Theo AFP, thông tin trên được tờ Washington Post đưa tin ngày 22/5. Theo đó, tờ Washington Post dẫn một quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ và 2 cựu quan chức khác, tất cả đều giấu tên, cho biết cuộc thảo luận nói trên đã diễn ra tại một cuộc họp vào ngày 15/5.
Vấn đề này được đưa ra sau khi một số quan chức Mỹ thông báo rằng Nga và Trung Quốc đang tiến hành các thử nghiệm năng suất thấp của riêng họ. Tuy nhiên, Nga và Trung Quốc đã bác bỏ các thông tin này.
Quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ nói rằng việc chứng minh khả năng “thử nghiệm nhanh” của Washington sẽ là một chiến thuật đàm phán hữu ích khi Mỹ tìm kiếm một thỏa thuận ba bên với Nga và Trung Quốc về vũ khí hạt nhân.
Theo các nguồn tin, cuộc họp đã không kết thúc với bất kỳ thỏa thuận nào. Họ cũng đưa ra thông tin mâu thuẫn về việc các cuộc thảo luận có còn tiếp diễn hay không.
Các nhà hoạt động không phổ biến hạt nhân đã nhanh chóng lên án ý tưởng này. “Nó sẽ là phát súng mở màn cho một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân chưa từng có”, ông Daryl Kimball - Giám đốc điều hành của Hiệp hội kiểm soát vũ khí – nhận định.
Theo ông này, một cuộc thử nghiệm như vậy cũng có khả năng sẽ phá vỡ các cuộc đàm phán với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un - người có thể không còn cảm thấy bị ép buộc phải tôn trong cam kết của ông về thử nghiệm hạt nhân.
Báo cáo của Washington Post được đưa ra 1 ngày sau khi ông Trump tuyên bố rằng ông dự định rút khỏi hiệp ước Bầu trời mở, vốn được thiết kế để cải thiện tính minh bạch và sự tin tưởng của quân đội giữa các siêu cường. Đây là hiệp ước kiểm soát vũ khí thứ 3 mà ông Trump đã bãi bỏ kể từ khi nhậm chức Tổng thống Mỹ.
Nga đã khẳng định sẽ tuân thủ thỏa thuận đã được thực thi trong 18 năm qua nhằm tìm cách giảm rủi ro chiến tranh bằng cách cho phép mỗi quân đội của các nước ký kết thực hiện một số chuyến bay giám sát nhất định qua một quốc gia thành viên khác mỗi năm. Các quốc gia châu Âu cũng đã kêu gọi ông Trump xem xét lại.