Dre, vừa tròn 15 tuổi, không thể đi bộ hay nói chuyện được sau khi bị bắn vào đầu. Bà Deandra Yates – mẹ của Dre – kể lại, bà đã ngất khi nghe được thông tin một thanh niên khoảng 17, 18 tuổi đột ngột rút súng ra và xả đến 22 viên đạn tại bữa tiệc sinh nhật mà con trai bà tham dự hồi tháng 2/2014.
Vụ việc của Dre là một điển hình cho tình trạng giết chóc vẫn đang xảy ra hàng ngày ở Mỹ - nơi có đến 88 trường hợp tử vong mỗi ngày, bao gồm cả các vụ tự tử, do vũ khí gây ra. Đáng chú ý, số liệu thống kê cho thấy, sau nhiều năm có xu hướng giảm, số vụ giết người tại Mỹ đang tăng cao tại khoảng 30 thành phố lớn của nước này. Cảnh sát cho biết, tính đến ngày 18/9, số vụ giết người ở thủ đô Washington tăng 40,5% so với con số 111 của cùng kỳ năm ngoái.
Tình hình đặc biệt đáng lo ngại tại St Louis và Milwaukee – là những nơi mà số vụ giết người trong thời gian từ ngày 11/8 đến 31/8 theo thông tin mới được tờ New York Times công bố đã tăng lần lượt 60 và 76% so với cùng kỳ. Còn Chicago ghi nhận đến 9 trường hợp tử vong do súng xảy ra vào ngày 2/9, trong đó có 8 vụ giết người và một trường hợp trẻ tử vong do vô tình. Đây cũng là ngày xảy ra nhiều vụ giết người nhất tại thành phố này trong vòng 1 thập kỷ trở lại đây.
Tại Cleveland, Cảnh sát trưởng Calvin Williams tuần trước đã phải hét lên “đủ rồi” sau vụ việc một bé gái 3 tuổi tử vong bị bắn trúng, chỉ vài ngày sau ca tử vong cũng do bị trúng đạn của một bé gái 5 tuổi. Các thành phố khác cũng đang lo ngại về sự gia tăng tỉ lệ các vụ giết người còn có New York, Philadelphia, Dallas và New Orleans.
Các chuyên gia cho rằng có nhiều yếu tố khác nhau dẫn đến sự gia tăng đột biến các vụ giết người ở nước này trong thời gian qua. Tại thành phố Baltimore – tâm điểm của các vụ bạo động sau vụ một người da đen tử vong trong quá trình bị cảnh sát áp tải – số vụ giết người xảy ra tại đây trong 8 tháng đầu năm 2015 đã cao hơn tổng số vụ việc của cả năm 2014.
Lý giải về tình trạng này, Thị trưởng Baltimore Stephanie Rawlings-Blake cho biết đó là do sự tranh đấu giữa các băng đảng. “Các vụ bạo lực mà chúng tôi chứng kiến từ cuối mùa xuân đến mùa hè năm nay là sự trả đũa qua lại giữa các băng nhóm tội phạm” – bà Rawlings-Blake cho biết.
Một số khác cho rằng đó là kết quả của sự phổ biến vũ khí tại Mỹ. “Ở bang Indiana mà tôi đang sống, luật về súng đạn rất lỏng lẻo, rất nhiều người có thể tiếp xúc với súng đạn và đổ ra đường với vũ khí trên tay. Những đứa trẻ chưa thành niên cũng có thể mua được một khẩu súng với giá 280 USD” – bà Yates cho biết.
Hôm 9/10 vừa qua, bà Yates đã tới Washington để yêu cầu kiểm soát chặt chẽ hơn việc bán súng ở Mỹ. Có mặt cùng bà ở Tòa nhà Quốc hội Mỹ khi đó là ông Andy Parker – cha của nữ phóng viên Alison đã bị sát hại trong một chương trình truyền hình trực tiếp ở Virginia hồi tháng trước. “Có quá nhiều thành viên trong Quốc hội vẫn chịu ảnh hưởng của các nhóm vận động tự do súng đạn và điều đó cần phải thay đổi” – ông Parker cho hay.
Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng chính sự phản đối của người dân đối với việc sử dụng súng đạn của cảnh sát đã khiến cảnh sát dè dặt hơn khi sử dụng vũ khí, còn tội phạm trở nên “nhờn” đòn và hành động hung hăng hơn.