Nam Định: Sớm về đích trong GPMB Dự án Cụm công nghiệp Đồng Côi

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Việc giải phóng mặt bằng (GPMB) Dự án Cụm công nghiệp (CCN) tập trung Đồng Côi (huyện Nam Trực) mở rộng đang băng băng về đích, đưa dự án sớm trở thành điểm nhấn tạo động lực trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Cụm công nghiệp tập trung Đồng Côi có tổng diện tích được phê duyệt là 39,95ha, đã thực hiện 15,15ha, giai đoạn mở rộng là 24,8ha, quyết tâm tạo ra một dự án mang tính điểm nhấn của địa phương.

Cụm công nghiệp tập trung Đồng Côi có tổng diện tích được phê duyệt là 39,95ha, đã thực hiện 15,15ha, giai đoạn mở rộng là 24,8ha, quyết tâm tạo ra một dự án mang tính điểm nhấn của địa phương.

Điểm nhấn tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội

Nam Định từng là “thủ phủ” công nghiệp nhẹ của miền Bắc. Tuy nhiên, các CCN tại tỉnh Nam Định đang hoạt động chủ yếu được thành lập trước năm 2010, do đó việc triển khai hạ tầng kỹ thuật các CCN phục vụ cho sản xuất còn thiếu đồng bộ; công tác quản lý CCN trên địa bàn còn chưa đáp ứng được hết yêu cầu đặt ra; hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng và bảo vệ môi trường của một số cơ sở sản xuất kinh doanh khu vực nông thôn, ở xen ghép trong khu dân cư còn bộc lộ thiếu sót, hạn chế. Các dự án chủ yếu đầu tư vào một số ngành truyền thống, có thế mạnh của tỉnh; chưa thu hút được các dự án lớn đầu tư vào một số lĩnh vực tỉnh có tiềm năng; trình độ thiết bị công nghệ còn ở mức độ chưa cao.

Chính vì vậy, vì mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, thu hút các nhà đầu tư có tiềm lực, tạo giá trị công nghiệp và dịch vụ cao, những năm gần đây tỉnh Nam Định đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng cơ sở hạ tầng công nghiệp, làm nền tảng, tạo động lực cho mục tiêu trên.

Hiện trên địa bàn tỉnh Nam Định có khu công nghiệp (KCN) Hòa Xá và cụm công nghiệp (CCN) An Xá đã được lấp đầy và đi vào hoạt động sản xuất ổn định.

Tỉnh đã thành lập 06 CCN, tổng diện tích 85,5 ha, trong đó có 4 CCN đã đi vào hoạt động, gồm: CCN Hải Phương (21,4 ha), CCN Hải Minh (6,6 ha), CCN Thịnh Long (15,8 ha) huyện Hải Hậu và CCN Nghĩa Sơn (9 ha) huyện Nghĩa Hưng; thành lập mới 02 CCN: CCN Thịnh Lâm (22 ha) huyện Giao Thủy và CCN Hải Vân (10,7 ha) huyện Hải Hậu.

Thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh Nam Định đã đưa ra định hướng đến năm 2030, cơ bản hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nằm trong nhóm các tỉnh phát triển khá về công nghiệp trong vùng đồng bằng Sông Hồng. Đến năm 2045 tỉnh Nam Định trở thành tỉnh công nghiệp phát triển hiện đại. Tỉnh đã tập trung điều chỉnh phân bố không gian công nghiệp trên địa bàn phù hợp với định hướng phát triển các vùng kinh tế của tỉnh.

Cụ thể hoá mục tiêu trên, tỉnh Nam Định đã đồng ý mở rộng Cụm công nghiệp Đồng Côi (huyện Nam Trực). Theo đó, Cụm công nghiệp tập trung Đồng Côi có tổng diện tích được phê duyệt là 39,95ha, giai đoạn 1 đã thực hiện 15,15ha, giai đoạn mở rộng là 24,8ha, quyết tâm tạo ra một dự án mang tính điểm nhấn của địa phương. “Chúng tôi tin rằng dự án ra đời sẽ mang lại những thành quả về mặt kinh tế xã hội, phù hợp với quy hoạch và định hướng phát triển công nghiệp của tỉnh Nam Định”, một lãnh đạo huyện Nam Trực cho biết.

Giải phóng mặt bằng sớm về đích

Từ khi có chủ trương xây dựng mở rộng cụm công nghiệp tập trung, chính quyền địa phương đã không ngừng vận động, gặp gỡ các hộ dân trong diện GPMB để tuyên truyền quy định của pháp luật liên quan đến dự án, về quyền lợi và nghĩa vụ của người dân khi nhà nước thu hồi đất thực hiện dự án. Đồng thời, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân nhằm phát huy và đảm bảo tính dân chủ trong GPMB.

Theo kế hoạch, tháng 12 này, toàn bộ mặt bằng sạch để thực hiện Dự án CCN Đồng Côi mở rộng phải được chính quyền huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định bàn giao cho nhà đầu tư.

Tính đến thời điểm hiện tại, công tác giải phóng mặt bằng cho dự án đã gần như hoàn thành. Để có được kết quả này có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính quyền địa phương và nhất là sự đồng thuận nhất trí cao của người dân địa phương.

Tính đến thời điểm hiện tại, công tác giải phóng mặt bằng cho dự án đã gần như hoàn thành.

Tính đến thời điểm hiện tại, công tác giải phóng mặt bằng cho dự án đã gần như hoàn thành.

Ông Nguyễn Xuân Hưởng, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Nam Trực cho biết, việc chậm bàn giao mặt bằng sạch sẽ ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án, kéo theo những hệ lụy xa hơn là việc thu hút lao động, thu hút đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, nâng cao đời sống nhân dân sẽ gặp khó khăn. Do đó, địa phương mong muốn một vài hộ dân thuộc diện thu hồi đất phục vụ Dự án CCN Đồng Côi mở rộng thấu hiểu và đồng thuận, ủng hộ phương án hỗ trợ, đền bù GPMB đã ban hành để chính quyền có thể bàn giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư.

“Với 6 hộ dân còn lại thuộc diện thu hồi đất, chúng tôi buộc phải hoàn thiện quy trình để tổ chức cưỡng chế. Đến nay, chúng tôi đã cưỡng chế 5/6 hộ dân, nhằm bàn giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư, bảo đảm tiến độ triển khai Dự án”, ông Hưởng thông tin.

Về việc bảo đảm an sinh cho người dân thuộc diện thu hồi đất thực hiện các dự án phát triển kinh tế trên địa bàn, UBND huyện Nam Trực cho hay, chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm đến công tác này. Theo đó, công tác GPMB được thực hiện đầy đủ quy trình, thủ tục, đảm bảo chặt chẽ, công khai; thực hiện đền bù đầy đủ cho người dân theo đúng cơ chế, chính sách của Nhà nước.

Theo Quyết định số 662/QĐ-UBND ngày 29/3/2018 của UBND tỉnh Nam Định về việc mở rộng CCN Tập trung Đồng Côi, dự án có tổng mức đầu tư gần 200 tỷ đồng. Ngành nghề hoạt động là cơ khí, cơ khí đúc, luyện thép…, thời gian hoạt động 50 năm.

Đọc thêm