Mai một nghề giò chả, Ước Lễ chuyển nghề buôn rượu nếp?

(PLO) -Tiếng tăm của giò chả Ước Lễ (làng Ước Lễ, xã Tân Ước, huyện Thanh Oai, Hà Nội) đã lan truyền khắp mọi miền đất nước. Chỉ lạ là, mang tiếng một làng nghề truyền thống nức tiếng bao đời về giò chả như vậy nhưng nếu về Ước Lễ mua giò chả thì khó, còn mua rượu nếp lại vô cùng dễ dàng.
Người làng muốn ăn giò của quê mình cũng khó 
Không phải là một người con của quê làng Ước Lễ nhưng từ khi sinh ra đến nay, đã gần nửa đời người trôi qua, người viết đã được nghe nhiều về thương hiệu giò, chả Ước Lễ. Rằng giò chả  Ước Lễ ngon lắm, giòn lắm, thơm lắm và an toàn lắm. Nghe cái danh người ta đồn thổi thôi cũng đã thấy thèm thuồng và tò mò để tìm về làng.  
Đến thôn Ước Lễ hôm nay, du khách muốn mua một cân giò cũng khó
Đến thôn Ước Lễ hôm nay, du khách muốn mua một cân giò cũng khó 
Thế nhưng, về Ước Lễ hôm nay, làng truyền thống về giò chả chào đón thực khách bằng không khí yên tĩnh đến tịch mịch, không một tiếng chày giã giò. 
Trả lời thắc mắc của khách, một người dân Ước Lễ nói:  “Cô muốn mua giò thì ra Hà Nội. Ở đây làm gì có giò mà mua. Đến người làng chúng tôi muốn ăn giò của chính quê mình còn khó nữa là”. 
Những người dân khác thì nói: “Làng này đúng là có truyền thống về làm giò, chả nhưng mà tôi… không biết làm. Cả gia đình tôi chẳng có ai biết làm”. 
Tìm hiểu mãi, người viết mới được chỉ đến một gia đình nay vẫn còn làm giò chả. Tiếc là gia đình này chủ yếu làm giò chả để bán kèm với bánh cuốn vào buổi sáng, không còn giò để bán thêm ở ngoài.
50% hộ dân trong làng làm nghề  nấu rượu 
Đem thắc mắc hỏi ông Nguyễn Viết Chung - Phó thôn Ước Lễ thì được biết, vì ở quê lượng khách hàng tiêu thụ giò chả ít nên người làng không còn theo nghề này nữa. Hiện giờ ở trong làng chỉ còn 4 hộ làm giò chả. Đó là nhà ông Bình Sơn, nhà ông Mạnh, nhà ông Thụy, nhà ông Đường. 
Nhưng những hộ này cũng chỉ làm nhỏ lẻ, mỗi ngày vài ki lô gam bán cho dân trong xã và các xã lân cận. Khách phương xa muốn mua phải hẹn đặt trước. 
Không làm giò chả nữa nhưng guồng quay của cuộc  mưu sinh vẫn tiếp tục nên người làng Ước Lễ chuyển sang nghề mới là nghề nấu rượu nếp. Hiện có đến 50% những hộ dân còn lại trong làng làm nghề nấu rượu.  
Cổng làng dẫn vào thôn Ước Lễ
Cổng làng dẫn vào thôn Ước Lễ 
Nhưng đừng vội nghe thấy con số này mà buồn lo làng giò chả Ước Lễ mất nghề truyền thống. Bởi, theo con số của ông Phó thôn Nguyễn Viết Chung thì Ước Lễ có hơn 500 hộ thì ở làng nay chỉ còn hơn 200 hộ.
Hơn 200 hộ kia, đều là những gia đình có truyền thống làm giò, chả ở làng đã dắt díu nhau đến các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, thành phố Hồ Chí Minh, Huế, Đà Nẵng…, là nơi đem lại nguồn sống cho nghề để mưu sinh. 
Tại đấy, họ tiếp tục đem tinh túy từ nghề của cha ông làm ra những miếng giò, chả thơm ngon bán cho thực khách. 
“Dù họ tỏa đi các nơi để bán giò, chả nhưng hộ khẩu họ vẫn để lại ở làng quản lý. Mỗi năm hai lần, vào dịp Tết Nguyên đán và Rằm tháng Giêng, những người Ước Lễ ở mọi miền Tổ quốc lại trở về quê sum họp lễ tạ tổ tiên và mang những khoanh giò được làm từ tâm huyết của mình trưng bày ở lễ hội làng” – ông Phó thôn cho biết.
Như vậy là sức sống của làng nghề truyền thống giò, chả Ước Lễ vẫn đang sinh sôi mãnh liệt trên khắp mọi miền đất nước. Chỉ vì nghề truyền thống ít được làm tại làng khiến nhiều thực khách hiểu lầm. 
Nhưng thiết nghĩ về lâu về dài, liệu tại cái nôi sinh ra nghề mà không một ai biết làm giò chả, không còn làm giò chả thì thương hiệu giò, chả Ước Lễ có còn tồn tại mãi được không?./.

Đọc thêm