Cụ thể, theo số liệu thống kê trên cả nước, tính đến hết tháng 10/2018, cả nước đã xảy ra 91 vụ ngộ độc thực phẩm (giảm 40 vụ so với cùng kỳ 2017), khiến hơn 2.010 người ngộ độc (năm 2017 là 2.583 ca, giảm 24%), trong đó có 15 trường hợp tử vong do ngộ độc rượu, nấm độc... Về công tác kiểm tra, xử phạt, cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm tra, xử phạt 99 công ty, đơn vị vi phạm về ATTP với tổng số tiền lên đến gần 6 tỷ đồng. Ngoài ra, thu hồi hàng trăm giấy phép đặc biệt liên quan đến quảng cáo các sản phẩm thực phẩm.
Cục trưởng Cục ATTP thông tin thêm, đặc biệt trong thời gian qua đã xuất hiện xu hướng quảng cáo trên các trang mạng, website về các sản phẩm thực phẩm chức năng không đúng quy định như: Quảng cáo không đúng với chất lượng sản phẩm; không đúng nội dung đã đăng ký cấp phép; hoặc quảng cáo với nội dung chưa được cấp phép... Khi bị phát hiện xử lý, các đơn vị liên quan lại cho rằng các trang web hay các trang mạng xã hội đăng tải nội dung sản phẩm không phải do công ty lập nên và phủ nhận trách nhiệm. Đây là một vấn đề mới, do đó, Cục ATTP đang phối hợp cùng Bộ TT&TT để có giải pháp xử lý, quản lý tình trạng này nhằm đảm bảo thông tin các sản phẩm đảm bảo an toàn cho người sử dụng.
Về nguyên tắc, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ phải đăng ký, công bố trước khi lưu hành. Các doanh nghiệp có quyền tự công bố chất lượng sản phẩm và cơ quan quản lý sẽ tiến hành hậu kiểm. Nếu phát hiện sẽ bị xử phạt nặng theo Nghị định 15 NĐ-CP. Được biết, trong thời gian tới, cơ quan chức năng sẽ tăng cường thanh kiểm tra, tập trung bảo đảm an toàn cho người dân ăn Tết Nguyên đán, trong đó, sẽ tập trung vào các mặt hàng tiêu thụ lớn như: bánh mứt, rượu bia, trái cây, thực phẩm tươi sống,…