Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết tại Hội thảo “Phát triển thương mại Việt Nam giai đoạn 2016-2025”, do Viện Nghiên cứu thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp với Dự án Hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư châu Âu (EU-MUTRAP) tổ chức ngày 14/12.
Cũng theo ông Hải, năm 2016, trong bức tranh xuất khẩu của Việt Nam bên cạnh sự tăng trưởng ổn định của một số mặt hàng truyền thống như cà phê, hồ tiêu, còn có sự phát triển ngoạn mục của một số mặt hàng mới “nổi”, điển hình như rau quả với kim ngạch dự báo khoảng 2 tỷ USD.
Tuy nhiên, điểm tối của bức tranh xuất khẩu năm nay là sự sụt giảm của mặt hàng gạo đã có tác động lớn đến nền sản xuất nông nghiệp trong nước. Khối lượng gạo xuất khẩu 11 tháng đầu năm ước đạt 4,54 triệu tấn, tương đương 2 tỷ USD, giảm 25% về khối lượng và giảm 20,3% về giá trị so với cùng kỳ 2015. Theo dự báo, xuất khẩu gạo năm 2016 khó đạt được mục tiêu xuất khẩu 5,65 triệu tấn.
Đánh giá chung về tình hình xuất nhập khẩu của nước ta năm 2016, các đại biểu đều cho rằng, bên cạnh những thành tựu đã đạt được như con số tăng trưởng tốt, thị trường được mở rộng, cơ cấu xuất nhập khẩu được cải thiện…vẫn tồn tại nhiều bất cập.
Trong đó, đầu tiên phải kể đến là cơ cấu hàng hóa xuất khẩu vẫn còn phụ thuộc nhiều vào doanh nghiệp FDI nên chưa thực sự bền vững. Bên cạnh đó, theo ông Phạm Nguyên Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại, một số ngành xuất khẩu mũi nhọn như nông sản vẫn chủ yếu là xuất thô, hàm lượng chế biến thấp hay dệt may, da giày, linh kiện điện tử vẫn chỉ là gia công hàng hóa ở công đoạn thấp của chuỗi giá trị toàn cầu. Ngoài ra, nhập siêu vẫn là nguy cơ đang rình rập nền kinh tế nước ta./.