Về xã phường, vận động từng người dân
Long An là địa bàn trọng điểm về THADS với số lượng tiền và việc phải thi hành rất lớn. Trong điều kiện biên chế không tăng nhưng lượng án hàng năm vẫn ngày càng lớn thì đổi mới chỉ đạo điều hành để mang lại hiệu quả trong công tác THADS là việc làm được lãnh đạo Cục THADS coi trọng.
Một trong những cách làm được Long An áp dụng hiệu quả là việc triển khai mô hình Tổ vận động tuyên truyền cấp xã phường. Thay vì tuyên truyền thông qua các hình thức truyền thống, tổ vận động sẽ làm việc trực tiếp tại cơ sở, thuyết phục người dân tự nguyện thi hành án để tiết kiệm chi phí, công sức. Lãnh đạo Cục THADS không những tiếp công dân tại Cục mà còn xuống tận cơ sở để tiếp công dân.
Cùng đó, các Chi cục cũng phát huy tính sáng tạo trong việc mở các đợt cao điểm tập trung THADS. Trong đợt cao điểm, Chấp hành viên cơ quan THADS trong toàn tỉnh đã tích cực xuống cơ sở phối hợp với UBND xã, phường, thị trấn, các cơ quan ban ngành liên quan, MTTQ và các đoàn thể tại địa phương, trưởng, phó các khu phố, khóm, ấp để xác minh, vận động THADS.
Đến nay tại Long An, Ban chỉ đạo THADS được thành lập ở cấp tỉnh và 15/15 huyện, thị, thành phố, do Chủ tịch UBND làm Trưởng ban. Hoạt động của Ban Chỉ đạo và từng thành viên Ban Chỉ đạo THADS từ tỉnh đến các huyện, thị xã, thành phố được củng cố, kiện toàn, có phân công các thành viên phụ trách địa bàn. Ban chỉ đạo THADS hoạt động hiệu quả, kịp thời chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác thi hành án, phối hợp chặt chẽ trong công tác thi hành án dân sự, nhất là trong đợt cao điểm tập trung THADS.
Nhờ áp dụng nhiều giải pháp, đặc biệt là gần dân, năm 2019 Long An đã thi hành xong 17.653 việc, đạt tỷ lệ 74,72 % (so với chỉ tiêu được Quốc hội giao trên 73% thì vượt 1,72%). Về tiền: Đã thi hành xong 1.119.281.615.000 đồng, đạt tỷ lệ 36% (so với chỉ tiêu được Quốc hội giao trên 33% thì vượt 3%).
Tương tự tại Sóc Trăng, cách đây khoảng ba năm đã triển khai mô hình Tổ vận động THADS, xuất phát từ đề xuất của Cục THADS về việc làm thí điểm mô hình trên tại huyện Mỹ Xuyên, TP Sóc Trăng và thị xã Vĩnh Châu. Ưu điểm của mô hình này là các thành viên Tổ vận động là người địa phương nên nắm rõ về hoàn cảnh, điều kiện kinh tế, tâm lý người dân trên địa bàn; từ đó có cách tiếp cận cũng như vận động, thuyết phục rất hiệu quả.
Cũng thông qua mô hình này, chính quyền thấy rõ được tình hình chấp hành pháp luật của công dân trên địa bàn, có phương án phối hợp giải quyết các vụ việc chưa thi hành. Còn các cơ quan THADS tìm được một cơ chế hữu hiệu vận động các bên tranh chấp tự nguyện thỏa thuận trong thi hành án, các cơ quan nhà nước giảm việc tổ chức cưỡng chế, giảm chi phí thời gian, tiền bạc, giảm nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh, trật tự địa phương, góp phần hàn gắn được tình làng, nghĩa xóm.
Cục THADS cũng tích cực trong chỉ đạo Cơ quan THADS thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về THADS đến người dân, đặc biệt chọn những địa phương có nhiều vụ việc phức tạp, thi hành án liên quan đến người dân tộc thiểu số, gia đình chính sách, người có công với cách mạng… và những địa bàn phát sinh khiếu nại, tố cáo kéo dài.
Nhờ mô hình Tổ vận động THADS và các biện pháp đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật mà năm 2019 vừa qua các cơ quan THADS đã giảm 31 trường hợp phải cưỡng chế so với cùng kỳ, có 10 trường hợp đương sự tự nguyện THA, nên thực tế số việc phải tổ chức cưỡng chế là 205 trường hợp.
Tổ chức thi hành án dân sự tại Bà Rịa – Vũng Tàu |
Tăng cường kết nối với cơ sở
Còn ở Lạng Sơn, bắt đầu từ năm 2018, Cục THADS tỉnh chỉ đạo “mỗi chi cục chọn 1 xã, phường, thị trấn trên địa bàn, nơi có lượng án nhiều, khó khăn, phức tạp để tập trung chỉ đạo công tác THADS”.
Với mục tiêu nhằm tạo sự kết nối chặt chẽ giữa cơ quan THADS với cấp ủy, chính quyền cơ sở, huy động sức mạnh của hệ thống chính trị trong THADS; tạo động lực lan tỏa đến các địa bàn khác. Việc lựa chọn xã điểm được các chi cục THADS rà soát, lựa chọn kỹ càng, lên kế hoạch phối hợp với cấp ủy, chính quyền và đoàn thể địa phương.
Việc thí điểm trước hết tập trung ở một số địa bàn có lượng án lớn, phức tạp, đến nay mô hình này đã cho thấy hiệu quả rõ nét. Đặc biệt, nhờ mô hình này đã giải quyết được nhiều vụ án tồn đọng thông qua việc kiên trì thuyết phục, vận động người phải THADS tự giác chấp hành.
Cục trưởng THADS Phạm Văn Dũng cho biết, với phương châm “hướng về cơ sở”, lãnh đạo Cục hàng tháng tiến hành giao ban, chỉ đạo án tại các địa bàn trọng điểm; chỉ đạo thực hiện “Mô hình xã điểm” trong THADS, để lãnh đạo Cục, lãnh đạo, chấp hành viên Chi cục bám sát địa bàn cơ sở; chỉ đạo Phòng nghiệp vụ lập danh sách theo dõi án lớn, phức tạp tại các Chi cục để thường xuyên đôn đốc, tháo gỡ cho chấp hành viên, cũng như phối hợp cấp ủy, chính quyền cương quyết cưỡng chế các vụ việc không tự nguyện thi hành án. Vì vậy, các án có giá trị lớn, án khó, phức tạp trên địa bàn đã thi hành gần như xong hết.
Cục THADS cũng thành lập và duy trì một số Tổ kiểm tra, hỗ trợ án. Đây là “đội quân tinh nhuệ”, “cơ động” vừa kiểm tra nghiệp vụ, vừa hỗ trợ án cho chấp hành viên ở dưới Chi cục; đồng thời, thông qua kiểm tra, các Tổ này đề xuất với lãnh đạo Cục các biện pháp quản lý thiết thực, hiệu quả.
Trong chỉ đạo điều hành, lãnh đạo Cục cũng luôn nêu cao tinh thần quyết liệt, sâu sát, cụ thể, rõ trách nhiệm; lấy công tâm, công bằng, khách quan, dân chủ, gương mẫu của lãnh đạo để chỉ đạo điều hành; lấy đổi mới, sáng tạo, hiệu quả làm động lực.
Vì vậy, năm 2019 là năm thành công của THADS Lạng Sơn, đã hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao. Kết quả THADS về việc đạt 94% (xếp thứ 3/63 tỉnh thành), về tiền đạt 83% (xếp thứ 6/63 tỉnh thành); thể chế nội bộ, liên ngành tiếp tục được hoàn thiện; kỷ cương, kỷ luật hành chính được nâng lên; việc phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành để giải quyết việc THADS ngày càng chặt chẽ, đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả cao; trên địa bàn tỉnh không có vụ việc THADS bức xúc, kéo dài, vụ việc xảy ra làm ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự hay khiếu nại, tố cáo, bức xúc về THADS.
Còn tại Nghệ An, Cục THADS tỉnh đã kiện toàn Tổ chỉ đạo xử lý án tín dụng, ngân hàng, tổ chức 12 đợt công tác về tận các Chi cục, nhà đương sự để chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi hành án. Trong đó đã trực tiếp làm việc, chỉ đạo Chi cục THADS cấp huyện giải quyết có hiệu quả nhiều vụ việc khó khăn, phức tạp, điển hình như: vụ Công ty CP Vật tư thiết bị và xây dựng Nghệ An (TP Vinh) thu được hơn 14 tỷ đồng, các vụ việc liên quan đến tài sản thế chấp của Công ty CP đầu tư TM Đại Huệ; vụ Trương Thị Thơ (Nghi Lộc) tháo dỡ nhà và công trình trên đất, vụ Lô Thị Hà (Kỳ Sơn) giao tài sản là nhà, đất...
Tổ công tác chỉ đạo xử lý giải quyết các vụ việc thi hành án tín dụng, ngân hàng của Cục thường xuyên trực tiếp xuống tận các Chi cục nghiên cứu hồ sơ, nắm bắt tình hình và chỉ đạo cụ thể đối với các vụ việc khó khăn, vướng mắc.
Ngoài ra, Cục đã kịp thời báo cáo đề nghị Tổ công tác chỉ đạo xử lý giải quyết các vụ việc thi hành án tín dụng, ngân hàng của Tổng cục kiến nghị với Hội sở các Ngân hàng nhằm thỏa thuận miễn, giảm lãi, đình chỉ thi hành án cũng như tháo gỡ khó khăn vướng mắc...
Nhờ vậy, mặc dù lượng án thụ lý mới tiếp tục tăng so với cùng kỳ nhưng kết quả THADS năm 2019 của toàn tỉnh đạt tỷ lệ cao, cả hai chỉ tiêu về việc và tiền đều đạt và vượt so với chỉ tiêu Tổng cục THADS giao (về tiền đạt 83%/ 73,5%, so với chỉ tiêu giao vượt 9,5%; về việc đạt 36%/33%, so với chỉ tiêu được giao vượt 3%).
Năm 2020, Nghệ An xác định thủ trưởng các đơn vị thuộc Cục, Chi cục trưởng phải nêu cao tinh thần trách nhiệm nêu gương, phát huy vai trò người đứng đầu trong quản lý, chỉ đạo điều hành, thường xuyên bám sát địa bàn, lĩnh vực được phân công phụ trách theo phương châm quản lý “hướng về cơ sở: Cục hướng về các Chi cục, các Chi cục hướng về các chấp hành viên, thẩm tra viên” để thực sự đi sâu, đi sát vào thực tiễn, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của công chức, người lao động cũng như kịp thời chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh, tạo điều kiện thuận lợi nhất hoàn thành nhiệm vụ.
Tại Sóc Trăng, năm 2019 các cơ quan THADS đã thực hiện nghiêm túc pháp luật về đặc xá; phối hợp các cơ sở giam giữ vận động, thuyết phục người phải thi hành án đang chấp hành án phạt tù tại trại giam, trại tạm giam hoặc thân nhân của họ tích cực thi hành phần trách nhiệm dân sự trong các bản án, quyết định hình sự kịp thời xác nhận kết quả thi hành án khi đương sự có yêu cầu. Năm 2019 đã thi hành xong 883 việc, thu được số tiền là 7 tỷ 316 triệu 451 nghìn đồng, đạt tỷ lệ 79,26% về việc và 44,06% về tiền.
Trong số có điều kiện, đã thi hành xong 10.263 việc, đạt tỷ lệ 76,58% (so với chỉ tiêu được Quốc hội giao, vượt 3,58%). Về tiền, trong số có điều kiện, đã thi hành xong 347.022.392.000 đồng, đạt tỷ lệ 34,74% (so với chỉ tiêu Quốc hội giao, vượt 1,74%). So với cùng kỳ năm 2018, tăng 59.924.553.000 đồng (20,87%) và tăng 2,35% về tỷ lệ.