“Về đích” trước 4 năm theo mục tiêu đặt ra
So với năm 2013, số người tham gia BHXH năm 2020 tăng 46,1%, số tham gia BHXH tự nguyện tăng gấp 6,6 lần; bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) tăng 53,3%. Số người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) bình quân tăng khoảng 6%/năm; từ 2016, tỷ lệ bao phủ đã đạt 81,88% dân số, “về đích” trước 4 năm theo mục tiêu đặt ra tại chiến lược đến năm 2020.
Bên cạnh đó, công tác cải cách hành chính của BHXH Việt Nam liên tục được đẩy mạnh.
Về ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), BHXH Việt Nam đã xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm, cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; tích hợp, cung cấp 15 dịch vụ công trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Đáng chú ý, toàn ngành đã triển khai ứng dụng BHXH số - VssID, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân theo dõi thông tin đóng BHXH, BHYT, sử dụng thay thẻ BHYT khi đi khám chữa bệnh BHYT...
Chiến lược mới - Tầm nhìn mới
Từ định hướng đặt ra tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 của đất nước, yêu cầu đặt ra từ thực tiễn, cần thiết phải xây dựng Chiến lược phát triển ngành BHXH Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045.
Ông Phạm Lương Sơn - Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, BHXH Việt Nam đã chủ động xây dựng Đề án khoa học “Chiến lược phát triển ngành BHXH Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, qua đó tổng kết lý luận, thực tiễn xây dựng Tờ trình, dự thảo Quyết định, dự thảo Chiến lược trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Theo đó, trong dự thảo chiến lược mới, BHXH Việt Nam đặt ra các mục tiêu quan trọng. Phấn đấu đến năm 2030 đạt 60% lực lượng lao động tham gia BHXH, 45% lực lượng lao động tham gia BHTN, tỷ lệ tham gia BHYT đạt 97,1% dân số. Phấn đấu đạt 100% thủ tục hành chính được tiếp nhận, giải quyết không phụ thuộc vào địa giới hành chính; mức độ hài lòng của người dân, DN đạt tối thiểu 95%...
Tầm nhìn đến năm 2045, xây dựng BHXH Việt Nam theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Toàn bộ các hoạt động quản lý, điều hành, phục vụ người dân và DN đều vận hành trong “Hệ sinh thái số 4.0” (hệ thống CNTT có năng lực xử lý tập trung và tích hợp cao, trên nền tảng công nghệ mới), không phụ thuộc vào địa bàn hành chính, có thể truy cập mọi nơi, mọi lúc…
Đóng góp ý kiến về giải pháp phát triển số người tham gia BHXH, BHYT, ông Dương Văn Hào - Trưởng Ban Quản lý Thu - Sổ, thẻ, đề nghị nên bổ sung rõ phần trách nhiệm của các bộ, ngành có liên quan, qua đó đảm bảo tính khả thi, đồng bộ trong quá trình triển khai thực hiện trong thực tiễn.
“Bên cạnh đó, các giải pháp về truyền thông cần cụ thể hơn, hướng tới các nhóm đối tượng cụ thể, có tiềm năng, khai thác hiệu quả nguồn dữ liệu của cơ quan BHXH đang quản lý, qua đó đạt mục tiêu phát triển người tham gia BHXH, BHYT”, ông Hào nói.
Từ kinh nghiệm thực tiễn, ông Nguyễn Đức Hòa - Giám đốc BHXH TP Hà Nội đề nghị bổ sung thêm nội dung về trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc thực hiện các mục tiêu chiến lược phát triển BHXH, BHYT tại địa phương.
Còn ông Phan Văn Mến - Giám đốc BHXH TP Hồ Chí Minh đề xuất: Cần nghiên cứu biện pháp quản lý chặt chẽ hơn về thông tin người hưởng lương hưu tại cơ sở, trong đó, trách nhiệm chủ yếu thuộc về cơ quan BHXH. Ngoài ra, cũng cần lưu ý đến việc đẩy mạnh thực hiện việc ứng dụng, sử dụng biên lai điện tử để thuận lợi hơn cho người dân.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, ông Nguyễn Thế Mạnh - Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam nhấn mạnh tầm quan trọng của chiến lược mới, là kim chỉ nam cho định hướng phát triển của toàn ngành trong giai đoạn tiếp theo.
Theo đó, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam chỉ đạo Ban Soạn thảo tiếp tục hoàn thiện nội dung dự thảo, trong đó, chú trọng kế thừa các quan điểm, định hướng lớn, các mục tiêu phát triển đã được Đảng, Nhà nước, Chính phủ quán triệt thực hiện về BHXH, BHYT; tổng kết thực tiễn, rút ra bài học kinh nghiệm, xây dựng các giải pháp cụ thể có tính khả thi cao, định lượng, định tính, có lộ trình triển khai để khắc phục những hạn chế đang còn tồn tại, tránh nêu chung chung.
“Các giải pháp cần có sự liên quan, biện chứng với nhau, không được tách rời, trên cơ sở căn cứ pháp lý, căn cứ thực tiễn, lý luận, nhận định rõ bối cảnh, điều kiện để triển khai, lường trước những thay đổi, điều chỉnh trong quá trình sửa đổi luật, bảo đảm các mục tiêu, giải pháp đưa ra trong chiến lược vẫn có giá trị, tính khả thi dài hạn. Về hình thức thể hiện, phải cân đối, hài hòa, có điểm nhấn ở từng nhóm nội dung, bảo đảm tính cô đọng ngắn gọn, súc tích song vẫn phải bảo đảm đủ ý, đủ thông tin cốt lõi” – Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam lưu ý.