Năm 2024: Có thể đạt được mức tăng GDP 7,0%

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nhiều nhận định cho thấy, triển vọng tăng trưởng của Việt Nam đang nghiêng về kịch bản tích cực và trong kịch bản lạc quan, tăng trưởng cả năm nay có thể vượt mục tiêu cận trên của Chính phủ và có thể đạt được mức tăng 7,0%.
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng năm 2024, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị khẩn trương cụ thể hóa, đưa các Luật, Nghị quyết đã được Quốc hội thông qua vào cuộc cuộc sống. (Ảnh minh họa - VNEconomy)
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng năm 2024, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị khẩn trương cụ thể hóa, đưa các Luật, Nghị quyết đã được Quốc hội thông qua vào cuộc cuộc sống. (Ảnh minh họa - VNEconomy)

Động lực tăng trưởng ở khu vực sản xuất

Báo cáo chuyên đề tháng 8: “Việt Nam - Giữ nhịp tăng trưởng” vừa được Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt công bố mới đây nhận định, nền kinh tế đã đạt được mức tăng trưởng khả quan 6,4% trong nửa đầu năm. Trong kịch bản cơ sở, tổ chức này vẫn bảo lưu dự báo tăng trưởng đầu năm 2024 ở mức 6,5%. Theo đó, tăng trưởng kinh tế quý III và quý IV có thể ổn định ở mức 6,6 - 6,8%.

“Theo quan sát của chúng tôi, triển vọng tăng trưởng đang nghiêng về chiều hướng tích cực khi các dữ liệu kinh tế tháng 7 cho thấy động lực tăng trưởng ở khu vực sản xuất đang mạnh mẽ. Cụ thể, sản xuất công nghiệp tăng 11,2% so với cùng kỳ, trong khi chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tiếp tục duy trì ở mức cao là 54,7 điểm” - Rồng Việt nhận định.

Tổ chức này cũng quả quyết, trong kịch bản lạc quan, tăng trưởng cả năm nay có thể vượt mục tiêu cận trên của Chính phủ và đạt được mức tăng 6,7 - 7,0%. Trái lại, kịch bản tiêu cực với xác suất xảy ra thấp hơn là nền kinh tế tăng chậm lại từ quý IV do nhu cầu nhập khẩu của Mỹ suy giảm nhanh chóng dẫn đến xuất khẩu và sản xuất của Việt Nam giảm tốc.

Về lạm phát, Rồng Việt cho rằng quý II đã tăng 4,4% so với cùng kỳ, cao hơn mức tăng 3,8% của quý I, chủ yếu là do phản ánh thay đổi mạnh theo năm của một số mặt hàng thực phẩm (giá gạo, giá thịt heo,…). Tuy nhiên, mức tăng theo tháng của chỉ số giá tiêu dùng khá thấp, bình quân chỉ 0,2% trong 4 tháng gần nhất. Đồng thời, khoảng cách giữa lạm phát chung và lạm phát lõi đang mở rộng.

“Chúng tôi cho rằng lạm phát có thể “hạ nhiệt” dần từ tháng 8 do mức nền cao của cùng kỳ. Mặc dù vậy, áp lực lạm phát trong các tháng cuối năm sẽ được thúc đẩy bởi sự điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý (điện, giáo dục, y tế), ảnh hưởng của tỷ giá lên các mặt hàng nhập khẩu (xăng dầu) và tác động của cải cách tiền lương. Do đó, chúng tôi điều chỉnh tăng dự báo lạm phát năm 2024 từ mức 3,5% lên 3,8%” - chuyên gia Rồng Việt đưa ra dự báo mới.

Khai thác tối đa các động lực tăng trưởng

Trước đó, tại Hội nghị Chính phủ với địa phương hôm 6/7, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng GDP năm 2024.

Cụ thể, với kịch bản 1, tăng trưởng cả năm đạt 6,5% (cận trên mục tiêu Quốc hội quyết nghị). Để đạt được con số này, tăng trưởng quý III chỉ cần đạt 6,5%, và quý IV là 6,6%, thấp hơn kịch bản tại Nghị quyết số 01/NQ-CP (6,7% và 7,0%); Kịch bản 2, tăng trưởng cả năm đạt 7%. Theo đó thì tăng trưởng quý III phải đạt 7,4%, quý IV phải đạt 7,6%, cao hơn kịch bản tại Nghị quyết số 01/NQ-CP 0,7 điểm phần trăm và 0,6 điểm phần trăm.

Bộ KH&ĐT kiến nghị lựa chọn kịch bản tăng trưởng cả năm 6,5 - 7%, phấn đấu đạt mức cao 7% dựa trên 6 yếu tố: Thứ nhất, xu hướng tăng trưởng tích cực từ các khu vực kinh tế; Thứ hai, đầu tư tư nhân và doanh nghiệp nhà nước phục hồi nhanh hơn, đầu tư FDI duy trì được đà tăng trưởng tích cực; Thứ ba, duy trì và đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng xuất khẩu, nhất là việc tập trung vào các thị trường lớn có dấu hiệu chậm lại như Trung Quốc, Nhật Bản…; Thứ tư, du lịch và tiêu dùng tăng trưởng nhanh hơn, phấn đấu đạt và vượt mục tiêu thu hút khách du lịch quốc tế; Thứ năm, các chính sách, quy định pháp luật mới chuẩn bị ban hành và có hiệu lực; Thứ sáu, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; nỗ lực, quyết tâm của các Bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là các địa phương đầu tàu kinh tế như Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương...; nếu các địa phương này tăng trưởng cao hơn, sẽ giúp tăng trưởng cả nước vượt 6,5%.

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng này, Bộ KH&ĐT kiến nghị: khẩn trương cụ thể hóa, đưa các Luật, Nghị quyết đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7 vào cuộc sống; Nhanh chóng ban hành, hoàn thiện các văn bản hướng dẫn ở cả Trung ương và địa phương trong tháng 7 để có thể áp dụng ngay các Luật: Đất đai, Kinh doanh bất động sản, Nhà ở từ ngày 1/8/2024; tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ và làm mới các động lực tăng trưởng về đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu; khai thác tối đa các động lực tăng trưởng mới từ chuyển đổi số, chuyển đổi xanh; chú trọng làm tốt công tác an sinh xã hội, phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, bảo vệ môi trường; phòng cháy, chữa cháy; nâng cao chất lượng dự báo, chủ động phòng, chống thiên tai, bão lũ, thiếu nước, xâm nhập mặn…

Tại báo cáo Vietnam at a glance do HSBC vừa phát hành. Bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu HSBC đánh giá hoạt động thương mại trong tháng 7 của Việt Nam tiếp tục mạnh mẽ hơn nhưng cần thêm thời gian để lan tỏa tích cực sang các lĩnh vực trong nước; đồng thời dự báo tốc độ tăng lạm phát sẽ xuống thấp đáng kể trong nửa cuối năm 2024, kéo lạm phát bình quân nằm trong khoảng 3,6% cho cả năm 2024, trong khi tăng trưởng GDP cả năm 2024 dự báo ở mức 6,5% - mức nhanh nhất trong ASEAN.

Đọc thêm