Mỹ - Trung đấu khẩu
Theo Reuters, những phát biểu mang tính công kích lẫn nhau mới nhất giữa Mỹ và Trung Quốc được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng giữa 2 bên đang gia tăng do cuộc chiến thương mại song phương, những động thái của Mỹ với Đài Loan và việc tăng cường sức mạnh quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông – nơi Mỹ cũng đã tiến hành các chiến dịch tuần tra tự do hàng hải. Trung Quốc đặc biệt tức giận bởi việc Chính phủ Mỹ gần đây gia tăng ủng hộ Đài Loan tự trị.
Phát biểu tại Đối thoại Shangri-La được tổ chức ở Singapore ngày 2/6, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa cảnh báo Mỹ không can thiệp vào những tranh chấp an ninh liên quan đến Đài Loan và Biển Đông. Trong đó, ông Ngụy tuyên bố Trung Quốc sẽ chiến đấu đến cùng nếu ai đó tìm cách can thiệp vào quan hệ của nước này với Đài Loan.
“Nếu bất cứ ai dám chia rẽ Đài Loan khỏi Trung Quốc, quân đội Trung Quốc không còn cách nào khác là phải chiến đấu bằng mọi giá... Mỹ không thể chia cắt và Trung Quốc cũng vậy”, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc nhấn mạnh. Trong một phát biểu được cho là rõ ràng ám chỉ Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc cũng cáo buộc “một số quốc gia ngoài khu vực đang đến Biển Đông để phô diễn sức mạnh dưới danh nghĩa tự do hàng hải”. Về cuộc chiến thương mại đang diễn ra, ông Ngụy nói rằng Trung Quốc sẽ “chiến đấu đến cùng” nếu Mỹ muốn có một cuộc chiến. Tuy nhiên, nếu Washington muốn đàm phán, “chúng tôi sẽ để cánh cửa ngỏ”.
Trước đó, quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan tại Đối thoại Shangri-La ngày 1/6 tuyên bố Mỹ sẽ không còn “nhón chân” trước những hành vi của Trung Quốc ở châu Á. “Có lẽ mối đe dọa lâu dài lớn nhất đối với lợi ích quan trọng của các quốc gia trong khu vực này đến từ những người tìm cách phá hoại, thay vì duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ”, quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tuyên bố.
Các nước phải cùng nhau quản lý bất ổn
Trong phát biểu tại Đối thoại, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch cho rằng, trong bức tranh toàn cảnh an ninh thế giới và khu vực châu Á - Thái Bình Dương, hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, dòng chảy chính và lợi ích chung của các nước. Tuy nhiên, các nước vẫn phải đối mặt với những thách thức an ninh, những vấn đề phức tạp; trong đó có sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước, nhất là các nước lớn.
Theo Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch, cạnh tranh với mục đích khuất phục nhau, giành giật lợi ích của nhau, bao vây kiềm chế nhau sẽ dẫn đến căng thẳng, đối đầu, thậm chí là xung đột và chiến tranh, tiềm ẩn nguy cơ không thể coi thường. “Vấn đề quan trọng là cách thức xử lí cạnh tranh. Dù có khác biệt về lợi ích, nhưng nếu mọi quốc gia đều đặt hòa bình, ổn định lên trên hết thì chúng ta có thể hợp tác, tìm cách thu hẹp khác biệt, xử lí tranh chấp”, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch nói.
Theo Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, các nước phải cùng nhau quản lí bất ổn, ngăn ngừa từ sớm các vấn đề cạnh tranh có thể dẫn đến xung đột, chiến tranh. Muốn vậy, các bên phải tuân thủ luật pháp quốc tế; tôn trọng độc lập, chủ quyền, lợi ích chính đáng của mọi quốc gia; không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực, cũng như không có các hành động làm phức tạp thêm tình hình; tìm kiếm các lĩnh vực hợp tác cùng có lợi, xây dựng lòng tin, từng bước giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp. “Đó là một quá trình lâu dài, phức tạp, đòi hỏi quyết tâm chính trị cao và sự chung tay hành động của mọi quốc gia, chứ không thể thụ động chờ đợi”, ông nói.
Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam cũng cho rằng, trước các thách thức an ninh phức tạp thì việc ứng xử và hành động của các nước lớn có vai trò rất quan trọng. Các nước lớn cần gánh vác trách nhiệm cao hơn trong các nỗ lực chung của khu vực, hành xử gương mẫu trong quan hệ quốc tế. Việc các bên liên quan ngồi lại với nhau, đối thoại để cùng tìm giải pháp hòa bình giải quyết tranh chấp, bất đồng là hành động tích cực, cần được ủng hộ, cổ vũ.
Về phía Việt Nam, Bộ trưởng Lịch nhấn mạnh, là quốc gia đã từng trải qua các cuộc chiến tranh, chịu nhiều đau thương, mất mát để giải phóng dân tộc, giành độc lập tự do, không chỉ cho dân tộc mình mà còn làm tròn nghĩa vụ quốc tế; hơn ai hết, Việt Nam thấu hiểu được giá trị của hòa bình. Việt Nam luôn khát vọng sống trong hòa bình, ổn định, hợp tác, cùng phát triển thịnh vượng.
Mục tiêu quốc phòng Việt Nam là bảo vệ độc lập, chủ quyền, lợi ích quốc gia - dân tộc, bảo vệ nền hòa bình của đất nước; giải quyết mọi tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế. Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, tăng cường quan hệ hợp tác với các nước; tham gia bảo vệ hòa bình, ổn định, an ninh của khu vực và thế giới. Những nội dung đó là định hướng để giải quyết tranh chấp trong không khí hòa bình, với tinh thần đối tác, vì trách nhiệm cộng đồng.
Về vấn đề Biển Đông, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam đánh giá cao những tiến triển trong đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (COC); việc sớm xây dựng một COC thực chất, ràng buộc, hiệu quả sẽ góp phần quan trọng duy trì hòa bình, ổn định, tự do, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không ở Biển Đông.
“Việt Nam mong muốn các bên liên quan tăng cường đối thoại, tham vấn, cùng nhau quản lý rủi ro và ngăn ngừa xung đột. Việt Nam đã, đang và sẽ hợp tác với Trung Quốc và các nước có liên quan, kiên trì thúc đẩy giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế”, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch nêu rõ.