Dấu ấn năm 2023
Cùng với tổng kết 10 năm Nghị quyết 29 về đổi mới toàn diện giáo dục Việt Nam, năm 2023 cũng đánh dấu việc Bộ GD&ĐT hoàn thành thẩm định, phê duyệt sách giáo khoa cho Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Việc lựa chọn sách giáo khoa được Bộ GD&ĐT hướng dẫn, điều chỉnh theo quy định của Luật Giáo dục 2019. Các địa phương triển khai, áp dụng thực hiện linh hoạt theo điều kiện của từng địa phương, bảo đảm công khai, dân chủ trong lựa chọn sách giáo khoa.
Ngày 28/11/2023, Bộ GD&ĐT đã công bố “Phương án tổ chức Kỳ thi và xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025”. Theo phương án, nội dung Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 sẽ bám sát nội dung của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Thí sinh thi bắt buộc môn: Ngữ văn, Toán và 2 môn thí sinh tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 (Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ). Phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 được xây dựng bài bản, khoa học; bám sát chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và quy định pháp luật của Nhà nước, bảo đảm tổ chức thi và và xét công nhận tốt nghiệp THPT. Cùng với phương án thi, Bộ GD&ĐT cũng đã công bố cấu trúc định dạng đề thi của Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, làm căn cứ để các nhà trường, giáo viên, học sinh tham khảo cho quá trình dạy và học.
Về chế độ, chính sách cho giáo viên, Nghị quyết của Quốc hội về thực hiện chính sách tiền lương mới từ 1/7/2023 - nâng mức lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức lên mức 1,8 triệu đồng/tháng, giúp giáo viên phần nào bảo đảm cuộc sống, yên tâm gắn bó với nghề. Cùng với đó, chính thức bỏ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp thành xét thăng hạng, xóa bỏ những tồn tại từ thực tiễn và phù hợp với nguyện vọng của đông đảo giáo viên.
Ngày 15/8/2023, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã có cuộc gặp gỡ bằng hình thức trực tuyến với trên một triệu giáo viên cả nước. Đây là lần đầu tiên hoạt động này được tổ chức. Trước khi diễn ra, thông qua kênh của Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã có hơn 6.300 câu hỏi được gửi tới Bộ trưởng. Tại cuộc gặp gỡ, hàng loạt ý kiến, câu hỏi liên quan đến chính sách nhà giáo như định mức, lương, phụ cấp nhà giáo; quy định tuổi nghỉ hưu nghề giáo; chính sách đặc thù cho các giáo viên mầm non; chính sách, vị trí việc làm cho nhân viên trong các nhà trường; quy định về tự chủ đại học; các chính sách về đầu tư nghiên cứu khoa học; cơ sở hạ tầng giáo dục đại học… đã được giáo viên gửi tới Bộ trưởng. Các ý kiến, câu hỏi của giáo viên cũng đã được tiếp nhận đầy đủ để giải đáp bằng các hình thức khác và là cơ sở để điều chỉnh chính sách.
Để từng bước khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên, Bộ GD&ĐT đã hướng dẫn các địa phương tuyển dụng được 17.208 giáo viên. Phối hợp với các cơ quan, Bộ, ngành có liên quan hoàn thiện báo cáo để Chính phủ trình xin ý kiến Quốc hội về việc cho phép các địa phương thiếu giáo viên, còn biên chế được tuyển dụng giáo viên mầm non, tiểu học theo chuẩn trình độ đào tạo quy định tại Luật Giáo dục 2005. Đặc biệt, Bộ GD&ĐT đã được Chính phủ thống nhất thông qua về sự cần thiết ban hành Luật Nhà giáo nhằm tạo hành lang pháp lý để đội ngũ giáo viên yên tâm công tác...
2024 - năm quan trọng với giáo dục phổ thông
Nhấn mạnh những kết quả nổi bật của năm 2023 trong bối cảnh nhiều thách thức, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định đây là một năm ngành Giáo dục nhận được sự tin cậy, chia sẻ, đồng thuận, thấu hiểu nhiều hơn từ Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, đại biểu Quốc hội, người dân… Nhận định về năm 2024, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định, vẫn còn rất nhiều thách thức, nhưng vượt qua được sẽ có những kết quả mới.
Theo Bộ trưởng, đây là năm quan trọng có tính chất “nước rút” với đổi mới giáo dục phổ thông, khi các lớp cuối cùng bước vào triển khai và chuẩn bị đánh giá cả chu trình đổi mới. Cùng với đó là hàng loạt các công việc cần thực hiện theo kết luận giám sát đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Với nhiều thách thức, nhiều khó khăn, nhiều việc đặt ra, Bộ trưởng nhấn mạnh các từ khóa làm tinh thần triển khai cho năm 2024, đó là: Bản lĩnh - Thực tiễn - Chất lượng - Lan tỏa. Bộ trưởng phân tích, với trạng thái đang đổi mới, đổi mới không bao giờ là dễ dàng, phải khẳng định được trước xã hội - đó là con đường không thể khác.
Bộ trưởng cho biết, năm qua, Bộ GD&ĐT đã rà soát, điều chỉnh hàng loạt chính sách phù hợp với thực tiễn như Nghị định 116, Nghị định 99, điều chỉnh hàng loạt thông tư, hướng dẫn… với tinh thần chung là lắng nghe từ thực tiễn, phù hợp với yêu của thực tiễn. “Thời kỳ chuyển đổi nên sẽ nhiều thay đổi, những gì chưa phù hợp kịp thời thay đổi để phù hợp...”, Bộ trưởng nhấn mạnh tinh thần này cần tiếp tục trong năm 2024 và những năm tiếp theo.
“Cam kết chất lượng” là việc tiếp theo mà theo Bộ trưởng, các bậc học dù nhiều việc đang phải làm nhưng luôn luôn phải lấy yếu tố chất lượng làm thước đo cho mọi công việc. “Ngoài kết quả đổi mới, cần lan tỏa đến xã hội, đến phụ huynh một điều: Chúng ta hướng đến trường học hạnh phúc, nhưng lớn hơn nữa là hướng đến ngành hạnh phúc. Ngành chúng ta cũng cần hạnh phúc”, Bộ trưởng gửi gắm.
Về một số việc, nhiệm vụ cụ thể cần tập trung triển khai trong năm 2024, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề cập đầu tiên là làm thật tốt tổng kết Nghị quyết 29/NQ-TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT. Tiếp tục đưa ra đề xuất, mở đường cho bước phát triển mới trong thời gian tiếp theo nhân Kết luận của Bộ Chính trị về tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW. Đặc biệt là yếu tố con người, cần giải quyết vấn đề thiếu giáo viên và nâng cao chất lượng đội ngũ.
Việc quan trọng tiếp theo là trình Chính phủ Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch hệ thống cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật và hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Năm 2024 cũng là năm tiếp tục đổi mới giáo dục phổ thông; trong đó thực hiện chu trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa đến lớp 5, 9, 12, bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng. Về việc này, Bộ trưởng yêu cầu các trường đại học, đặc biệt là cơ sở đào tạo giáo viên tập trung đổi mới chương trình, phương pháp để sinh viên ra trường có thể nhập cuộc ngay với phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá ở phổ thông. Đồng thời, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, trong đó Luật Nhà giáo là công việc rất lớn đặt ra cho năm 2024...