễn tập phòng chống thiên tai cũng sẽ được tiến hành tại nhiều trại quân sự ở bên ngoài thủ đô Manila.
Cuộc tập trận diễn ra trong lúc Philippines đang tìm kiếm sự ủng hộ mạnh mẽ hơn về mặt quân sự và ngoại giao của Mỹ để đối phó với sự quyết đoán đang gia tăng nhằm khẳng định các tuyên bố chủ quyền vô lý trên biển Đông của TQ. Trong một cuộc phỏng vấn diễn ra hồi tuần trước, Tổng thống Philippines Benigno Aquino nói rằng, quân đội 2 nước sẽ tạo ra sức mạnh răn đe đối với bất cứ kẻ thù nào, có thể là một nước hay các phần tử Hồi giáo cấp tiến.
Cũng trong tuần trước, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario thông báo, Philippines dự kiến sẽ đề nghị Washington giúp đỡ nhiều hơn nữa trong việc kiềm chế TQ. “Chúng tôi ở thời điểm này đã tìm kiếm sự hỗ trợ bổ sung từ TQ để có thể có được vị trí vững chắc hơn, để bảo vệ quan điểm duy trì luật pháp của chúng tôi” – ông Del Rosario cho biết.
Cuộc tập trận diễn ra trong lúc Mỹ cũng đang tìm cách thiết lập lại sự hiện diện quân sự của nước này tại nước vốn là thuộc địa của mình nhằm phục vụ cho chiến lược chuyển trọng tâm chiến lược sang châu Á của Tổng thống Barack Obama. Mỹ và Philippines đã ký kết Hiệp ước Phòng thủ chung vào năm 1951 và đến năm ngoái đã ký một thỏa thuận khác, theo đó cho phép Mỹ đưa thêm quân tới Philippines.
TQ chỉ dựa vào những đường mơ hồ lần đầu tiên xuất hiện trên những tấm bản đồ của nước này vào những năm 1940 để đòi hỏi chủ quyền đối với gần như toàn bộ biển Đông, bao gồm cả các vùng biển ngay ngoài khơi của các nước châu Á khác. Bắc Kinh trong thời gian gần đây cũng đã đẩy mạnh hoạt động cải tạo đất quy mô lớn tại các đảo nhỏ và bãi đá nhằm xây dựng một số đường băng trên các đảo này.
Liên quan đến việc này, Tổng thống Philippines Benigno Aquino cuối tuần qua cho rằng, với hoạt động cải tạo đất nhanh chóng và lệnh cấm đánh cá của TQ ở biển Đông, Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) đang bị vi phạm. Do đó, ông sẽ thúc đẩy việc thông qua Bộ Quy tắc Ứng xử ở biển Đông (COC) khi tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN diễn ra tại Malaysia trong các ngày 26 và 27/4.
Tổng thống Philippines cũng nhắc tới việc nhiều ngư dân Philippines đã bị tàu TQ xua đuổi khỏi các khu vực vốn là ngư trường truyền thống của họ, đưa tới một tình huống mà theo ông là “Philippines phải xin phép đánh cá trong vùng đặc quyền kinh tế của mình”. Tổng thống Aquino cũng bày tỏ hy vọng tranh chấp được giải quyết bằng những biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế./.