Năm 2020, xử lý hơn 185.000 tài xế vi phạm nồng độ cồn

(PLVN) - Theo thống kê của Cục CSGT, trong năm 2020, lực lượng chức năng trên toàn quốc phát hiện, xử lý trên 185.000 tài xế vi phạm nồng độ cồn; so với năm 2019 tăng hơn 2.500 trường hợp.
CSGT kiểm tra nồng độ cồn trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.
CSGT kiểm tra nồng độ cồn trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.

“Mức phạt cao nhất với vi phạm nồng độ cồn lên tới 40 triệu đồng và tước giấy phép lái xe gần 2 năm đã đánh vào túi tiền của tài xế, khiến họ phải cân nhắc việc sử dụng rượu bia trước khi cầm vô lăng”, Đại tá Đỗ Thanh Bình, Cục phó CSGT, cho hay.

“Giai đoạn đầu năm, CSGT trên toàn quốc làm mạnh tay và mở nhiều đợt cao điểm, thậm chí nhiều tháng liền tập trung xử phạt vi phạm nồng độ cồn nên số phát hiện nhiều hơn năm 2019. Việc này đã có tác dụng tích cực vì số vi phạm nồng độ cồn đã giảm dần vào những ngày cuối năm”, Đại tá Bình phân tích.

Ngoài ra, lãnh đạo Cục CSGT cho hay, mặc dù tổng số trường hợp vi phạm nồng độ cồn năm nay cao hơn 2019, song các trường hợp vi phạm ở mức cao nhất (vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/1 lít khí thở) đã giảm sâu; vi phạm tập trung chủ yếu vào nhóm tài xế đi xe máy, ôtô chỉ chiếm khoảng 20%.

Bên cạnh kết quả đạt được, Đại tá Bình nói “vẫn còn một bộ phận không nhỏ tài xế cố tình vi phạm, chống đối và thậm chí tấn công cảnh sát; nhiều tài xế sau khi nhậu xong vẫn sử dụng phương tiện cá nhân để di chuyển”.

Thời gian tới, lãnh đạo Cục CSGT khẳng định đơn vị sẽ tiếp tục triển khai mạnh mẽ “Tinh thần Nghị định 100”. “Trong những ngày cuối năm và dịp lễ Tết, chúng tôi xác định ngày nào cũng là ngày cao điểm kiểm tra vi phạm nồng độ cồn”, Đại tá Bình nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo ông Bình, việc xử lý của cảnh sát hiện nay “mới chỉ giải quyết được phần ngọn; để xử lý tận gốc cần có sự chung tay của toàn xã hội”. Trong đó, các cơ quan quản lý cần đưa ra biện pháp mạnh nhằm hạn chế quảng cáo, tiếp thị rượu, bia; không để người dân, nhất là thanh thiếu niên mua đồ uống có cồn và sử dụng dễ dàng.

Sau một năm thực hiện Luật Phòng, chống tác hại rượu bia và Nghị định 100, nhiều cảnh sát trực tiếp làm nhiệm vụ trên đường chung nhận xét “ý thức của các tài xế tốt dần lên”.

“Khi chế tài tăng cao, các tài xế vi phạm ít hơn. Có những ngày trong tuần, chúng tôi kiểm tra cả nghìn trường hợp nhưng không phát hiện tài xế nào vi phạm. Các trường hợp sử dụng rượu bia khi lái xe chủ yếu rơi vào cuối tuần hoặc dịp lễ Tết, hội hè”, một cán bộ CSGT cho hay. 

Đọc thêm