Năm 2020, phát hiện, xử lý gần 190 ngàn vụ việc vi phạm

(PLVN) -Ngày 8/1,  Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã tổ chức họp báo chuyên đề thông tin kết quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2020, triển khai nhiệm vụ 2021. Ông  Đàm Thanh Thế, Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia chủ trì buổi họp báo.
Toàn cảnh buổi họp báo
Toàn cảnh buổi họp báo

Năm 2020, với sự bùng phát của dịch Covid 19 đã ảnh hưởng lớn đến các hoạt động kinh tế, xã hội của đất nước, tuy nhiên dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự điều hành của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương và lực lượng chức năng, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên cả nước đã đạt được một số kết quả tích cực, nhiều đối tượng, đường dây ổ nhóm tội phạm đã bị triệt phá; nhiều đối tượng chủ mưu, cầm đầu đã bị xử lý nghiêm minh trước pháp luật...

Năm 2020, các lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện, xử lý 185.461 vụ việc vi phạm (giảm 16,3 % so với cùng kỳ năm 2019), thu nộp NSNN 24.817 tỷ 656 triệu đồng (tăng 15,39 %so với cùng kỳ), khởi tố 2.543 vụ (tăng 28,3 % so với cùng kỳ), 3.502 đối tượng (tăng 49,46 % so với cùng kỳ). Nhiều đường dây, ổ nhóm đã bị triệt phá, nhiều đối tượng chủ mưu, cầm đầu bị bắt giữ, xử lý theo quyđịnh của pháp luật.

Ông Đàm Thanh Thế, Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia chủ trì buổi họp báo
 Ông  Đàm Thanh Thế, Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia chủ trì buổi họp báo

Ban Chỉ đạo 389 các tỉnh, thành phố đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cơ quan Trung ương triển khai nhiều giải pháp quản lý, điều hành thị trường cũng như đảm bảo các chính sách an sinh xã hội; đồng thời chỉ đạo các lực lượng chức năng tại cơ sở làm tốt công tác quản lý địa bàn, tăng cường công tác tuyên truyền, đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, kinh doanh hàng giả kém chất lượng, hàng không rõ xuất xứ, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng…

 Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã chủ động nắm chắc tình hình, kịp thời tham mưu cho Ban chỉ đạo 389 quốc gia triển khai nhiều kế hoạch, biện pháp đấu tranh, ngăn chặn tình trạng buôn lậu, gian lậu thương mại và hàng giả. 

Đã chủ động tham mưu đề xuất Ban Chỉ đạo 389 quốc gia chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác phòng chống dịch tả lợn Châu Phi, dịch cúm A (H5N1); tăng cường phối hợp liên ngành, đấu tranh, ngăn chặn kịp thời các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đối với các mặt hàng là vật tư, thiết bị y tế phục vụ công tác phòng chống dịch Covid -19. Tiếp nhận nhiều tin báo qua đường dây nóng, kịp thời đánh giá, phân loại và chuyển các cơ quan chức năng căn cứ thẩm quyền xử lý theo quy định. 

 Đáng chú ý, nhiệm kỳ 5 năm qua, từ năm 2015 đến năm 2020, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã thể hiện tốt vai trò là trung tâm chỉ đạo, điều hành, điều phối hiệu quả các hoạt động phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương, lực lượng chức năng từ Trung ương đến cơ sở trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; thường xuyên chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, các quy định của pháp luật; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật đến các tầng lớp nhân dân; chỉ đạo triển khai đồng bộ, hiệu quả các chương trình công tác đấu tranh có trọng tâm, trọng điểm, triệt phá nhiều đường dây, tụ điểm buôn lậu, sản xuất kinh doanh hàng giả, bắt giữ nhiều vụ việc lớn, xử lý nghiêm minh các đối tượng vi phạm;  bên cạnh đó, chấn chỉnh công tác quản lý cán bộ, xử lý nghiêm cá nhân, đơn vị để xảy ra sai phạm trong thực thi công vụ... 

Vì vậy, từ khi thành lập đến nay, dưới sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã thực hiện tốt trọng trách, nhiệm vụ được giao, cùng các Bộ, ngành, địa phương phương tập trung chỉ đạo lực lượng chức năng các cấp đấu tranh có hiệu quả, phát hiện, xử lý 1.238.653 vụ việc vi phạm, thu nộp NSNN hơn 116.963 tỷ đồng , khởi tố hình sự 10.288 vụ, 12.398 đối tượng. Góp phần từng bước kiểm soát, ổn định thị trường, đảm bảo an ninh quốc gia, an toàn cộng đồng.

Tuy nhiên, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, đặc biệt hàng giả, hàng nhái, hành vi phạm sở hữu trí tuệ còn diễn ra phức tạp, nhất là các địa bàn trọng điểm. 

Năm 2021 là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 13, một năm tiếp bước cần có sự đổi mới trong phương thức đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, cũng như là nhiệm vụ cấp thiết đặt ra với Ban chỉ đạo 389 quốc gia chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương phối hợp thực hiện. Trên cơ sở những kết quả đã đạt được năm 2020, để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu gian lận thương mại và hàng giả trong năm 2021, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia yêu cầu Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị chức năng tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc các nội dung chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia; Ban Chỉ đạo 389 quốc gia từ trung ương đến địa phương tiếp tục thực hiện có hiệu quả các Chỉ thị, Nghị quyết, Công điện, Kế hoạch của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Trưởng ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã ban hành trong thời gian qua. Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch trọng điểm nhằm ngăn chặn những hành vi vi phạm nổi lên trên địa bàn phụ trách. Tăng cường công tác nắm tình hình địa bàn, phát hiện các vụ buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, không để tạo thành các điểm nóng phức tạp, kéo dài.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác truyền thông,  lan tỏa gương người tốt, việc tốt; nâng cao năng lực để nhận diện các phương thức, thủ đoạn mới của các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, giáo dục chính trị, tư tưởng, động viên cán bộ nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công tác. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra công vụ; tiếp tục hoàn thiện thể chế…

Tại buổi họp báo, các đơn vị chức năng cũng trả lời nhiều câu hỏi của báo chí liên quan đến các giải pháp phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại trong giai đoạn mới, công tác kiện toàn, nâng cao năng lực đội ngũ người thi hành công vụ…và một số vụ việc được truyền thông quan tâm trong thời gian qua. 

Đọc thêm