Năm 2020, Bình Định thu hút được 5 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký hơn 12,9 triệu USD

(PLVN) - Trong 84 dự án FDI, nhiều dự án đi vào hoạt động đã góp phần không nhỏ phát triển kinh tế - xã hội, mang hình ảnh, con người Việt Nam nói chung, Bình Định nói riêng ra thế giới. 
Bình Định đón chuyến bay quốc tế đầu tiên trong năm 2020.

Theo Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh Bình Định (thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Định), năm 2020, toàn tỉnh có 5 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng vốn đăng ký hơn 12,9 triệu USD.

Trong đó, 3 dự án được cấp chứng nhận đăng ký đầu tư vào Khu công nghiệp Nhơn Hòa (thị xã An Nhơn), gồm: Nhà máy chế biến thực phẩm của Công ty TNHH MTV Savvy Seafood Vietnam, Nhà máy chế biến đá granite Takumino của Công ty TNHH An Viên An Lộc Phát thuộc Công ty CP OKUNO và Nhà máy giết mổ C.P Việt Nam tại Bình Định.

Ngoài ra, dự án Nhà máy sản xuất sản phẩm gỗ của Công ty TNHH Trio đầu tư tại thôn Vĩnh Thành (xã Cát Tài, huyện Phù Cát) và dự án Nhà máy chế biến nông sản RRF Việt Nam tại Bình Định của Công ty TNHH Red River Foods Việt Nam đầu tư tại Khu công nghiệp Long Mỹ (TP Quy Nhơn).

 Tuyến đường từ Khu kinh tế Nhơn Hội đến sân bay Phù Cát vừa khánh thành cuối tháng 9/2020 sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế, du lịch Bình Định bứt phá ngoạn mục.

So với năm 2019, số lượng dự án FDI của tỉnh Bình Định thu hút giảm 9%, tổng vốn đầu tư giảm đến 73,27% (năm 2019 thu hút 6 dự án FDI, tổng vốn đầu tư 83,75 triệu USD).

Nguyên nhân chính dẫn đến sự sụt giảm này do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, làm ảnh hưởng đến việc đi lại của các nhà đầu tư nước ngoài cũng như các quyết định đầu tư mới và mở rộng quy mô dự án hiện có của nhà đầu tư nước ngoài.

Như vậy, toàn tỉnh Bình Định hiện có 84 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký hơn 979,3 triệu USD. Trong đó, 36 dự án đầu tư trong khu kinh tế, khu công nghiệp, với tổng vốn đăng ký hơn 746,1 triệu USD và 48 dự án đầu tư ngoài khu kinh tế, khu công nghiệp, với tổng vốn đăng ký gần 233,2 triệu USD.

Trong 84 dự án FDI, nhiều dự án đi vào hoạt động đã góp phần không nhỏ phát triển kinh tế - xã hội, mang hình ảnh, con người Việt Nam nói chung, Bình Định nói riêng ra thế giới. Bình Ðịnh hiện đang ưu tiên cải thiện môi trường đầu tư, tập trung mời gọi các nhà đầu tư lớn có khả năng lôi kéo, thúc đẩy các dự án phụ trợ; chú trọng nhóm nhà đầu tư có công nghệ xanh, sạch và công nghệ cao của Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand, châu Âu và các quốc gia phát triển để bảo đảm môi trường được tái tạo, phát triển bền vững.

 Tấn hàng thứ 11 triệu thông qua cảng Quy Nhơn năm 2020.

Tỉnh Bình Định được các nhà đầu tư quốc tế đánh giá chung là địa phương có hạ tầng giao thông đồng bộ (trong đó cảng Quy Nhơn là cửa ngõ giao thương quốc tế thuận tiện nhất của khu vực miền Trung - Tây Nguyên cũng như các tỉnh thuộc Nam Lào, Đông Bắc Campuchia đến các nước trên thế giới), có lực lượng lao động trẻ, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp còn quỹ đất sạch nên rất thuận lợi cho việc đầu tư phát triển kinh doanh.

Do đó, nếu các doanh nghiệp quyết tâm đầu tư tại Bình Định, chính quyền tỉnh sẽ tạo điều kiện tối đa về các cơ chế chính sách, thủ tục hỗ trợ trong khuôn khổ pháp luật quy định để giúp các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh.

Bình Định đang trở thành điểm sáng về sự minh bạch đối với các nhà đầu tư. Xây dựng cách thức thu hút đầu tư mới được coi là “mũi giáp công” hữu hiệu để Bình Định đón đầu khi dòng vốn FDI dịch chuyển đến Việt Nam thời kỳ hậu Covid-19.

Đọc thêm