Năm của những 'bóng hồng' Thể thao Việt

(PLO) - Đội tuyển bóng đá U15 Việt Nam đã thi đấu vô cùng ấn tượng trên sân khách (Thái Lan) để xuất sắc giành chức vô địch Đông Nam Á. Và chiến thắng tuyệt vời của đội tuyển U23 Việt Nam trước Hàn Quốc để giành vé vào đấu vòng chung kết châu Á diễn ra vào năm sau tại Trung Quốc. Những thành tích đó chưa thể lấp đầy những cống hiến thầm lặng của các bóng hồng Thể thao Việt Nam trong năm qua. 

Ghi danh phái nữ

Bóng đá nữ Việt Nam ở SEA Games 29 luôn kén người xem, nhưng rồi thất bại phũ phàng của đội tuyển U23 Nam, hàng triệu cổ động viên nước nhà sát cánh cùng đội tuyển nữ Việt Nam trong hành trình chinh phục vinh quang. Một hành trình mà trước đó nhiều người đã trông thấy rõ sự thiệt thòi của các cô gái trót yêu bóng đá. Nhưng rồi cuối cùng đổi lại là tấm Huy chương Vàng (HCV) SEA Games lần thứ 5 cùng với đó là nhiều cảm xúc mà rất lâu rồi chúng ta mới có được ở đấu trường khu vực.

Cái tên mang đến cho chúng ta sự hãnh diện và tự hào nhiều nhất phải là Ánh Viên. Một mình Ánh Viên mang về tới 8 HCV cho đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 29. Và là một điểm sáng ấn tượng khiến báo chí nước ngoài phải “ngả mũ” trước tài năng xuất chúng của Ánh Viên.

VĐV Ánh Viên.

Không nhiều thành tích như Ánh Viên nhưng ngôi sao mới nổi của điền kinh Việt Nam Tú Chinh lại khiến chúng ta cảm thấy nể phục ở ý chí mạnh mẽ và nỗ lực tuyệt vời của cô gái mồ côi từ nhỏ. Có Tú Chinh vững vàng trên đường pitch, điền kinh Việt Nam lần đầu tiên xô đổ vị trí số 1 của Thái Lan tại đấu trường khu vực.

Trong khi đó với Dương Thuý Vi, cô gái của Wushu lại có duyên đến kỳ lạ trong vai trò người mở hàng HCV cho thể thao Việt Nam. Từ SEA Games đến Asiad chỉ cần Thuý Vi xuất hiện là mang đến sự an tâm. Cô cũng là một trong những cái tên hiếm hoi mang về tấm HCV thế giới cho Thể thao Việt Nam trong năm 2017.

Chẳng cần một cột mốc đáng nhớ nào, nhưng Nguyễn Thị Oanh đã chạm vào trái tim của rất nhiều người với hình ảnh đỡ bạn dậy cùng nhau ăn mừng khi về đích ở nội dung 5000m nữ. Thế mới thấy thành công không chỉ đến từ sự nỗ lực mà còn đến từ sự sẻ chia giữa những người bạn, những người đồng đội.

34/58 tấm HCV của đoàn Thể thao Việt Nam tại SEA Games 29 thuộc về các vận động viên nữ. Một con số biết nói về những đóng góp của phụ nữ dành cho Thể thao Việt Nam. Rõ ràng Thể thao Việt Nam sẽ chẳng có được 1 năm thành công nếu không cậy nhờ vào những người mang danh phái yếu.

VĐV Tú Chinh.

Và những nỗi buồn ...

Vận động viên Hoàng Xuân Vinh,  nhà đương kim vô địch Olympic đã gây thất vọng cực lớn ở chung kết 50m súng ngắn nam khi anh trở thành người bị loại đầu tiên của loạt bắn chung kết.

Thất bại gây sốc của Hoàng Xuân Vinh đã phủ bóng mây u ám lên cả đội tuyển bắn súng Việt Nam trong những ngày thi đấu tiếp theo, và cuối cùng bắn súng Việt Nam chỉ có vỏn vẹn 1 HCV do công của Hà Minh Thành ở nội dung 25m súng ngắn bắn nhanh nam, sau một trận chung kết mà trưởng đoàn Thể thao Việt Nam Trần Đức Phấn phải thừa nhận rằng: “Tôi không chỉ đau tim bên trái mà còn đau cả tim bên phải”.

Một pha tranh bóng của đội tuyển U23 Việt Nam.

Tuy nhiên, bắn súng không phải là môn thể thao Olympic duy nhất mà Thể thao Việt Nam không có được trọn vẹn niềm vui tại SEA Games 29, khi bắn cung rồi taekwondo cũng đều để lại nỗi buồn và cả sự tiếc nuối.

Bắn cung với 2 cung thủ hàng đầu Đông Nam Á là Nguyễn Tiến Cương (cung 3 dây) và Lộc Thị Đào (cung 1 dây) được kỳ vọng sẽ là thành viên mang về chiếc HCV đầu tiên cho đoàn Thể thao Việt Nam tại SEA Games 29, nhưng cuối cùng cả Nguyễn Tiến Cương cũng như Lộc Thị Đào đều thất bại, và bắn cung Việt Nam chỉ có duy nhất 1 HCV do công của Chu Đức Anh, vốn là gương mặt hầu như không nhận được kỳ vọng vàng trước ngày lên đường.

Taekwondo cũng là một tiếng thở dài khác ở SEA Games 29, khi môn thể thao từng là thế mạnh của Thể thao Việt Nam, với chiếc huy chương Olympic đầu tiên của võ sỹ Trần Hiếu Ngân ở Thế vận hội Sydney 2000, nay đã lui xuống vị trí chiếu dưới ở sân chơi Đông Nam Á.

Cần nhìn xa hơn

Bộ trưởng  Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch  Nguyễn Ngọc Thiện chia sẻ: “Tại SEA Games 29 chúng ta sẽ làm tốt nhất khả năng có thể, song về thành tích Thể thao Việt Nam không chỉ dừng lại ở cấp khu vực mà mục tiêu Thể thao Việt Nam hướng tới trong tương lai chính là đấu trường Olympic Tokyo 2020 và Asiad 19 (năm 2018).

Ở hai đấu trường này trong thời gian tới chúng ta có rất nhiều lợi thế, từ việc hỗ trợ từ chuyên gia, công tác tập huấn của nước chủ nhà, cũng như ngành Thể thao Việt Nam đã sớm hoạch định và đầu tư cho các môn thể thao và vận động viên trọng điểm trong vài năm trở lại đây nên chúng ta có quyền tự tin và tin tưởng vào Thể thao Việt Nam sẽ tiếp tục làm nên lịch sử tại kỳ Olympic Tokyo 2020 tới đây. Để làm tốt được việc này thì điều đầu tiên là vận động viên của các môn thể thao hãy luôn nỗ lực, quyết tâm thi đấu thành công nhiều hơn nữa ở các giải quốc tế (đặc biệt là các giải thế giới) giành được càng nhiều suất tham dự Olympic thì cơ hội để Thể thao Việt Nam tiếp tục tỏa sáng càng nhiều”.

VĐV Nguyễn Thị Oanh.

Song song với chú trọng đào tạo, huấn luyện về chuyên môn, Bộ trưởng giao Tổng cục Thể dục Thể thao cần khẩn trương hoàn thiện sửa đổi, Luật Thể dục, Thể thao sớm đệ trình Thủ tướng Chính phủ và được Quốc hội thông qua vào kỳ họp khoảng tháng

5 năm 2018. Coi nhiệm vụ thúc đẩy, triển khai phát triển mạnh mẽ công tác xã hội hóa trong lĩnh vực thể dục thể thao ở cả thể thao quần chúng và thể thao thành tích cao.

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định, muốn hoạt động thể dục thể thao phát triển mạnh mẽ thì sự đồng hành của các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước là điều không thể thiếu và luôn luôn phải được coi trọng. Ở bất kỳ giai đoạn, thời điểm nào và ở bất kể ngành nào cũng thế cần có một chủ trương đúng và công tác xã hội hóa tốt thì ngành đó sẽ phát triển vô cùng mạnh mẽ...

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, Thể thao 

Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục, Thể thao Vương Bích Thắng cho biết: Trong quá trình thực hiện Luật Thể dục, Thể thao,  một số lĩnh vực còn thiếu văn bản hướng dẫn gây ra không ít khó khăn cho công tác quản lý, điều hành cũng như việc triển khai các hoạt động cụ thể như thể thao chuyên nghiệp…

Dự kiến sẽ có 31 nội dung được điều chỉnh, sửa đổi bổ sung trong Luật Thể dục, Thể thao. Trong đó, có những nội dung cụ thể hóa, có những nội dung mới để phù hợp hơn với xu hướng phát triển của xã hội hiện nay cũng như phong trào phát triển thể dục thể thao trong nước và quốc tế.

Thực tiễn thời gian qua đặt ra một số vấn đề mà quy định của Luật Thể dục, Thể thao chưa thể hiện được đó là: điều kiện xây dựng và định hướng phát triển của thể thao chuyên nghiệp riêng biệt theo hướng chuyên nghiệp hóa từ khâu tổ chức, đào tạo, quản lý, chính sách chứ không chỉ là thể thao thành tích cao đơn thuần... Chính điều đó, cho thấy Luật Thể dục, Thể thao cấp thiết phải bổ sung, điều chỉnh quy định với những nội dung mới phù hợp hơn để phát triển thể thao chuyên nghiệp.

Đọc thêm