Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, năm 2017, GDP khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,9% (nếu không bị thiệt hại nặng bởi các cơn bão 10, 12 thì khả năng sẽ tăng trên 3,0%), giá trị sản xuất tăng 3,16% so với năm 2016. Kết quả này là sự nỗ lực rất lớn của ngành nông nghiệp trong bối cảnh khó khăn, thiên tai chồng chất và cơ bản đạt mục tiêu đề ra.
Sản xuất đã gắn với thị trường
Theo Bộ NN&PTNT, năm qua cơ cấu sản xuất tiếp tục được điều chỉnh phù hợp và hiệu quả hơn, các địa phương chỉ đạo chặt chẽ mùa vụ, bố trí cơ cấu giống, cơ cấu sản xuất theo hướng phát huy lợi thế của địa phương, vùng miền gắn với nhu cầu thị trường và thích ứng với thời tiết khí hậu. Nhờ tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ và các quy trình sản xuất tiên tiến, sản lượng nhiều loại nông sản tăng mạnh trong điều kiện thiên tai khắc nghiệt, đáp ứng dồi dào nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Cơ cấu sản phẩm đã chuyển mạnh theo hướng tăng tỷ trọng các ngành hàng, sản phẩm có lợi thế và thị trường thuận lợi.
Cũng theo Bộ quản lý về nông nghiệp, năm 2017 cũng ghi nhận thị trường tiêu thụ nông sản đã được mở rộng, tháo gỡ nhiều rào cản, vướng mắc cho xuất khẩu và thúc đẩy tiêu dùng trong nước. Hầu hết các loại nông sản đã được tiêu thụ kịp thời, giá ở mức có lợi cho nông dân, xuất khẩu tăng mạnh (trừ mặt hàng thịt lợn 9 tháng đầu năm tồn kho nhiều, giá giảm).
Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 36,37 tỷ USD, đạt mức cao nhất từ trước đến nay, tăng 13% so với năm 2016; thặng dư thương mại đạt 8,55 tỷ USD, tăng khoảng 1,1 tỷ USD so với năm 2016. Nhiều mặt hàng có kim ngạch tăng cao: rau quả tăng 40,5%; cao su tăng 35,6%, gạo tăng 23,2%, điều tăng 23,8%, tôm tăng 22,3%, đồ gỗ và lâm sản tăng 9,2%... Vẫn duy trì 10 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu từ 1,0 tỷ USD trở lên, trong đó có 5 mặt hàng (tôm, trái cây, hạt điều, cà phê và đồ gỗ) đạt kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD.
Các hình thức tổ chức sản xuất tiếp tục được đổi mới và nâng cao hiệu quả. Theo đó, các doanh nghiệp nhà nước, các công ty nông, lâm nghiệp tiếp tục được sắp xếp, chuyển đổi, hoạt động hiệu quả hơn. Lực lượng doanh nghiệp nông nghiệp ngày càng lớn mạnh và tâm huyết đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn hơn, đang trở thành nòng cốt trong chuỗi giá trị nông sản.
Năm 2017, đã có 1.955 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 3,8% so với năm 2016. Số lượng trang trại, hợp tác xã nông nghiệp tiếp tục tăng, hoạt động có hiệu quả hơn. Đến nay, cả nước có 33.500 trang trại, 11.688 HTX nông nghiệp. Số HTX thành lập mới năm 2017 là 1.189 HTX, 33% số HTX hoạt động hiệu quả. Trang trại ngày càng sử dụng nhiều đất đai, lao động và sản xuất lượng nông sản hàng hóa lớn. Kinh tế hộ gia đình ở nông thôn tiếp tục phát triển theo cơ chế thị trường và đang có sự chuyển dịch hiệu quả hơn, số hộ làm nông, lâm thủy sản chiếm 53,7%, đã giảm 8,5 điểm phần trăm so với năm 2011, số hộ gia đình sản xuất quy mô lớn, hàng hóa và tham gia liên kết cũng khá phổ biến.
Doanh nghiệp cần đóng vai trò dẫn dắt
Là một trong những địa phương đi đầu trong tái cơ cấu nông nghiệp hiệu quả, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan cho rằng, 2 điểm nghẽn của ngành nông nghiệp hiện nay là chi phí sản xuất cao, chất lượng nông sản còn kém. Do đó, phải tạo kinh tế hợp tác đủ mạnh mới giảm được chi phí sản xuất. Hợp tác xã hoạt động đúng bản chất và mang lại lợi ích của thành viên thì sẽ nâng cao chất lượng nông sản và tiếp cận được nông nghiệp 4.0.
Ông Hồ Xuân Hùng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN& PTNT, Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, năm 2018, những thách thức về biến đổi khí hậu, cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu và rào cản kỹ thuật của các nước nhập khẩu ngày càng khắt khe đòi hỏi ngành phải nỗ lực thay đổi tư duy, tạo đột phá trong sản xuất. Theo đó, nông nghiệp không chỉ tập trung sản xuất toàn diện mà cần chuyển sang phát triển những sản phẩm có lợi thế, với vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp.
“Trước đây chúng ta chủ yếu dựa vào kinh tế hộ nhưng trong giai đoạn tới doanh nghiệp phải dẫn dắt nền nông nghiệp. Cần định hình rõ trong bối cảnh hiện nay phải đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, các tiến bộ của thế giới thì sản xuất không thể manh mún và phân tán. Vì vậy phải tạo môi trường thuận lợi để doanh nghiệp có thể dẫn dắt được nông nghiệp”- ông Hùng nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia, mục tiêu năm 2018, ngành nông nghiệp phấn đấu tăng trưởng từ 2,8% đến 3%; kim ngạch xuất khẩu từ 37 tỉ đô la đến 38 tỉ đô la… có thể đạt được nếu việc tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị thực hiện quyết liệt. Trong đó, chú trọng phát triển nhóm sản phẩm lợi thế, qua đó hình thành các vùng nguyên liệu tập trung.
Phát triển mạnh 3 trục sản phẩm
Ông Đinh Cao Khuê, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao đề xuất, việc đầu tư vào nông nghiệp phải theo liên kết vùng, với doanh nghiệp không chỉ dừng lại ở 1 nhà máy, không dừng lại ở 1 địa phương mà phải hình thành nhiều nhà máy ở nhiều địa phương để tạo liên kết về vùng nguyên liệu. Bên cạnh đó, nhà máy chế biến không chỉ phát triển 1 sản phẩm mà tập trung phát triển những sản phẩm có lợi thế của từng địa phương như: chanh leo, bơ, rau quả, tuy nhiên các địa phương cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp về quỹ đất để đầu tư.
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, năm 2018 ngành tiếp tục tập trung cơ cấu lại, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị với quy mô lớn hơn phù hợp với lợi thế, nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường kết nối chặt chẽ hơn với mạng lưới tiêu thụ toàn cầu; coi trọng ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ cao, khuyến khích sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Cùng với đó là cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi hơn nữa cho phát triển doanh nghiệp, kinh tế hợp tác.
Về cơ cấu lại ngành, các đơn vị thuộc Bộ, các địa phương tiếp tục rà soát quy hoạch, đánh giá lợi thế, tiềm năng để xây dựng cơ cấu sản phẩm theo 3 trục sản phẩm: nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia; nhóm sản phẩm cấp tỉnh, thành phố và nhóm đặc sản làng, xã để có giải pháp chỉ đạo cụ thể; đồng thời, phát triển thị trường tiêu thụ kịp thời, hiệu quả….
Theo Bộ trưởng Cường, một trong những việc quan trọng của tái cơ cấu là phải hoàn thiện được chuỗi sản xuất khép kín từ phát triển vùng nguyên liệu, chế biến, công tác thị trường. Trong chuỗi này xác định doanh nghiệp là hạt nhân quan trọng, đó là hạt nhân liên kết thị trường với các hợp tác xã và với nông dân, chính vì vậy những chính sách phối hợp với doanh nghiệp được coi là nhiệm vụ trọng tâm. Tập trung cải cách hành chính để doanh nghiệp yên tâm đầu tư vào ngành, cùng với đó, phải phối hợp chặt chẽ, coi khó khăn của doanh nghiệp chính là khó khăn của ngành, của địa phương, trên cơ sở đó phối hợp chặt chẽ với các bộ và các địa phương để tháo gỡ.